Dấu hiệu trốn thuế: Hé lộ chiêu "lách luật" để bán hàng xách tay Iphone 12 tại TP Hồ Chí Minh

13/11/2020 07:41

Kinhte&Xahoi Tình trạng bán hàng không hóa đơn, không rõ nguồn gốc gắn mác hàng "xách tay" vẫn đang diễn ra tràn lan tại thị trường TP HCM và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Đặc biệt, khi dòng sản phẩm Iphone 12 đang là sản phẩm mới và “hot” nhất của thị trường điện thoại. Tuy nhiên, xét về pháp lý, các cơ sở kinh doanh có đang làm đúng luật?

Trong nhiều ngày thâm nhập và tìm hiểu nguồn hàng, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam được “dân buôn” giới thiệu một cửa hàng tại địa chỉ 20/6 Nguyễn Cảnh Chân, phường Cầu Kho, quận 1, TP HCM. Trong vai cần mua hàng với số lượng nhiều phóng viên (PV) đã liên hệ trước qua điện thoại với một người tên Bội (chủ cửa hàng) để hẹn tới xem hàng trực tiếp.

Đúng hẹn, PV có mặt tại địa chỉ mà người tên Bội cho. Thoạt nhìn bên ngoài khó có thể đoán được đây là “đại lý” phân phối sỉ lẻ các loại Iphone 12 xách tay tại TP HCM khi không có bất kỳ bảng hiệu nào phía trước.

Hệ thống cửa hàng Huy Hoàng mobile chuyên cung cấp sỉ, lẻ các dòng điện thoại xách tay.

Bên trong cửa hàng có khoảng 3, 4 nhân viên đang phân loại các mặt hàng điện tử, linh kiện, đóng gói để chuẩn bị giao về cho khách.

Tại đây, người phụ nữ tên Bội nói: “Chị tưởng các em không đến là chị chốt đơn gửi hết cho khách. Hàng đang khan mà thị trường cần quá, nhu cầu tăng cao nên hàng cứ về là hết. Tối nay bên chị lại về hàng tiếp, ngày mai lại đầy”.

Đồng thời, như để nắm rõ lai lịch của những vị khách mới, Bội liên tục đặt những câu hỏi thăm dò PV như ở đâu? Cửa hàng lớn không? Đã bán Iphone 12 chưa?

Sau khi đã phần nào tin tưởng, Bội cho nhân viên mang ra đặt trước mặt PV 8 chiếc điện thoại nhãn hiệu Iphone 12 và 12 Pro đủ màu, phiên bản 128G.

“Bên chị bỏ hàng cho hầu hết các cửa hàng bán lẻ từ các tỉnh thành chứ không riêng TP HCM. Mỗi ngày xuất đi hàng trăm con, nhiều khi không đủ hàng để xuất. Giá cả thì đó, giá sỉ chứ bán lẻ không ai bán giá này đâu. Em bán hàng em cũng hiểu là hàng xách tay mới có giá rẻ, hàng chính hãnh họ phải thuế má vào nên đội giá lên cao là đương nhiên”, người phụ nữ này liên tục chào hàng.

Khi PV đặt vấn đề về việc cần xuất hóa đơn khi lấy hàng số lượng lớn, Bội có phần sinh nghi và bắt đầu kiệm lời hơn: “Em lấy hàng về bán mà cần xuất hóa đơn làm gì? Hàng này mà xuất hóa đơn nữa thì sao có lời? Đấy là chị nói thế còn nếu bên em muốn có hóa đơn thì chị vẫn xuất được, cứ cộng thêm 10% nữa thôi. Những trường hợp cần xuất hóa đơn chủ yếu là do “vướng”, bị quản lý thị trường hay công an hỏi thăm thì chị vẫn xuất hóa đơn cho họ để lách”.

Nhiều chiếc điện thoại Iphone xách tay được Bội bày bán, giới thiệu cho khách hàng một cách công khai.

Trước đó, Báo Pháp luật Việt Nam đã có nhiều bài viết phản ánh tình trạng hàng xách tay không hóa đơn chứng từ tràn lan trên thị trường. Trong các bài viết đều thể hiện rõ những cơ sở, cửa hàng đang tồn tình trạng buôn bán các mặt hàng nhập lậu, trốn thuế… những mặt hàng dạng như này khi được tuồn ra thị trường gắn mác “hàng xách tay” nhưng liệu ai biết chính xác có hay không các sản phẩm dởm, hàng dựng, hàng nhái được đầu nậu “trộn” chung với các mặt hàng xách tay lừa đảo người tiêu dùng?

Dù hơn một tháng nữa sản phẩm mới chính thức được mở bán tại Việt Nam nhưng không hiểu bằng cách nào, hàng xách tay lại tràn lan trên thị trường như vậy? Các cửa hàng “cầm đèn chạy trước ô tô” có đang thách thức các cơ quan chức năng khi công khai quảng cáo và bày bán các sản phẩm không hóa đơn chứng từ?

Trao đổi với PV về các điều khoản xử lý tình trạng buôn bán hàng nhập lậu, trốn thuế, luật sư Hoàng Văn Huy - Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng, hành vi kinh doanh hàng nhập lậu là hành vi vi phạm quy định pháp luật.

“Căn cứ Điều 15 Nghị đinh 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2020 (Nghị định 98), hành vi nhập lậu sẽ bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ có mức phạt tiền tương ứng. Trong đó, mức xử phạt cao nhất có thể lên đến 100.000.000 (một trăm triệu) đồng (căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 15 Nghị định 98)”, luật sư Huy phân tích.


Các nhân viên của Huy Hoàng mobile nhiệt tình tư vấn và cho khách hàng xem tận mắt những chiếc điện thoại Iphone 12 xách tay.

Bên cạnh đó, luật sư Huy còn viện dẫn tại khoản 4, khoản 5 Điều 15 Nghị định 98, người kinh doanh hàng nhập lậu còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung bằng cách tịch thu tang vật hoặc bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bằng cách tiêu hủy nếu hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp từ việc kinh doanh hàng nhập lậu.

“Trong trường hợp người kinh doanh hàng nhập lậu cũng chính là người nhập lậu hàng hóa, nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm thì hành vi nhập lậu còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Buôn lậu được quy định tại Điều 188 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017”, trích phân tích luật sư Hoàng Văn Huy.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Nhóm PV - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tạp chí Điện tử Hòa nhập: Ấm áp tình người giữa mùa bão lũ

Vừa qua, người dân các tỉnh miền Trung phải gánh chịu những hệ quả do bão lũ, thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đời sống của nhiều người dân rất cơ cực. Với truyền thống tương thân, tương ái, Tạp chí Điện tử Hòa Nhập phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT VN, Báo Xây dựng tổ chức chương trình thiện nguyện nhằm chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Trung trong lúc thiên tai đè nặng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/dau-hieu-tron-thue-he-lo-chieu-lach-luat-de-ban-hang-xach-tay-iphone-12-tai-tp-ho-chi-minh-d140513.html