Đau lòng khi nhận hàng từ thiện là quần áo rách và thực phẩm hết hạn

08/11/2020 08:52

Kinhte&Xahoi Trong cuộc sống, có rất nhiều người dân nghèo khổ khi đối mặt với tai nạn, thiên tai, dịch bệnh. Với tinh thần tương thân, tương ái, rất nhiều nhiều địa phương, cơ quan, người dân đã chung tay góp sức ủng hộ tiền và những đồ thiết yếu cuộc sống. Bên cạnh điều tốt đẹp ấy, đâu đó vẫn có tình trạng một số người vô tình hay hữu ý gửi tặng quần áo cũ rách, thực phẩm đã hết hạn sử dụng như thể “dọn rác nhà kho”… làm tổn thương những người dân nghèo.

Các em học sinh khiếm thính bị nhận quà tặng là bột ăn liền quá đát.

“Mếu” khi nhận quần lót rách, bikini, áo hai dây…

Trên thực tế, lũ cuốn trôi hết quần áo và đồ vật trong nhà người dân miền Trung. Khi có đoàn thiện nguyện tặng quà, rất nhiều bà con háo hức đến nhận quần áo từ thiện. Nhưng rồi, họ thất vọng khi thấy những bộ váy hai dây, đồ lót cũ rách, bộ bikini hay những đôi giầy cao gót. Họ rất thiếu quần áo nhưng đành ngậm ngùi quay đi, ra về tay không. 

Mới đây, mạng xã hội gây xôn xao dư luận khi có nhiều bài viết chia sẻ hình ảnh những bộ quần áo rách, váy hai dây, thậm chí là cả đồ lót xuyên thấu được gói đem đi từ thiện bà con miền Trung đang oằn mình gánh chịu bão lũ. Những hình ảnh ngay sau khi được đăng tải đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng mạng. Phần lớn lên tiếng phê bình hành động đem đồ đi từ thiện này là “ngán ngẩm” hay “bó tay”.

Anh Hải Anh - trưởng một đoàn tình nguyện ở Yên Bái kể lại, khoảng đầu năm 2016, nhóm anh cũng tiếp nhận rất nhiều quần áo cũ. Tất cả số quần áo đó đều phải mang phân loại rồi mới đem đến cứu trợ cho đồng bào. Anh tiết lộ trong bao hàng thậm chí có toàn đồ lót cũ, cùng những thứ không thể dùng được. Cả nhóm đành đem bỏ trước khi vất vả vận chuyển đến tay người dân. 

Cũng thời gian trước, mạng xã hội xôn xao trước hình ảnh những chiếc quần áo lót người lớn rách tả tơi được dùng để tặng cho trẻ em. Theo nội dung được chia sẻ, toàn bộ chỗ quần áo này được kêu gọi nhằm hỗ trợ cho các bé vùng cao.

“Chuyện là đứa em mình dạy mầm non trên bản nghèo vùng cao, rét mướt mưa gió nên nó mới mạn phép xin quần áo cũ của trẻ con về. Giặt giũ và chia cho các bé thiếu thốn. Nhưng than ôi. Nhận lại toàn quần lót rách và áo lót cũ. Xem nó post ảnh mà thấy buồn rười rượi!”. Lại có chuyện, trước đây, một nhóm tình nguyện thu thập quần áo cho bà con vùng lũ ở Sơn La đã nhận được bikini mà ai đó vô tâm gửi đến. 

Ngày 20/10/2016, tài khoản H.N - đại diện một đoàn cứu trợ cho bà con miền Trung - đăng tải hình ảnh những chiếc áo hai dây cùng vài đôi giày cao gót được gửi đến ủng hộ. Cô bày tỏ sự bức xúc và khó hiểu trước những món đồ này. 

“Nhìn mấy cái áo ngực cũ chảy nhão, quần thì thủng lỗ chỗ thế kia thật không còn gì để nói. Cái này là vứt rác cho nhà đỡ chật chứ từ thiện nỗi gì!”, “Nếu giúp thì hãy giúp bằng cái tâm chứ đừng đem cho một đống rác như thế này!”.

“Từ thiện là san sẻ, là giúp đỡ người nghèo chứ không phải là nơi để bạn vứt đồ hay thanh lí hàng tồn trong tủ. Họ cần những đồ cũ, cũ nhưng không phải là rách nát, không sử dụng được nữa. Cớ sao một số người lại đem tặng những món đồ chỉ có thể vứt đi?”… - Đó là những bình luận bức xúc của hàng trăm cư dân mạng đối với hành động “kỳ quặc” của người cho đồ từ thiện.

Theo những nhóm vận chuyển đồ từ thiện, họ mong rằng những "tấm lòng vàng" hãy bỏ thời gian ra, dù một ít thôi, để hỏi rằng đoàn từ thiện đó sẽ tặng quần áo cho nơi nào, nhiều trẻ con hay toàn người lớn? Như vậy, bạn sẽ có thời gian lược ra những món đồ không cần thiết với người khác. Bạn không thể gửi quần áo trẻ con cho viện dưỡng lão hay bộ đồ thời trang, cá tính của mình cho trại trẻ mồ côi được. 

Cư dân mạng bức xúc khi thấy những chiếc quần rách đũng, áo hai dây mỏng tang được mang đi tặng người dân vùng lũ.

Người dân vùng lũ cần món đồ nhanh khô, vải bền và nhất thiết phải lành lặn. Ngoài ra, ủng đi mưa, mũ, khăn cũng quan trọng không kém. Còn người dân nghèo vùng cao thì rất cần những bộ quần áo ấm, chăn màn và những đôi giầy bata hay đôi dép tổ ong.

“Khóc” khi nhận thực phẩm ôi thiu, hết hạn sử dụng

Không chỉ người nghèo, bệnh tật bị nhận quần áo rách nát, mà một số người còn bị tặng mì tôm quá đát hay suất cơm thiu của doanh nghiệp, nhóm từ thiện gửi tặng gây bức xúc dư luận.

Khoảng 15h30 ngày 9/12/2014, chiếc xe bán tải mang đỗ gần cổng phụ của Bệnh viện Chợ Rẫy trên đường Thuận Kiều (TP Hồ Chí Minh). Một số người trên xe mang cơm và bánh bông lan đi phát. Thấy có cơm từ thiện phát miễn phí, nhiều thân nhân người bệnh đang điều trị trong bệnh viện, người bán hàng rong, bán vé số… đến xin.

Thế nhưng sau khi nhận được suất cơm, mọi người mới phát hiện ra rằng chúng đã bị ôi thiu, bốc mùi. Sau khi nhận được thông tin trên, tổ bảo vệ bệnh viện đã đề nghị chính quyền phường 12, quận 5 hỗ trợ can thiệp. Khi có sự xuất hiện của cơ quan chức năng, chiếc xe phát cơm không rõ nguồn gốc đã rời đi. Những phần cơm người nghèo nhận được đã bốc mùi ôi thiu, không thể sử dụng nên bà con đều phải bỏ vào thùng rác trong sự tiếc nuối và cảm giác buồn tủi.

Năm 2012, một doanh nghiệp tặng bệnh nhân ung thư những thùng mì tôm hết date đã khiến dư luận hết sức bất bình. Theo phản ánh của chị Bùi Thị M. một phụ huynh có con đang điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện K (cơ sở 2 tại Tam Hiệp, Hoàng Mai – Hà Nội), sáng 6/6/2012, chị thấy các bác sỹ của bệnh viện tiếp nhận 100 thùng mì tôm nhãn hiệu Gấu đỏ tặng các bệnh nhi đang điều trị tại đây.

Tuy nhiên, sau khi chiếc xe chở mì tôm tới giao xong rồi ra về, các bác sĩ và một số phụ huynh đã phát hiện nhiều thùng mỳ có hạn sử dụng chỉ còn vài ngày, thậm chí một số thùng mì đã quá date từ tháng 5. Cụ thể, có 10 thùng hết hạn từ tháng 5; 7 thùng vào ngày 7/6 là hết thời hạn sử dụng; 88 thùng có date rải rác từ ngày 9 đến 18/6. Chỉ có 2 thùng là còn hạn sử dụng đến tháng 8.

"Bệnh viện lập biên bản sự việc, thân nhân một số trẻ khác cùng ký vào. Tôi không rõ là đại lý nào mang đến tặng nhưng tất cả mì mang nhãn hiệu G.Đ. Phía đại lý cũng đến xin lỗi, cho xe chở hàng về", chị Hà cho biết thêm. Bác sĩ của Bệnh viện K cơ sở 2 ở Tam Hiệp sau đó cũng đã xác nhận sự việc đó. Phía công ty mì tôm cũng đã xin lỗi vì sơ suất này.

Anh Vũ Thành N, bố của một bệnh nhi đang điều trị tại đây là người trực tiếp cùng các y bác sĩ kiểm tra hạn sử dụng của số thùng mỳ được trao tặng tỏ ra bức xúc: "Làm từ thiện thì ai cũng ủng hộ, nhưng không hiểu họ cố ý đùn số hàng tồn kho này đi hay sự cẩu thả thiếu trách nhiệm nữa? Họ cần phải biết rằng nếu gia đình chúng tôi, con em chúng tôi có thiếu thốn thì cũng không cần tới những thứ như vậy. Con em chúng tôi mắc bệnh tật, toàn các cháu ung thư cả mà họ cho mỳ quá hạn thì ai lấy làm gì. Họ đã tự đánh mất lòng thảo của họ rồi, thật đáng buồn", anh N. thở dài.

Hồi tháng 6/2010, là vụ đoàn y, bác sĩ từ thiện do một bác sĩ ở Bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh làm Trưởng đoàn phát thuốc quá date, kém chất lượng cho người nghèo.

Năm 2010, dư luận từng xôn xao vì vụ bột ăn liền quá date được Cty TNHH Nguyễn Hồng tặng cho các em học sinh  khiếm thính. Trong vụ việc này, doanh nghiệp còn “kỳ công”, tỉ mỉ ngụy trang… hạn sử dụng mới lên. Cụ thể, sau khi nhận được thông tin về 3000 sản phầm bột ăn liên hiệu AGUSA quá hạn sử dụng, cơ quan chức năng đã vào cuộc làm rõ.

Sau nhiều lần hẹn, đến ngày 21/4/2020, đại diện của Cty TNHH Nguyễn Hồng cũng có buổi làm việc với cơ quan chức năng. Tại buổi làm việc, vấn đề ai là người đã dán hạn sử dụng mới đè lên hạn sử dụng cũ được đưa ra. Cuối cùng, đại diện Cty TNHH Nguyễn Hồng đã phải thừa nhận mình chính là đơn vị đã thay đổi hạn sử dụng trên toàn bộ sản phẩm.

Tại Quảng Bình, ngày 25/11/2010, khi các cán bộ Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật TP Đồng Hới mở các bao dứa, phát bột giặt cho các cháu tại Trung tâm thì một số cháu đã vô tình bóc tem và phát hiện số hàng này được ghi sản xuất từ ngày 15/4/2007, đều đã quá hạn sử dụng.

Hãy đặt cả trái tim và khối óc vào từng món đồ, để những thứ bạn cho đi thực sự là thứ người được cho cần đến, có thể bắt đầu ngay từ hành động nhỏ và đơn giản ấy. Đừng làm những thứ từ thiện “tuỳ tiện” và khiến người ta cảm thấy bị tổn thương. Hãy trao đi tấm lòng tử tế đúng cách, đừng viện cớ từ thiện để thanh lý hàng tồn, rác thải. Đừng để những người dân nghèo, thiệt thòi bị tổn thương lần nữa. 

 Bảo Mi - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tạp chí Điện tử Hòa nhập: Ấm áp tình người giữa mùa bão lũ

Vừa qua, người dân các tỉnh miền Trung phải gánh chịu những hệ quả do bão lũ, thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đời sống của nhiều người dân rất cơ cực. Với truyền thống tương thân, tương ái, Tạp chí Điện tử Hòa Nhập phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT VN, Báo Xây dựng tổ chức chương trình thiện nguyện nhằm chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Trung trong lúc thiên tai đè nặng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/dau-long-khi-nhan-hang-tu-thien-la-quan-ao-rach-va-thuc-pham-het-han-d140108.html