Đâu rồi cái tâm với di sản?

08/05/2019 10:19

Kinhte&Xahoi Khoan, vít cốt thép lên tháp cổ, xây cầu hiện đại giữa lòng di sản, sơn móng tay cho tượng hay trùng tu di tích cổ theo phong cách thời thượng... là vài trong rất nhiều câu chuyện cười ra nước mắt về gìn giữ di sản. Và cội nguồn của những sai lầm này phải kể đến tư duy của những người quản lý văn hóa.

Sáng tạo hay... “tối tạo”?

Mấy ngày gần đây, sự việc cơ quan quản lý văn hóa tỉnh Bình Định đã cho phép khoan lắp pano quảng cáo vào cụm tháp Chăm cổ đã khiến những người yêu mến kiến trúc tháp Chăm bức xúc lên tiếng.

Hai ngọn tháp bị khoan cắt và lắp trụ sắt treo pano lên là tháp Bánh ít và tháp Đôi. Tháp Bánh ít hay còn gọi là tháp Bạc gồm 4 cụm tháp, trong đó ngọn tháp bị khoan gắn pano là ngọn tháp to nhất trong cụm tương tự,  Tháp đôi  gồm 2 ngọn tháp: Tháp Nam và tháp Bắc. Ngọn tháp được chọn lắp trụ sắt làm pano quảng cáo cũng là ngọn tháp có quy mô lớn hơn.

Pano được gỡ khỏi tháp cổ sau phản ứng của người dân. (Ảnh từ trang Thông tin Bình Định)

Ngay từ khi những hình ảnh các ngọn tháp cổ xuất hiện trên mạng với tấm “áo mới” kệch cỡm, kì quặc, những người quan tâm đến kiến trúc tháp Chăm nói riêng và các di sản văn hóa nói chung đã có sự lên án mạnh mẽ.

Theo những chuyên gia lẫn người dân có hiểu biết về tình trạng của các tháp cổ này, thì những ngọn tháp hàng ngàn tuổi nói trên đã có sự xuống cấp về nền, móng. Các tháp này đã trải qua sự trùng tu và đáng lý ra những người quản lý văn hóa phải rất nâng niu, tìm mọi cách để bảo vệ các ngọn tháp đang trong tình trạng rất “mong manh” này.

Thế nhưng, thay vào đó họ lại khoan, cắt và gắn lên chính diện tháp cổ rêu phong những tấm pano quảng cáo du lịch làm bằng chất liệu hết sức hiện đại: khung sắt sơn đủ màu! Nếu nói về mặt thẩm mỹ, việc đặt các vật liệu hiện đại với màu sắc phô trương lên ngôi tháp gạch cổ là một sự phản cảm thị giác. Nói về bảo vệ di sản, đây là hành vi phá hoại di sản do thiếu kiến thức lẫn nhận thức. 

Trước phản ứng của dư luận, ngay sau đó lãnh đạo tỉnh Bình Định đã chỉ đạo tháo gỡ ngay những tấm bảng quảng cáo nói trên khỏi các tháp.

Một sự việc khác gây ồn ào không kém cũng xuất phát từ một si sản văn hóa phi vật thể ở Huế: Áo dài nón lá. Vào dịp lễ hội áo dài tại Huế vừa qua, người ta thấy các cô gái Huế bên cạnh áo dài tím và nón lá mộc mạc, trên đỉnh nón lá còn xuất hiện đèn led lấp lánh, to đùng với dòng chữ “Huế”.

Mặc dù nhà thiết kế đã giải thích gắn đèn led để tạo hiệu ứng ánh sáng lung linh, nhưng đa phần người dân vẫn phản ứng mạnh trước hình ảnh này. Nhiều người cho rằng, tà áo dài tím và chiếc nón lá đơn thuần đã làm nên vẻ đẹp mộc mạc rất Huế. Việc đưa đèn led lên nón thiếu tính thẩm mỹ, phá hủy hình tượng áo dài truyền thống, thậm chí có thể gọi là “thảm họa thời trang”, là “tối tạo” thay vì sáng tạo.

Những vết thương khó lành

Có không ít di sản vật thể và phi vật thể trong nước đã bị chính những người mang danh quản lý văn hóa đối xử như thế. Từ Bưu điện TP HCM bị sơn lên màu vàng chóe, sau đó lại phải sơn lại, đến Nhà hát Lớn Hà Nội cũng bị trùng tu với màu sắc tương tự, hay các tượng la hán ở chùa Đậu (Hà Nội) bị sơn lại móng tay móng chân đỏ chói.

Không chỉ thế, thi thoảng người ta còn thấy các công trình giả cổ “bỗng dưng” mọc ra trái phép giữa lòng các di sản cổ như cây cầu “sống ảo” xuyên núi rừng Tràng An, hay một ngôi pháp đường xây không phép trong lòng quần thể di tích chùa Hương...

Những hành vi trùng tu một cách phá hoại các di sản không còn là hiện tượng nhỏ lẻ mang tính địa phương nữa, mà nó nói lên cái tâm của những người quản lý di sản văn hóa nói chung. Trước hết, đó là sự thiếu hiểu biết về kiến trúc cổ.

Là những người quản lý di sản, nhưng họ thiếu tìm tòi, nghiên cứu lịch sử hình thành lẫn hình dáng ban đầu của chính di sản đó. Và tiếp theo là tấm lòng đối với di sản, là không có. Nếu có lòng với các di sản văn hóa, có lẽ người ta sẽ cân nhắc kĩ lưỡng lắm, nương nhẹ nâng niu lắm, chứ không thẳng tay lấy sơn mới sơn lên tượng cổ, khoan thẳng vào tường tháp cổ ngàn năm hay gắn đèn led lên nón lá cổ truyền Huế...

Những tấm pano hoành tráng đã được dời đi khỏi các cụm tháp cổ Quy Nhơn. Nhưng nhưng lỗ thủng từ mũi khoan trên thân tháp, dù thời gian bao lâu vẫn sẽ cứ trơ trơ ra đó. Nó như một vết thương nhắc nhở về sự tàn nhẫn của con người đối với di sản ngàn năm...

 Theo Pháp luật plus


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tiêu Điểm Tuần: Say xỉn lái xe là tội ác

Thông điệp "Đã uống rượu bia thì không lái xe" đang được hưởng ứng mạnh mẽ trong những ngày qua. Thế nhưng đáng buồn là nó không được lan tỏa bởi ý thức của người cầm lái, mà bởi sinh mạng của người tham gia giao thông.