Để mô hình “3 tại chỗ” tại các khu công nghiệp, khu chế xuất phát huy hiệu quả...

10/08/2021 15:23

Kinhte&Xahoi Trong bối cảnh Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thêm 15 ngày với tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, để thực hiện được “mục tiêu kép” – vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất phục hồi kinh tế Thủ đô thì việc đảm bảo cho các doanh nghiệp vừa sản xuất vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch là điều vô cùng quan trọng. Một trong những biện pháp được các doanh nghiệp trong các Khu Công nghiệp (KCN), Khu Chế xuất (KCX) triển khai đó là mô hình “3 tại chỗ”.

Tuy nhiên, để đảm bảo mô hình thực sự hiệu quả vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa giữa người lao động, các chính quyền địa phương, doanh nghiệp cũng như chỉ đạo hỗ trợ linh hoạt kịp thời từ lãnh đạo thành phố để “thành trì quan trọng” này luôn vững chắc.

85 doanh nghiệp trong KCN Thăng Long được chấp thuận thực hiện “3 tại chỗ”

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường khiến nhiều doanh nghiệp bị phong tỏa, người lao động phải ngừng việc, mất việc làm, ngày 2/8, UBND huyện Đông Anh đã chấp thuận phương án sản xuất an toàn "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến" đối với 85 doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp (KCN) Thăng Long.

Phòng ăn được bố trí vách ngăn, giãn cách tại một doanh nghiệp trong khu công nghiệp

Hiện, người lao động tại Khu Công nghiệp Thăng Long đã sẵn sàng thực hiện phương án "3 tại chỗ: "Sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ", đáp ứng yêu cầu công việc trong bối cảnh dịch bùng phát.

Sau khi được lãnh đạo Công ty TNHH SD Việt Nam, Khu Công nghiệp Thăng Long thông báo về việc sẽ thực hiện phương án “3 tại chỗ”, chị Lê Thị Xoan, công nhân công ty cho biết, chị đã chuẩn bị mấy bộ quần áo, khăn mặt, bàn chải, kem đánh răng, đồ dùng phụ nữ, bánh… cho vào túi xách, để đem theo khi đi làm ca 3. Phòng khi Công ty áp dụng “3 tại chỗ” thì có đồ dùng, không bị động.

Chị Xoan cũng cho biết thêm, mặc dù có đôi chút lo lắng cho việc học hành của cậu con trai cả năm nay vào lớp cuối cấp 2 nhưng chị cũng cho biết, mình may mắn hơn nhiều người vì chồng được công ty bố trí cho làm việc online tại nhà nên nếu chị vắng mặt thì cũng yên tâm phần nào.

Theo chị, có việc làm và thu nhập ở thời điểm này đã là điều tuyệt vời. Cho nên chị Xoan hoàn toàn ủng hộ việc thực hiện “3 tại chỗ” theo đúng quy định của công ty.

Chị Đặng Thị Thanh Hương, công nhân tại một doanh nghiệp ở Khu Công nghiệp Thăng Long cũng cho biết, sẵn sàng thực hiện phương án “3 tại chỗ” vì với chị thu nhập bây giờ rất quan trọng. Bên cạnh đó, để phòng chống dịch, công ty của chị đang áp dụng biện pháp giảm số lao động là người ngoại tỉnh đến làm việc.

Chính vì vậy, không ít đồng nghiệp của chị đang phải tạm thời nghỉ việc ở nhà và được công ty trả 70% lương cơ bản. Việc giảm thu nhập không ít thì nhiều sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống nên chị thấy mừng vì mình còn có thể đi làm ổn định. Chị luôn sẵn sàng cùng công ty vừa chống dịch vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh vì nếu có người bị bệnh thì không biết bao nhiêu gia đình sẽ ảnh hưởng.

Theo đánh giá, trong bối cảnh cần phải bảo vệ “thành trì vững chắc” để có thể đảm bảo mục tiêu kép vừa sản xuất vừa phòng chống dịch thì việc triển khai mô hình “3 tại chỗ” trên địa bàn Hà Nội tuy là một quyết định khó khăn nhưng cần thiết vào thời điểm này.

Chính vì thế, theo Phó trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội Trần Anh Tuấn, ngay sau khi có Chỉ thị số 17/CT-UBND về thực hiện giãn cách xã hội, đơn vị đã yêu cầu các công ty đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, lãnh đạo các doanh nghiệp trong khu công nghiệp xây dựng phương án sản xuất an toàn "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến" gửi UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt; đồng thời sẵn sàng kịch bản duy trì sản xuất trong trường hợp nhà máy bị phong tỏa; lấy nhà máy làm nơi cách ly...

Bên cạnh đó, Ban Quản lý các KCN, KCX cũng yêu cầu các đơn vị chủ động nguồn hàng, bảo đảm lưu thông thông suốt nhằm cung ứng đầy đủ, kịp thời nguyên, nhiên liệu duy trì hoạt động sản xuất…

Đảm bảo triển khai hiệu quả mô hình “3 tại chỗ” tại Hà Nội

 Việc triển khai mô hình “3 tại chỗ” đã chứng minh được hiệu quả tại Bắc Ninh, Bắc Giang và hiện đang được triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố phía Nam khi dịch bùng phát mạnh. Thực tiễn cho thấy, có thể khẳng định đây là phương án tốt nhất trong bối cảnh hiện nay, nếu không nói là duy nhất, để các doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất ở mức tối thiểu, không bị đứt gãy vì dịch bệnh mà người lao động vẫn được an toàn.

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định không thể có một đáp án chung cho các doanh nghiệp đang duy trì sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”. Mô hình “3 tại chỗ” đã áp dụng thành công tại Bắc Ninh, Bắc Giang nhưng mô hình này dường như lại không mang lại hiệu quả như mong muốn tại các tỉnh, thành phố phía Nam, thậm chí đây chính là nơi dịch bệnh khu trú và loang ra rất nhanh, thành những chùm lây nhiễm.

Bởi lẽ giải pháp này không dễ để thực hiện, đòi hỏi hàng loạt điều kiện khắt khe. Không chỉ phải chịu chi phí lớn hơn, các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” còn phải hết sức cảnh giác phòng ngừa, không để dịch xâm nhập từ bên ngoài, nếu có mầm bệnh phải nhanh chóng được xử lý, tuyệt đối không để lây lan rộng.

Đại diện một công ty sản xuất ở huyện Hoài Đức, TP Hà Nội cho biết, doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” với hơn 200 công nhân làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ tại nhà máy. Phương án đã được phê duyệt và thực hiện tương đối trơn tru nhưng cũng vẫn phát sinh một số vấn đề, đặc biệt liên quan đến chi phí phát sinh.

Theo đại diện doanh nghiệp này, đầu tiên phải kể đến chi phí thuê mặt bằng mở rộng để phục vụ ăn ở tại chỗ cho công nhân; kéo theo đó là tiền điện, nước cũng tăng theo. Nếu như trước đây, nhà bếp phục vụ một bữa cho công nhân, nay tăng lên 4 bữa mỗi ngày. Đó là chưa kể chi phí xét nghiệm Covid-19. Theo doanh nghiệp, mỗi ngày doanh nghiệp phải chi thêm 40 triệu đồng chi phí phát sinh.

Được biết, ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã tổng hợp ý kiến về việc áp dụng “3 tại chỗ” để báo cáo UBND thành phố, chờ ý kiến chỉ đạo. Đại diện Ban Quản lý cũng cho hay, quan điểm của ban Quản lý là chỉ áp dụng “3 tại chỗ” với cơ sở lao động dưới 500 người có phương án được cơ quan chức năng phê duyệt”.

Thấu hiểu được những khó khăn của các doanh nghiệp, trong chuyến kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Đông Anh hồi cuối tháng 7, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng cho biết, trước mắt, các doanh nghiệp cần chấp hành nghiêm Chỉ thị số 17/CT-UBND. Riêng những vướng mắc phát sinh, thành phố sẽ nghiên cứu và sớm có hướng giải quyết phù hợp.

Lãnh đạo TP Hà Nội kiểm tra công tác chống dịch tại KCN Nam Thăng Long

Đối với đề xuất hỗ trợ địa điểm để thực hiện “3 tại chỗ” của các doanh nghiệp tại huyện Đông Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đề nghị huyện Đông Anh nghiên cứu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định.

Có thể khẳng định dịch bệnh đã và đang gây ra nhiều khó khăn cho hơn 300.000 doanh nghiệp tại Thủ đô, tuy nhiên, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, chế xuất chính là “thành trì vững chắc” để Thủ đô thực hiện mục tiêu kép vừa chiến đấu phòng chống dịch, vừa đảm bảo an toàn, không thể để đứt gãy chuỗi sản xuất.

Do đó, bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, cũng cần sự nỗ lực, chủ động của mỗi doanh nghiệp, mỗi cán bộ, công nhân tại các khu công nghiệp để góp phần cùng Thủ đô và cả nước từng bước kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh.

Ánh Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội chốt phương án thi vào lớp 10

Lịch thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2021-2022 đã được công bố. Các thí sinh gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra vào ngày 12-13/6/2021.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/de-mo-hinh-3-tai-cho-tai-cac-khu-cong-nghiep-khu-che-xuat-phat-huy-hieu-qua-172943.html