Doanh nghiệp Việt và tinh thần "nội sinh bất diệt"

24/01/2023 15:04

Kinhte&Xahoi Chúng ta đang phải đối mặt với những khó khăn vô cùng to lớn đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, trong khó khăn, thách thức tinh thần nội sinh của các doanh nghiệp (DN) lại trỗi dậy. Nội lực đó, cộng với sự quyết tâm, hỗ trợ từ phía Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành, tin rằng những kỳ tích, điều tuyệt vời sẽ đến trong năm 2023 và những năm tới!

Sức sống bất diệt...

Theo đánh giá của TS.Vũ Tiến Lộc – Đại biểu Quốc hội; Nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC): Nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam đang đứng trước những khó khăn chưa từng có.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam.

Tuy kinh tế trong nước đã có những phục hồi khá mạnh mẽ vào những tháng đầu năm nay cho đến tận quý III/2022, nhưng những tháng cuối năm tình hình lại trở nên khó khăn hơn. Bức tranh của nền kinh tế thế giới xấu đi rất nhanh, dự báo trong năm tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng không mấy khả quan, thậm chí dự báo nền kinh tế rất khó khăn do đại dịch diễn biến phức tạp trở lại; Xung đột Nga – Ukraine; Thay đổi về địa chính trị (giá dầu, năng lượng, giá vật tư, nguyên liệu gia tăng trên toàn cầu…).

Trong xu thế đó, nền kinh tế Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt cũng bước vào giai đoạn khó khăn nhất kể từ thời kỳ đổi mới cho đến nay. Thực tế, có thời kỳ DN tăng trưởng âm đến 2 con số. Đại dịch Covid-19 và một số yếu tố bất lợi khác đã làm cho nền kinh tế trong nước kiệt quệ, nhiều DN phải rời khỏi thị trường. “Sau khi chúng ta cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và mở cửa thị trường trở lại, nền kinh tế đã có sự hồi phục khá tốt nhưng khó khăn vẫn tiềm ẩn. Tuy có những thuận lợi, bứt phá trong những tháng đầu năm nhưng khó khăn sẽ đến và còn nhiều hơn cơ hội” – Chủ tịch VIAC nhận định.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam - một trong những ngành nghề có tỷ trọng xuất khẩu khá lớn cũng phản ánh, bình thường những tháng cuối năm hay năm mới đơn hàng của DN rất nhiều nhưng thời điểm hiện tại, nhiều DN không có đơn hàng.

“Chúng ta không kỳ vọng nhiều vào sự tăng trưởng của xuất khẩu nhưng lại có lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do nên xuất khẩu và đầu tư nước ngoài vẫn là những điểm sáng của nền kinh tế trong nước” – ông Vũ Đức Giang cho hay.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: 10 tháng năm 2022, toàn ngành dệt may xuất khẩu được 38 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ. Đây là một nỗ lực vô cùng lớn của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2022. 06 tháng đầu năm 2022, ngành Dệt may đạt được các kết quả hết sức khả quan. Mỗi tháng, chúng ta xuất khẩu trung bình 3,8 đến 4 tỷ USD nhưng đến các tháng 7, 8, 9, 10 và bước sang tháng 11 bắt đầu xuất hiện khó khăn.

Thứ nhất, sức mua toàn cầu giảm sâu do lạm phát của các nước châu Âu, một số nước châu Á. Đồng tiền của các nước bị mất giá, sau khi đồng USD tăng giá. Sự mất giá của đồng tiền tại các quốc gia đó dẫn đến lạm phát và lạm phát tăng cao khiến người dân thắt chặt hầu bao tiêu dùng. Thực tế này dẫn đến tình trạng lượng hàng hóa bị tồn kho tăng lên, các đơn hàng bị chững lại, không có đơn hàng. Hiện chúng ta bị thiếu hàng do tồn kho và đơn hàng bị tồn, khách hàng chưa đặt tiếp (số này chiếm khoảng 25 - 28%).

Chính điều này dẫn tới thực trạng công ăn việc làm của người lao động bị ảnh hưởng, gây khó khăn cho ngành cũng như cộng đồng DN. Khó khăn trên cũng làm thay đổi quy mô, ổn định của DN và thay đổi cả kết cấu chuyên môn hóa của DN. Tuy phải đối mặt với rất nhiều thách thức nhưng các DN ngành dệt may vẫn có một nội lực kỳ diệu để bứt phá và phát triển. Chúng ta vẫn duy trì được tỷ trọng về xuất khẩu và tăng trưởng gần 18% trong 10 tháng năm 2022. 02 tháng cuối năm vẫn tăng trưởng ở mức 15 - 16%, đạt 42 - 43 tỷ UDS/năm.

Động lực tăng trưởng mới

Để đạt được kết quả đó, theo ông Vũ Đức Giang, là nhờ sự nhanh nhạy, nhạy bén của DN. Họ đã thay đổi rất nhanh khi bị thiếu hụt các đơn hàng. Họ triển khai rất nhanh các giải pháp để khắc phục khó khăn, trong đó có việc chuyển đổi mặt hàng cũng như triển khai kịp thời mô hình thiết bị công nghệ, con người để phù hợp với một số mặt hàng mới để chuyên môn hóa.

Không chỉ vậy, họ cũng đang tiếp tục thúc đẩy nhanh quản trị số để bắt nhịp với sự thay đổi của thị trường, nhãn hàng. Cũng chính sự đầu  tư vào thị trường số đã góp phần cho sự tăng trưởng, kiểm soát được sự minh bạch của từng công đoạn, dây chuyền và bắt kịp xu hướng phát triển của ngành dệt may toàn cầu cũng như khu vực.

Từ những khó khăn, thách thức và bước vượt qua đầy ngoạn mục của DN dệt may trong 10 tháng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, các DN đã ngay lập tức xây dựng tầm nhìn của năm 2023 để có thể thích ứng được với diễn biến của thị trường. Để khắc phục khó khăn, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã xây dựng các giải pháp, chương trình và đưa ra các thông điệp cho các DN.

Theo đó, Hiệp hội đưa ra 03 giải pháp: Một là DN phải xây dựng tầm nhìn đa dạng hóa thị trường, trong đó trọng tâm phát triển thị trường nội địa sao cho DN phải đi bằng hai chân, vừa xuất khẩu vừa cung ứng thị trường trong nước.

Bên cạnh đó mở rộng thị như châu Phi, Trung Đông và sang các nước mà chúng ta có khả năng thương mại được. Vấn đề thứ hai mà Hiệp hội tập trung vào là xanh hóa bền vững và công nghệ hóa quản trị số và kinh tế tuần hoàn.

Đây là mục tiêu then chốt trong phát triển bền vững của ngành dệt may Việt Nam khi hội nhập toàn cầu cũng như đáp ứng các yêu cầu đòi hỏi của các nước nhập khẩu, nhãn hàng. Vấn đề thứ ba là xây dựng các nguồn lực thích ứng được trong bối cảnh khả năng cạnh tranh với các nước trên toàn cầu về dệt may và giữ được một tỷ trọng trong chiến lược phát triển năm 2003, với chỉ tiêu đưa ra mục tiêu xuất khẩu năm 2003 từ 45 - 47 tỷ USD.

Vươn tới chuẩn mực kinh doanh quốc tế

Cũng theo Chủ tịch VAIC: Đối với các DN tư nhân, nhất là các thương hiệu lớn phải vươn lên làm chủ công nghệ, áp dụng các phương pháp quản trị DN hàng đầu, làm ăn có trách nhiệm, trên cơ sở của pháp luật vì đây không còn là giai đoạn làm ăn kiểu chộp giật, đầu cơ… Tự do kinh doanh nhưng phải có trách nhiệm. Muốn vậy, toàn bộ hệ thống DN tư nhân phải xốc lại hành trang, quản trị, tái cấu trúc lại DN, vươn tới những chuẩn mực kinh doanh quốc tế…

Hiện tại, ông Lộc cho rằng, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, công nghiệp hỗ trợ… là những lĩnh vực có tiềm năng phát triển rất lớn. Vì vậy, các DN nên bám vào các lĩnh vực chủ chốt này để phát triển. Cơ hội mở ra là vô cùng lớn, quan trọng, chúng ta phải đổi mới và làm việc có trách nhiệm, trên tinh thần “Thượng tôn pháp luật”.

“Thời điểm này, ý chí chính trị của các cấp Bộ ngành là rất quan trọng vì đây là những cấp trực tiếp triển khai các chương trình, chủ trương, chính sách của Chính phủ. Lúc này, sự tác động từ liêm chính của các cán bộ chủ chốt cơ quan Bộ ngành, các địa phương, rồi lực tác dụng từ không gian sẽ góp phần thay đổi và hồi phục nền kinh tế” – Chủ tịch VIAC nhấn mạnh.

“Theo tôi, tính nhanh và tính thời điểm là những yếu tố cần được quan tâm để giải quyết các vấn đề trong thời điểm này. DN xưa nay không trông mong gì vào việc được hỗ trợ gì mà cái họ cần chính là lực hỗ trợ.

Thực tế, các DN đã nỗ lực rất nhiều, muốn bứt phá, tạo đột phá cần phải có một nguồn lực vĩ mô. Thêm vào đó, chúng ta cũng bắt đầu chuyển đổi số, nền tảng hạ tầng của chúng ta cũng phát triển tương đối tốt; Chúng ta cũng đã cởi mở hơn trong quan hệ quốc tế; Cơ sở hạ tầng cũng đảm bảo hơn, bởi thế câu chuyện quản lý nhà nước mới là yếu tố quan trọng bậc nhất. hiện, miễn dịch, sức đề kháng, tự chủ của các DN đang bị suy yếu sau Covid-19.

Muốn vực lên phải có một bầu không khí quản lý, môi trường quản lý, là sự thuận lợi về quản lý, sự minh bạch về quản lý, sự cởi mở về quản lý. Vì lẽ đó, không thể dùng cơ chế xin - cho hay bằng ngân sách quy ra tiền, đối tượng nào cần bao nhiêu.

Tóm lại, về mặt hành chính đã tốn rất nhiều thời gian của DN, chưa kể đến những phức tạp về thủ tục cho nên điều mà DN cần là những tín hiệu mang tính chất về mặt thể chế tốt. yếu tố thứ hai cũng rất quan trọng là quyết tâm của Chính phủ, các Bộ ngành và UBND. Thực tế, chúng ta vẫn nói tháo gỡ khó khăn cho DN nhưng quan trọng là giảm thủ tục ở chính khâu hành chính, bởi bản thân DN đã có nội lực, sức đề kháng, tính tự thân rất lớn và sức sống của người Việt vô cùng mãnh liệt”. TS.Nguyễn Tất Thịnh - Chuyên gia xây dựng và tổ chức chiến lược công ty (Học viện Hành chính Quốc gia). 

Đoan Trang - Vân Hương - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sinh viên thuê trọ thời “bão giá”

Càng gần thời điểm bắt đầu năm học mới của các trường đại học cũng là lúc nhu cầu thuê trọ của sinh viên tăng cao. Cùng với những tác động của vật giá leo thang, giá thuê phòng trọ cũng tăng chóng mặt trong thời điểm này. Dù vậy, nhiều bạn vẫn tìm được những cách riêng để đối mặt với câu chuyện tìm nhà thời “bão giá”.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/doanh-nghiep-viet-va-tinh-than-noi-sinh-bat-diet-d189201.html