Đổi 700 ha "đất vàng" lấy 5 con đường: Hà Nội nói gì?

26/06/2018 15:50

Kinhte&Xahoi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa lên tiếng giải thích về việc Thành phố Hà Nội chấp thuận đổi khoảng 700 ha đất lấy 5 tuyến đường.

Văn bản do Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Vũ Duy Tuấn ký xác nhận Hà Nội đã đồng ý cho các nhà đầu tư triển khai xây dựng năm tuyến đường tại nội đô theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Đổi lại, Thành phố giao nhà đầu tư khoảng 700 ha đất đối ứng tại nhiều khu vực khác nhau trên địa bàn thành phố.

Đây là các dự án đã được nghiên cứu trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2015, đã được UBND Thành phố Hà Nội báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức BT và cho phép chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT.

Nguyên nhân do ngân sách khó khăn, khó cân đối nguồn vốn nên từ năm 2016, Hà Nội có chủ trương huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào hạ tầng. Trong đó ưu tiên thực hiện một số dự án hạ tầng trọng điểm theo hình thức BT.

Thành phố Hà Nội chấp thuận đổi khoảng 700 ha "đất vàng" lấy 5 tuyến đường. (Ảnh minh hoạ)

Việc thực hiện các dự án BT của Hà Nội được khẳng định "đều tuân thủ các quy định tại Nghị định 15/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án được các cơ quan chuyên môn của Hà Nội thẩm định kỹ; quỹ đất giao để thanh toán cho nhà đầu tư được tính toán theo phương án có giá trị cao nhất…".

Đáng chú ý, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho hay, diện tích đất giao cho các dự án làm đường trên chỉ để nhà đầu tư lập nghiên cứu quy hoạch và họ chỉ được khai thác một phần diện tích đất đó.

 “Thực tế, bình quân nhà đầu tư chỉ được khai thác khoảng 26% tổng diện tích đất được giao để hoàn vốn cho công trình BT”, văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết.

Liên quan đến hình thức đầu tư BT, nhiều báo cáo của cơ quan kiểm toán, thanh tra liên tục chỉ ra những bất cập đối với nhiều dự án theo hợp đồng kiểu “đổi đất lất hạ tầng” này. Nhiều chuyên gia còn lo ngại  hình thức đầu tư BT hiện nay được cho là còn nhiều lỗ hổng, dễ bị lợi dụng để “nhóm lợi ích”, “cánh hẩu” thâu tóm đất đai.

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước 2016 gửi các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Theo văn bản này, kết quả kiểm toán 17 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BT mắc nhiều vi phạm.

Hồi tháng 7/2017, Thanh tra Chính phủ cũng đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong quá trình thực hiện một số dự án theo hình thức hợp đồng BT trong lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội. Qua đó cho thấy việc thực hiện các dự án theo hình thức BT trên địa bàn Hà Nội đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, sai phạm.

Trong số 15 dự án BT nhưng chỉ có 1 dự án được thực hiện theo hình thức đấu thầu, 14 dự án còn lại là chỉ định thầu.

Cũng do sai phạm trong quá trình thẩm định năng lực nhà đầu tư nên hầu hết các dự án đều chậm tiến độ do năng lực tài chính hoặc bố trí vốn chủ sở hữu cho dự án, không đảm bảo tiến độ giải ngân như cam kết…

Theo các chuyên gia, không nên áp dụng hình thức đổi đất lấy hạ tầng, thay vào đó nếu ngân sách khó khăn có thể đem đấu giá đất. Sau đó dùng tiền đấu giá được để làm hạ tầng. Còn nếu đầu tư theo hình thức BT như cách đang thực hiện hiện nay không được minh bạch, có thể tạo ra nhiều hệ lụy.

Tại hội nghị về hợp tác và đầu tư năm 2018, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho một loạt dự án về hạ tầng giao thông được triển khai theo hình thức BT. Các dự án này gồm:

- Dự án đường từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2 - Gamuda Gardens (quận Hoàng Mai) có chiều dài hơn 2,6 km, mặt cắt 40 m, có tổng vốn đầu tư hơn 989 tỷ đồng. Đổi lại Hà Nội sẽ giao cho nhà đầu tư là Tập đoàn Tân Hoàng Minh khai thác 20 ha đất tại quận Hoàng Mai.

- Dự án Xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông do Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest và Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án là 1.961 tỷ đồng. Đổi lại Hà Nội sẽ cho nhà đầu tư khai thác sáu khu đất có tổng diện tích 70,4 ha tại quận Hà Đông.

- Dự án Tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5 do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án là 1.373 tỷ đồng. Đổi lại Hà Nội sẽ giao nhà đầu tư khai thác 3 khu đất với tổng diện tích khoảng 54 ha tại hai quận Hoàng Mai và Hai Bà Trưng.

- Dự án đường từ phố Lê Trọng Tấn - đường Vành đai III (quận Thanh Xuân) có chiều dài 2,85 km, mặt cắt 30 m, tổng vốn đầu tư 1.412 tỷ đồng. Đổi lại Hà Nội sẽ thanh toán cho nhà đầu tư là liên danh Công ty Cổ phần Phát triển nhân lực LOD và Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt khai thác quỹ đất 39,8 ha tại quận Nam Từ Liêm. 

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sống ảo “cực phiêu” mùa Noel tại Sun World Danang Wonders

Những cơn mưa tuyết trắng xóa, lâu đài tuyết tráng lệ, nàng công chúa tuyết yêu kiều, cây thông Noel rực rỡ, chú tuần lộc ngộ nghĩnh, đáng yêu cùng vô vàn những trải nghiệm kỳ thú tại Sun World Danang Wonders hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn và người thương một mùa giáng sinh lãng mạn, an lành, hạnh phúc. Theo kinhdoanhnet.vn

Chiêm bái những kiệt tác kiến trúc Phật giáo trên đỉnh thiêng Fansipan

Mùa du xuân, lễ Phật đã tới. Năm nay, Sun World Fansipan Legend không chỉ hấp dẫn du khách với hành trình chinh phục đỉnh cao 3.143m huyền thoại bằng tuyến cáp treo 3 dây hiện đại nhất thế giới, với lễ hội Khèn hoa – Không gian văn hóa Tây Bắc sôi động, mà còn bởi một quần thể văn hóa tâm linh đẹp tựa chốn bồng lai mới khánh thành.