"Đòn bẩy" cho du lịch Thủ đô

03/07/2020 15:17

Kinhte&Xahoi Chương trình “Quảng bá điểm đến văn hóa - du lịch Hà Nội năm 2020” diễn ra từ ngày 26 đến 28-6, không chỉ đem lại niềm vui cho người dân, du khách, mà còn là ngày hội của những người làm du lịch. Hàng nghìn tour, combo - mua sắm trọn gói (vé máy bay, khách sạn) du lịch kích cầu đã được bán, nhiều sản phẩm mới được giới thiệu, góp phần làm tăng tính hấp dẫn cho du lịch Thủ đô. Đây được xem là "đòn bẩy" để du lịch Hà Nội nhanh chóng hồi phục, phát triển.

Lễ hội đường phố là hoạt động quảng bá văn hóa hiệu quả giúp du lịch Thủ đô hồi phục, phát triển. Ảnh: Viết Thành

“Bữa tiệc” kích cầu du lịch

10h ngày 28-6, trong cái nắng chói chang của đợt nóng cao điểm tại miền Bắc, chị Nguyễn Thanh Loan (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm) vẫn đến khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ tham gia Chương trình “Quảng bá điểm đến văn hóa - du lịch Hà Nội năm 2020” để tìm tour cho gia đình. “Tôi đã mua tour đi Nha Trang - Đà Lạt 4 ngày, 3 đêm với giá 3,9 triệu đồng/người. Với mức giá này, chúng tôi có vé máy bay, ở khách sạn 3 sao”, chị Loan vui vẻ nói.

Chương trình “Quảng bá điểm đến văn hóa - du lịch Hà Nội năm 2020” (Chương trình) được xem là “bữa tiệc” văn hóa, du lịch lớn nhất tại Hà Nội, kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19. Điểm nổi bật của Chương trình là nhiều đơn vị chào bán tour mới mang đặc trưng Hà Nội. Tổng Giám đốc Công ty Du lịch AZA Nguyễn Tiến Đạt cho biết, thông qua Chương trình, đơn vị bán tour trải nghiệm khu vực Sơn Tây, Ba Vì cho nhiều đoàn khách với giá từ 500 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/người. Theo Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng, công ty giới thiệu tour tham quan Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, tour nghỉ dưỡng tại resort Tản Đà. Đặc biệt, tour khám phá di tích Nhà tù Hỏa Lò về đêm với chủ đề "Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt" có giá hợp lý - chỉ 100.000 đồng/người, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.

Ngoài ra, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội đã phối hợp với Công ty cổ phần Vận tải đường sắt (Haraco) lần đầu tiên đưa ra sản phẩm mới - du lịch bằng tàu hỏa, khởi hành từ Hà Nội đi Lào Cai, Quảng Bình, Huế… Đợt này, các công ty thành viên của câu lạc bộ đã bán được hơn 70% số lượng vé. 

Theo Trưởng phòng Xúc tiến du lịch (Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội) Nguyễn Hữu Việt, 70 công ty du lịch tham gia chương trình, giới thiệu hơn 1.000 sản phẩm với mức giá giảm từ 20% đến 40%. Sau gần 3 ngày diễn ra, Chương trình thu hút hàng vạn người tham dự, hơn 1.500 tour, combo kích cầu đã được bán. Doanh thu của cả Chương trình ước đạt 21 tỷ đồng.

Đánh giá về hiệu quả Chương trình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, Chương trình đã đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, thỏa mãn mong muốn trải nghiệm nét văn hóa đặc trưng Hà Nội của du khách, cho thấy sức hút của du lịch Thủ đô, khẳng định Hà Nội - Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn sau dịch Covid-19. Còn theo Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng, các công ty lữ hành đều đạt mục tiêu trong hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm tour cũng như có được nhiều hợp đồng đặt mua tour. Điều này đã khích lệ rất lớn các công ty du lịch thêm tin tưởng vào việc xây dựng những chương trình, sản phẩm du lịch mới của Hà Nội.

Người dân tìm hiểu các tour du lịch trong Chương trình “Quảng bá điểm đến văn hóa - du lịch Hà Nội năm 2020” tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Ảnh: Minh An

Thêm sức hút cho Hà Nội

Chương trình “Quảng bá điểm đến văn hóa - du lịch Hà Nội năm 2020” gồm chuỗi các hoạt động thú vị, như: Lễ hội kích cầu du lịch và giới thiệu đồ uống không cồn, lễ hội đường phố “Hà Nội điểm đến xanh”, chương trình nghệ thuật “Những ngày tháng không quên”… Sự kết hợp hài hòa của các hoạt động đã giúp cho người dân và du khách có trải nghiệm đáng nhớ.

Ghi nhận thành công của Chương trình đối với sự phát triển chung của ngành Du lịch, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, cho biết, hoạt động kích cầu du lịch của Hà Nội “ghi điểm” vì có nhiều sản phẩm thú vị, rõ đặc trưng Hà Nội. “Nhân “đòn bẩy” này, Hà Nội cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá mạnh mẽ các sản phẩm du lịch đặc trưng của Thủ đô. Các đơn vị kinh doanh du lịch cần xây dựng thêm sản phẩm du lịch mới đáp ứng nhu cầu của khách nội địa, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững”, ông Hà Văn Siêu gợi ý.

Từ thành công của Chương trình, đã có nhiều ý kiến góp ý về giải pháp tiếp theo của ngành Du lịch Thủ đô. Tổng Giám đốc Công ty Du lịch AZA Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, thời gian tới, Hà Nội cần có thêm nhiều hoạt động quảng bá để thu hút khách trong nước và hướng tới là khách quốc tế. “Việc tổ chức các lễ hội văn hóa đường phố, sự kiện cộng đồng cũng là cách để khẳng định Hà Nội - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Đồng thời, đây có thể là sản phẩm du lịch tạo dấu ấn không kém gì lễ hội đường phố ở Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Đà Nẵng”, ông Nguyễn Tiến Đạt nhận định. Còn theo Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng, thành phố cần chủ động liên kết với các đơn vị và địa phương khác để tạo thành vùng du lịch trọng điểm, giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng tour, đẩy mạnh việc tuyên truyền, mở rộng giới thiệu sản phẩm mới của Thủ đô tới các vùng, miền khác...

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu khẳng định, thời gian tới, bên cạnh việc hỗ trợ các điểm đến xây dựng sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức thêm nhiều sự kiện, tăng cường quảng bá rộng rãi hình ảnh “Thủ đô - Điểm đến an toàn, hấp dẫn” trong mắt du khách trong nước và quốc tế.

Tháng 6-2020, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 792.000 lượt người, tăng hơn 60% so với tháng trước. Kết quả này một phần là nhờ nỗ lực của các đơn vị liên kết, quảng bá, kích cầu du lịch. Hà Nội hiện có 23 doanh nghiệp lữ hành, 20 khách sạn từ 2 đến 5 sao... đăng ký tham gia kích cầu du lịch nội địa. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Du-lich/971676/don-bay-cho-du-lich-thu-do