Đừng để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chỉ nằm trên giấy

03/01/2020 14:44

Kinhte&Xahoi Người dân TP HCM mong rằng, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ được áp dụng và triển khai hiệu quả.

Lực lượng CSGT đang kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông.

Từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực, người dân TP HCM mong rằng, luật này sẽ được áp dụng và triển khai hiệu quả để hạn chế tối đa những hệ lụy do lạm dụng bia rượu gây ra đối với mỗi gia đình và xã hội.

Theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực ngày 1/1/2020 thì các hành vi cấm được quy định như: cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, trong đó cả phương tiện giao thông hai bánh như xe máy điện, xe đạp, xe xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo,…

Các quy định chi tiết trong luật này được nhiều người dân ủng hộ vì họ hy vọng rằng khi luật có hiệu lực sẽ kéo giảm tình trạng tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện giao thông gây ra. Bà Nguyễn Ngọc Tường Lam, trú tại quận Thủ Đức cho biết, tình trạng người uống rượu bia khi tham gia giao thông vẫn còn rất nhiều; hy vọng việc thực thi luật sẽ giúp người dân ý thức được việc tham gia giao thông hơn.

"Luật thì nên áp dụng sao cho giảm được các tệ nạn của xã hội, như rượu chè uống vào thì không kiểm soát được hành vi đi đường của những người tham gia giao thông", bà Tường Lam cho hay.

Theo bà Phạm Thị Thúy, Tiến sĩ Xã hội học, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, Chuyên viên tham vấn tâm lý Nhà văn hóa Phụ nữ TP HCM, việc đưa vào áp dụng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có một ý nghĩa rất lớn; giúp giảm tác hại của rượu bia đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, để luật này đi vào cuộc sống là rất khó bởi nhiều người dân vẫn quan niệm rằng, rượu, bia là một phần của cuộc sống; nằm trong văn hóa của người Việt. Cho nên để thay đổi được thói quen này là không dễ dàng.

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy cho rằng: "Các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng Cảnh sát giao thông hãy thực thi nghiêm luật này, nếu chúng ta không tuyên truyền tốt về tác hại của bia rượu, nếu chúng ta không xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thì sợ rằng luật này cũng chỉ là khuyến cáo được ghi trên giấy mà không được thực thi trên thực tế"./.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Từ rác thải nhựa hoá thân thành ROBOT

Để làm được một chú robot hoàn chỉnh cần rất nhiều nguyên vật liệu với những tiêu chuẩn chọn lọc khác nhau. Đặc biệt hơn những nguyên liệu ấy lại là những phế phẩm như: vỏ chiếc xe máy, ô tô cũ, hay những con ốc và vi mạch. Những thứ tưởng chừng như bỏ đi ấy bỏ đi ấy lại được các thành viên trong xưởng sáng chế tận dụng một cách tối đa.

Theo VOV/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/dung-de-luat-phong-chong-tac-hai-cua-ruou-bia-chi-nam-tren-giay-d114417.html