Dựng tượng vua Lý Thái Tông cho ngành Tòa án: "Đại biểu Quốc hội nói là chưa thực sự cần thiết"!

28/04/2020 10:48

Kinhte&Xahoi TAND tối cao đang tổ chức lấy ý kiến đối với 03 mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông để đặt tại trụ sở TAND tối cao, TAND các cấp.

Mới đây, TAND tối cao có văn bản 141, về việc lựa chọn mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông là biểu tượng tại TAND tối cao và TAND các cấp.

Văn bản nêu, ngày 20/2/2020, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã thống nhất tôn vinh Hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam.

Mẫu phác thảo tượng Lý Thái Tông làm biểu tượng đặt tại TAND các cấp (Ảnh nguồn TAND tối cao)

TAND tối cao đang tổ chức lấy ý kiến cán bộ công chức ngành tòa án đối với 03 mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông để đặt tại trụ sở TAND tối cao, trụ sở tòa án quân sự và tòa án các cấp.

Theo thuyết minh của TAND tối cao, vua Lý Thái Tông là người ban hành bộ “Hình thư” - Bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam; vua Lý Thái Tông đã trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ…Theo thuyết minh của TAND tối cao, vua Lý Thái Tông là người ban hành bộ “Hình thư” - Bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam; vua Lý Thái Tông đã trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ…

Việc lựa chọn vua là biểu tượng công lý, dựng tượng tại trụ sở tòa án được TAND tối cao kỳ vọng là công trình có ý nghĩa quan trọng về mặt kiến trúc, nghệ thuật; góp phần thể hiện tầm vóc, sự uy nghiêm của cơ quan tư pháp.

Tuy nhiên, điều này đã và đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, có ý kiến cho rằng, hiện nay trong TAND tối cao đang để biểu tượng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở gian giữa của tòa án là thể hiện sự uyên bác, bình đẳng trước pháp luật của mọi người dân Việt Nam.

Tại sao lại phải thay đổi? Có ý kiến cho rằng việc thay đổi là lãng phí và không cần thiết, đặc biệt đang dịch Covid khiến nền kinh tế lao dốc...

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.

Để có cái nhìn khách quan về văn bản đề xuất 141 của Lãnh đạo TAND tối cao, phóng viên Phapluatplus.vn đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội về vấn đề trên. ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho hay: “Tôi có tham khảo ý kiến của nhiều người liên quan tới vấn đề bạn hỏi.

Nhiều ý kiến cho rằng, vua Lý Thái Tông chưa hẳn đã là biểu tượng công lý của ngành tòa án. Bởi lẽ, trong ngành tư pháp, Bác Hồ đã từng dạy cán bộ tư pháp rằng “Phụng công –Thủ pháp- Chí công - Vô tư”.

Câu nói trên đã thể hiện đầy đủ những phẩm chất cần phải có trong ngành tòa án, mang ý nghĩa là phải tuân thủ pháp luật, không áp dụng pháp luật một cách tùy tiện, tất cả phải vì sự công bằng, làm việc bằng cái tâm trong sáng, vô tư.

Tôi thấy Bác Hồ là hình ảnh tượng trưng và đẹp nhất rồi, không nhất thiết cứ phải chọn vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý của TAND.

Nhìn nhận ỏ góc độ lịch sử, bản thân vua Lý Thái Tông là người ban hành luật “Hình thư”, là bộ luật Hình đầu tiên của Việt Nam. Nhưng đó là lập pháp chứ không phải tư pháp.

Ông không phải là quan án hay ngự sử mà là nguyên thủ quốc gia, là người có những câu nổi tiếng như: “Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước ta và các ngươi phải cùng tuân theo”.

Điều đó phù hợp với thực tiễn hiện nay là “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Thứ nữa, Tư pháp không chỉ có hình sự mà chính là sự công bằng, công lý (justice). Cá nhân tối cho rằng, nếu lấy biểu tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng của TAND là khiên cưỡng.

Mặt khác, trong bối cảnh đất nước hiện nay, dịch cúm Covid-19 đang tàn phá nền kinh tế của nhiều Quốc gia trong đó có Việt Nam, việc đưa vua Lý Thái Tông làm biểu tượng của TAND trong bối cảnh hiện nay là không ăn nhập, không thiết thực.

Thời đại Hồ Chí Minh đã chấm dứt chế độ phong kiến mà vua là tối thượng, là tất cả, thay bằng Chính phủ cách mạng thì Hồ Chí Minh là biểu tượng mới đúng, trên mọi phương diện. Do đó mới có Nghị quyết về học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Thạc sĩ , LS Võ Đình Đức, Đoàn LS Hà Nội trao đổi với Phapluatplus.vn.

“Hiện nay nhiều tòa án còn có cơ sở khá chật hẹp, vậy dùng số tiền này để trang bị cho cơ sở vật chất, nâng cao hoạt động xét xử của ngành tòa án thì thiết thực hơn”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho biết thêm.

LS Võ Đình Đức, đoàn LS Hà Nội nêu ý kiến, việc xây tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng cho TAND tối cao, và TAND các cấp tôi cho là quá lãng phí và không cần thiết.  

Những người thực thi pháp luật hãy tuân thủ pháp luật, công bằng xét xử như biểu tượng cán cân công lý hiện nay tôi cho là phù hợp và thiết thực./.

Theo đó; Trong Văn bản 141 của TAND tối cao, bản thuyết minh tượng vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) nêu 5 lý do để chọn vua Lý Thái Tông làm biểu tượng này.

Thứ nhất, vua Lý Thái Tông đã ban hành luật Hình thư - bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử VN, khai mở nền pháp luật thân dân Việt Nam.

Thứ hai, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, thiết lập và thi hành chế độ xét xử theo pháp luật, đưa hoạt động xét xử trong cả nước vào khuôn phép, sòng phẳng, rõ ràng góp phần đưa xã hội phát triển ổn định, công bằng và văn minh.

Thứ ba, trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ của vị hoàng đế rất mực yêu thương dân.

Thứ tư, đúc chuông lớn đặt ngay trước cửa chính điện Thiên An để người dân trong nước nếu có oan ức thì đến đánh chuông, bày tỏ để được thấu xét.

Thứ năm, chăm lo rèn dạy, tin giao toàn bộ việc xử kiện và đào tạo Khai Hoàng Vương (cũng là Thái tử Lý Nhật Tôn) trở thành vị quan xử án mẫu mực và lừng danh trước khi lên ngôi Hoàng đế anh minh Lý Thánh Tông; để lại bài học thành công trong đào tạo người thi hành pháp luật, bảo vệ công lý cho thời đại.

Văn bản 141 cũng cho biết việc lấy ý kiến của các thẩm phán, cán bộ công chức trong hệ thống tòa án được thực hiện đến 28/4.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Xây dựng mô hình cụm dân cư an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19

Với mục tiêu “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch”, huyện Đông Anh (TP Hà Nội) đã chủ động xây dựng mô hình “cụm dân cư an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19”, đáp ứng đầy đủ các nội dung trong phòng chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ khi Covid-19 đang diễn biến phức tạp.