Được, mất khi làm du lịch kiểu “sao chép”

05/05/2020 15:26

Kinhte&Xahoi Ngày càng mọc lên nhiều điểm du lịch mang tính sao chép, bắt chước những danh thắng đã nổi tiếng khắp nơi. Cách làm du lịch này thực chất chỉ phục vụ cho nhu cầu “check in sống ảo”.

“Cầu Vàng” mới tại Đà Lạt.

Đánh mất bản sắc

Đà Lạt là địa phương có nhiều công trình du lịch “sao chép”. Nếu như trước đây, Đà Lạt nổi tiếng là “thành phố ngàn hoa”, tọa lạc trên cao nguyên với khí hậu mát mẻ quanh năm, mang một bản sắc rất riêng thì giờ dường như Đà Lạt đang dần bị biến thành một điểm du lịch “đa phong cách”. 

Từ nhu cầu check in sống ảo của du khách, đặc biệt là khách trẻ, nhiều người làm du lịch đã nghĩ ra những công trình mới lạ hút khách. Đáng nói là rất nhiều trong số đó thiếu tính sáng tạo, chủ yếu là đạo, nhái từ những điểm đến khác, xây dựng thành kiểu “mô hình thu nhỏ”, chủ yếu để du khách thỏa mãn thú vui chụp hình.

Cách đây một thời gian, nhiều du khách kháo nhau về điểm du lịch “Cổng trời Bali ở Đà Lạt”. Khác với Cổng trời ở đảo Bali, Indonesia là công trình mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử, Cổng trời Bali ở Đà Lạt là sản phẩm sao chép, được xây lên với mục đích cho người trẻ đến chụp ảnh và đã thu hút một lượng không nhỏ du khách tò mò đến xem, chụp ảnh.

Ngoài ra, Đà Lạt còn có hàng chục địa điểm lấy ý tưởng từ những danh thắng trong và ngoài nước nhằm hút khách như thế. Có thể kể đến “Nấc thang lên thiên đường”, cầu kính mini, vườn hoa trên cao Singapore, hay mới đây là điểm du lịch Bắc thang lên hỏi ông trời, với chiếc cầu không khác gì Cầu Vàng nổi tiếng ở Đà Nẵng thu nhỏ.

Đà Lạt còn có thêm Công viên kì quan thế giới, xây dựng mô hình những điểm du lịch nổi tiếng toàn thế giới cho các “tín đồ” sống ảo đến thực hiện các bộ ảnh. Không chỉ thế, sắp tới đây, Đà Lạt còn thêm một khu “phức hợp Bali” sắp đi vào hoạt động. Chuyện sao chép này cũng không hẳn chỉ diễn ra ở Đà Lạt.

 “Cổng trời Bali” ở Phú Quốc.

Đơn cử, một “Cổng trời Bali” tương tự cũng đang tọa lạc trên bãi biển ở Phú Quốc. Hay như các cầu kính, khóa tình yêu có mặt ở nhiều điểm du lịch khắp cả nước.

Liệu có bền vững?

Không chỉ sao chép các điểm đến danh tiếng thể giới để làm các công trình mô hình “câu khách”, nhiều người khai thác kinh doanh du lịch còn không ngại ngần sao chép của nhau. Như chiếc cầu thang Nấc thang lên thiên đường ban đầu xuất hiện ở một nông trại tại Đà Lạt. Do mức độ nổi tiếng, hút khách của cây cầu, người ta xây “cầu thang lên thiên đường” tại rất nhiều điểm đến ở Đà Lạt.

Phong trào xây cầu này rầm rộ, thậm chí xây trái phép rất nhiều khiến chính quyền địa phương phải can thiệp, nhiều cây cầu bị xóa bỏ. Hay như “cổng trời” đặc biệt ở Linh Quy Pháp Ấn tự tại Lâm Đồng giờ đây cũng “thấp thoáng” ở không ít điểm du lịch trên cả nước.

Rồi kế đến là các sản phẩm quán nước, điểm lưu trú tại các khu du lịch cũng thế. Cứ quán này, khách sạn này có mô hình đẹp, lạ mắt là lập tức ngay sau đó hàng loạt công trình khác sao chép ý tưởng tương tự mọc lên, đưa ra giá cạnh tranh, quảng cáo rầm rộ để lôi kéo khách. 

Điều đáng nói là các điểm đến sao chép nói trên hầu hết được xây không nhằm mục đích tô điểm thêm vẻ đẹp của vùng đất mà xây dựng khá sơ sài, mô phỏng, chủ yếu “câu khách”. Thế nên tình trạng thường thấy là hàng loạt du khách đổ xô đến, chụp vài bộ ảnh “cho có” với người ta rồi lắc đầu trở về, vì khác với vẻ đẹp lung linh nhờ các phần mềm chỉnh sửa thì những điểm đến sao chép ấy bên ngoài hầu hết đáng chán, “không có gì để xem”.

Không thể phủ nhận, chủ nhân của những mô hình du lịch sao chép nói trên là những người “lắm chiêu” và doanh thu cao cùng với lượng khách đổ về ùn ùn là điều có thật. Tuy nhiên, đó chỉ là thành công về mặt doanh thu, hiệu ứng đám đông chứ khó có thể là những sản phẩm du lịch dấu ấn, có chất lượng. 

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam: Nhận thức về du lịch từ mạng Intenet là dao hai lưỡi

Một nghiên cứu chỉ ra rằng, có tới 35% người Việt lựa chọn địa điểm du lịch dựa vào ý kiến của những người đi trước. Đặc biệt, nếu tính riêng trong nhóm đối tượng từ 18-24 tuổi, tỷ lệ này là 38%.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra một vài số liệu đáng chú ý như với sự phát triển của Internet và thiết bị di động, có tới 70% khách chia sẻ kinh nghiệm du lịch ngay trên mạng; thậm chí 87% thanh niên đi du lịch coi điện thoại thông minh là công cụ tất yếu, “quên gì thì quên chứ không thể quên điện thoại”.

Điều này cho chúng ta thấy việc chia sẻ trên mạng Intenet đã tạo ra những nhận thức về du lịch khác hẳn. Và như vậy với thế hệ trẻ, trên 1/3 đang đi theo phong trào, đi theo nhận định của người khác. Xu hướng này đem lại lợi ích nhưng cũng có thể là con dao hai lưỡi với các doanh nghiệp.

Nếu làm tốt họ sẽ kéo thêm được nhiều khách du lịch ghé thăm, tăng doanh thu hoạt động. Nhưng nếu làm không tốt, sẽ ngay lập tức tạo ra tác động ngược chiều, ảnh hưởng tới uy tín doanh nghiệp. Vì vậy, mọi người hãy cẩn thận trong việc thực hiện cam kết của mình với khách hàng. Nếu không, thay vì lợi ích, chính cơ sở của các bạn sẽ phải chịu thiệt hại. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Số ca mắc mới Covid-19 tại châu Âu bắt đầu giảm

Châu Âu đã bắt đầu kiểm soát được dịch Covid-19 khi số ca mắc mới tại khu vực bắt đầu giảm dần trong 3 ngày gần đây. Số ca tử vong tại những tâm dịch lớn như Anh, Đức, Pháp... cũng không còn tăng mạnh.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/duoc-mat-khi-lam-du-lich-kieu-sao-chep-d123690.html