Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức khai thác thương mại

06/11/2021 08:44

Kinhte&Xahoi Đúng 7h hôm nay (6-11), Bộ Giao thông Vận tải và UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ bàn giao Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông để chính thức đưa vào khai thác thương mại.

Quang cảnh lễ bàn giao dự án.

Tham dự buổi lễ, về phía Trung ương có đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện các bộ, ngành liên quan.

Về phía Hà Nội có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố.

Chứng kiến buổi lễ còn có đông đảo nhân dân Thủ đô trong tâm trạng háo hức được lần đầu trải nghiệm loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, tốc độ cao đầu tiên của Thủ đô và cả nước.

Bộ Giao thông Vận tải và UBND thành phố Hà Nội chính thức ký kết bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông để đưa vào vận hành khai thác.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông có tổng chiều dài tuyến chính 13,05km, toàn bộ đi trên cao (điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa với 12 ga trên cao). Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1435mm; tốc độ tối đa 80km/h, tốc độ khai thác 35km/h. Thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông (và ngược lại) là 23,63 phút.

Khi đưa vào hoạt động thương mại, tuyến đường sắt này sẽ hoạt động liên tục từ 5h-23h hằng ngày. Khung giờ cao điểm, các đoàn tàu chạy giãn cách với tần suất 6 phút có một đoàn tàu cập ga với sức chở 960 người/đoàn. Trong giờ bình thường, tàu được khai thác 10 phút/chuyến, lưu lượng vận chuyển tối đa đạt 1,02 triệu người/ngày.

 
Bí Thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đồng chí lãnh đạo thành phố tham quan hệ thống an toàn trước khi tàu vận hành.

Phát biểu tại lễ bàn giao, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt chỉ đạo Tổng thầu EPC (Trung Quốc) phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) trong quá trình khai thác, vận hành, bảo hành hệ thống.

Tuyên bố tiếp nhận bàn giao và đưa dự án vào khai thác thương mại, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố sẽ có 10 tuyến với tổng chiều dài 417,8km.

Tuy vậy, với tiến độ như hiện nay, khoảng 8 - 10 năm mới xây dựng được một tuyến đường sắt đô thị nên tới đây, ngoài việc tiếp tục kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn ODA, cần có các giải pháp mang tính đột phá để đẩy nhanh việc đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt đô thị, vì đây là loại hình vận tải hành khách công cộng ưu việt có khối lượng lớn, tốc độ cao, mới có thể đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của chính quyền cũng như người dân Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn phát biểu tại lễ bàn giao.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, xác định đây là dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô, là khởi đầu cho việc triển khai thực hiện quy hoạch đường sắt đô thị đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan chủ động phối hợp với chủ đầu tư và các cơ quan liên quan của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng thầu để triển khai thực hiện dự án; khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức giao thông góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa dự án đầu tư vào khai thác, vận hành.

Đến nay, công trình đã được Cục Đường sắt Việt Nam cấp Giấy chứng nhận về thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống đường sắt đô thị; Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã có thông báo kết luận chấp thuận kết quả nghiệm thu có điều kiện của chủ đầu tư; Hanoi Metro đã chuẩn bị đủ nhân lực, năng lực để quản lý vận hành hệ thống; Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã chuẩn bị đủ năng lực quản lý. Cùng với đó, việc kết nối giao thông tới các ga của tuyến đường sắt đã được chuẩn bị.


Bộ phận phục vụ tại tuyến đường sắt đã sẵn sàng.

Đồng chí Dương Đức Tuấn cũng lưu ý, để công trình sau khi đưa vào khai thác, sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư, thành phố yêu cầu Hanoi Metro và các đơn vị liên quan tổ chức tiếp nhận tài liệu, chuyển giao công nghệ, tổ chức vận hành tàu trên tuyến bảo đảm an toàn, chính xác, giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị; bảo trì phương tiện và hạ tầng kỹ thuật theo quy chuẩn; khai thác nhà ga hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người đi tàu. 

Trong quá trình vận hành khai thác, bảo đảm tuân thủ các quy định của Bộ Giao thông Vận tải để tổ chức quản lý khai thác trên tuyến bảo đảm thích ứng, an toàn linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19 có hiệu quả.

Sở Giao thông Vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố, tổ chức hệ thống giao thông công cộng kết nối an toàn, phát huy hiệu quả đầu tư của dự án...

 
Hành khách đi tàu phải khai báo y tế bằng mã QR.

Ngay sau lễ bàn giao, tiếp nhận, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã đón những hành khách đầu tiên lên tàu trải nghiệm loại hình vận tải hành khách công cộng hiện đại bậc nhất của Thủ đô và cả nước tính đến thời điểm này.

Theo kế hoạch chạy tàu, giai đoạn 1 (6 tháng đầu, trong đó có 15 ngày đầu chở khách miễn phí): Thời gian mở tuyến 5h30, đóng tuyến 22h; giãn cách 10-15 phút/lượt; vận hành 4 - 6 đoàn tàu.

Giai đoạn 2 (6 tháng tiếp theo): Thời gian mở tuyến: 5h30, đóng tuyến 22h30; giãn cách giờ cao điểm 6 phút/lượt, giờ bình thường 10 phút/lượt; vận hành 9 đoàn tàu.

 

 Tuấn Lương - Ảnh: Viết Thành- KTĐT

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng quán tràn ra vỉa hè

Từ 6h ngày 14/10, Hà Nội cho phép hàng ăn, uống được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn.

Cảm xúc tháng Mười - Khúc khải hoàn của niềm vui chiến thắng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và đến ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong niềm vui hân hoan sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân ta, đây là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

Nguồn: Hà Nội mới http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/1016589/duong-sat-cat-linh---ha-dong-chinh-thuc-khai-thac-thuong-mai?fbclid=IwAR3NNAivgZ1lfrlVPYff261hJB_qtjAjyubsq_04A-GDICD_JvKX7Rjyj-A