Đường xuân trên chiến trường xưa

24/01/2020 22:03

Kinhte&Xahoi Trong lịch sử kháng chiến chống Mĩ cứu nước, đường Hồ Chí Minh trên biển là tuyến đường vận tải quân sự quan trọng bí mật trên biển Đông.

Hơn nửa thế kỉ đã trôi qua, màu xanh của tương lai, sự phát triển đã đến trên những địa danh như Vũng Rô, Hòn Hèo. Sự hy sinh của lớp lớp cha anh luôn được thế hệ sau nhớ và tạo động lực cho sự phát triển.

Đêm giao thừa đặc biệt và khúc tráng ca xuân 1968

Vũng Rô, thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Địa danh Vũng Rô đã gắn liền với Trung tá Hồ Đắc Thạnh, người mở đường, trực tiếp làm thuyền trưởng ba chuyến tàu vận chuyển 200 tấn vũ khí và 8 cán bộ cập bến an toàn.

Nhớ lại sự kiện này, Trung tá Hồ Đắc Thạnh hào hứng kể: "Nhiều chuyến thuyền chở đạn dược vào miền Nam, đi qua vùng biển miền Trung, lòng tôi đều hướng về quê hương. Ao ước rằng có một ngày nào đó mình sẽ được trực tiếp đưa vũ khí về cho quê hương đánh giặc”.

Rồi niềm mong mỏi đó thành hiện thực, chuyến thứ 3 cập bến Vũng Rô, tàu 41 cập bến nhằm dịp tết Ất Tỵ 1965. “Tôi bảo với anh em thủy thủ sẽ đón Tết ở Vũng Rô. Khi kiểm tra hàng hóa trên tàu, đã thấy anh em chuẩn bị cả bánh tét, cành đào Nhật Tân.”, ông bồi hồi nhớ lại.

Đúng đêm giao thừa, tàu vào vịnh Vũng Rô, pháo nổ trắng trời, cứ ngỡ bị lộ nhưng nghe lời chúc Tết của Bác Hồ qua radio mới nhận ra là pháo hoa của địch”. Cuộc liên hoan mừng Tết Ất Tỵ, mừng ngày tàu vào bến, gặp nhau được tiến hành trên nắp khoang và hầm hàng hai dưới vòm lá ngụy trang kín đáo.

Đêm mùng 1 Tết, Tàu 41 nhổ neo rời bến. Khi chia tay, cô dân công trẻ trao cho thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh nắm đất bọc trong chiếc khăn mùi xoa thêu rất đẹp và nói: "Em gửi nắm đất Vũng Rô theo tàu anh ra Bắc. Nắm đất này trải qua biết bao lần bom cày đạn xới nhưng vẫn một lòng trung kiên. Nay có vũ khí các anh đem vào, nhất định chúng em sẽ lập nhiều chiến công". Cầm nắm đất cô gái trao, ông xúc động trào nước mắt. Ông đã giữ gìn nắm đất và sau này trao cho Bảo tàng Hải quân

Hòn Hèo là tên chung chỉ vùng biển và dãy núi chạy qua hai  xã Ninh Phước, Ninh Vân thuộc tỉnh Khánh Hòa. Hòn Hèo cách Nha Trang khoảng hơn chục cây số đường biển. Nơi đây, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và đồng đội đã chiến đấu, hy sinh cùng con tàu 235 vào năm 1968.

Vẻ đẹp Vũng Rô.

Hơn nửa thế kỉ đã trôi qua, theo con đường nhỏ vắt ngang núi Bà Nam rợp bóng cây, phế tích con tàu 235 nằm lưng chừng vách đá như chứng nhân lịch sử của trận haỉ chiến quyết liệt năm xưa. Những mảnh vỡ con tàu là minh chứng của trí thông minh, lòng quả cảm và đức hy sinh cao cả của dân tộc Việt Nam cho cuộc chiến vì chính nghĩa, thành khúc tráng ca bất tử của những người giữ nước. 

Nhằm đêm xuân 29/2/1968, vùng Hòn Hèo sáng trắng ánh đèn dù. Hơn chục chiếc tàu chiến của Mỹ và ngụy bao vây phía ngoài, chặn lối tàu ta. Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Phan Vinh, tàu 235 vừa vòng tránh, vừa bắn trả. Nhưng tàu địch đông, có ưu thế về hỏa lực, khó cơ động vòng tránh, đồng đội tổn thất đã nhiều, nên Phan Vinh cho tàu dừng lại ở Bãi Giữa. Biết không thể phá vòng vây, Phan Vinh quyết định cho nổ tàu. Tiếng nổ dội lên. Một cột lửa bốc cao. Cả vùng Hòn Hèo đỏ rực. 

Sắc xuân trên chiến trường xưa

Vũng Rô đẹp nhất vẫn là khi đứng trên Đèo Cả nhìn xuống thu trọn vẹn vẻ đẹp diệu kỳ của vịnh. Vừa hoang sơ, lại nên thơ, trữ tình, màu biển trời xanh ngắt, cảnh núi non hùng vĩ, rừng cây tươi tốt, ánh nắng chiếu xuống càng làm lung linh thêm đôi phần Bãi Chùa, Bãi Bàng, Bãi Lau, Bãi Nhỏ. Tổ chức du lịch Thế giới đã đánh giá đây là một trong những thắng cảnh nghỉ ngơi đẹp nhất khu vực châu Á. 

Vũng Rô là một trong ba địa điểm có điều kiện tự nhiên tốt nhất ở Việt Nam (Vũng Rô, Vân Phong và Cam Ranh) để xây dựng cảng biển lớn phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, giao lưu với thế giới. Nhằm khai thác lợi thế cảng biển Vũng Rô, Cảng Hàng không Tuy Hòa (sân bay Đông Tác) và ga hàng hóa đường sắt Đông Tác, Khu Kinh tế Nam Phú Yên được thành lập, đã và đang khởi động, hứa hẹn nhiều khởi sắc.

 Tỏi hiện là cây mang lại sinh kế cho người dân địa phương

Ninh Vân lọt thỏm giữa một bên là núi, một bên là biển. Từ cao trông, Ninh Vân thật nên thơ, lô nhô ngói đỏ nổi bật giữa trời xanh, biển xanh. Bác nông dân Trần Đức Hiệp ngừng tay xới đất, quay sang rổn rảng cười, nói với khách:

 “Đất ở đây trồng tỏi rất tốt, năng suất, chất lượng đều cao. Mọi người chỉ biết đến tỏi cô đơn ở ngoài đảo Lý Sơn, thực ra giống tỏi ở đây ngon nào kém gì”. Bác khoe tiếp: “Một héc-ta tỏi vụ này đem lại thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm, chưa kể thu nhập từ hoa màu trồng xen giữa vụ”.

Ninh Vân không chỉ có nhiều tiềm năng về phát triển nông nghiệp, đánh bắt hải sản mà còn nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển. Đến nay, có nhiều dự án du lịch đang đi vào hoạt động, thu hút khách du lịch hạng sang, như khu nghỉ dưỡng năm sao Six Senses Ninh Vân Bay, Villa An Lâm Ninh Vân Bay... 

Sắc xuân đã báo trên những cánh mai vàng sớm nở trước mỗi ngôi nhà trong xóm làng Ninh Vân. Đứng bên mái trường mang tên thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh, tôi trông khung cảnh thật bình yên, no ấm.

Bà Trà Thị Bông Sen, Chủ tịch UBND xã cho biết: xã Ninh Vân đã hoàn thành 19/19 tiêu chí theo chuẩn nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng, hệ thống các trục đường giao thông nông thôn đã được nhựa hóa và bê tông, toàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát, số hộ có nhà ở đạt chuẩn theo quy định với tỷ lệ 99,57%; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 3,84%. 

 Một mùa Xuân mới đang về. Năm xưa, cũng với những con tàu, trên con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại, thế hệ cha anh đã làm nên mùa Xuân đại thắng dân tộc. Và hôm nay, cũng trên tuyến đường ấy, chúng ta tiếp tục làm nên kỳ tích mới, mang ấm no, thịnh vượng cho quê hương…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

ATM cũng "đòi" nghỉ Tết

Trước Tết vài ngày, nhiều người không rút được tiền ở trụ ATM, chuyển khoản online cũng khó khăn hơn thường ngày và hay xuất hiện lỗi.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/duong-xuan-tren-chien-truong-xua-d115785.html