Quần đảo Trường Sa nằm ở giữa Biển Đông trải trên một khu vực biển khá rộng, chiều ngang từ Đông sang Tây khoảng 800km, chiều dọc từ Bắc xuống Nam khoảng 600km.
Liên tục từ năm 1986, Trung Quốc có các hành vi thực hiện âm mưu xâm chiếm các đảo chìm, bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa.
Đầu tháng 3/1988, Hải quân Trung Quốc huy động lực lượng lớn thuộc 2 hạm đội Nam Hải và Đông Hải xuống khu vực quần đảo Trường Sa với ý đồ chiếm giữ cụm tam giác 3 bãi ngầm Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao.
Ngày 12/3 tàu vận tải HQ-605 của Hải quân Việt Nam từ Đá Đông di chuyển đến để đóng giữ bãi Len Đao, 5h sáng 14/3 đến nơi và cắm cờ Việt Nam lên Len Đao. Tàu vận tải HQ-604 đến bãi Gạc Ma lúc 9h ngày 13/3, cùng lúc tàu HQ-505 cũng đến Cô Lin.
Rạng sáng 14/3, hải quân Trung Quốc điều thêm 2 tàu khu trục trang bị pháo 100mm tăng cường cho các tàu đã đến trước đó tiếp tục uy hiếp, đòi các tàu và chiến sĩ quân đội Việt Nam trên bãi ngầm Gạc Ma phải rời đi. Tuy nhiên các chiến sĩ vẫn kiên trì bám trụ, quyết không rời khỏi lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Ít giờ sau, khi tổ giữ cờ gồm 5 người thuộc Lữ 146 và khoảng 20 chiến sĩ công binh đang làm nhiệm vụ trên bãi thì 4 tàu hộ vệ tên lửa và khu trục chạy đến. Tàu Trung Quốc dùng xuồng máy chở 50 lính có trang bị tiểu liên AK, điện đài và súng ngắn đổ bộ lên bãi.
Gần 40 chiến sĩ trên tàu 604 lập tức xuống bãi hỗ trợ đồng đội. Phía Trung Quốc dùng lê đâm và và nổ súng bắn bị thương hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh, bắn chết Thiếu úy Trần Văn Phương thuộc tổ giữ cờ. Trước khi chết, Trần Văn Phương đã hô to “Thà hy sinh quyết không để mất đảo”.
Không buộc được cán bộ chiến sĩ ta rời đảo, phía Trung Quốc gọi tốp lính Trung Quốc rút lên tàu rồi sử dụng các loại vũ khí gồm trọng liên 12,7mm, pháo 37mm, pháo 76,2mm và trọng pháo 100mm bắn vào cán bộ chiến sĩ Việt Nam trên bãi và tàu 604.
Không buộc được cán bộ chiến sĩ ta rời đảo, phía Trung Quốc gọi tốp lính Trung Quốc rút lên tàu rồi sử dụng các loại vũ khí gồm trọng liên 12,7mm, pháo 37mm, pháo 76,2mm và trọng pháo 100mm bắn vào cán bộ chiến sĩ Việt Nam trên bãi và tàu 604.
Sau khi bắn chìm tàu 604, các tàu Trung Quốc tiếp tục tấn công, bắn chìm tàu 605 ở gần Len Đao và bắn cháy, gây hư hỏng nặng tàu 505 ở Cô Lin. Tàu HQ 505 bị bắn cháy đã lao hết tốc lực lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền Cô Lin. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao. Còn Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm trái phép từ đó.
Trong sự kiện bi hùng này, 64 chàng trai, hầu hết mới 20, 21 tuổi, đã dùng tuổi xuân, dùng tính mạng của mình dựng nên một tượng đài bất tử bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Võ Việt - nguonluc.com.vn