“Gánh hàng rong” và văn hóa xin lỗi!

23/08/2020 17:57

Kinhte&Xahoi Những gánh hàng rong, cụm từ đang nóng bởi câu “nói nhịu” của BTV VTV khi nhắc tới các hộ kinh doanh cá thể, buôn bán nhỏ lẻ hay “kinh tế vỉa hè” là sức sống bền bỉ theo thời gian.

Gánh hàng hoa.

Với người Việt, hàng rong hiện diện ở khắp các đô thị, thành phố lớn nhỏ với hình bóng tảo tần của của bà, của mẹ, của chị, của những người em gái nhỏ thân thương! Đó là quê hương, là một nét văn hóa đầy thương nhớ và rất riêng trên những con phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ…

Họ gánh trên vai cả cuộc đời, mưa nắng

Chẳng biết tự bao giờ, hình ảnh Hà Nội luôn gắn liền với những gánh hàng rong, với những tiếng rao khắp con phố, thoảng trong gió hương hoa sữa nồng nàn vào tiết thu, hoàng lan, ngọc lan mùa hạ và hoa sấu tháng ba... Hà Nội có thể già đi thế nhưng những gánh hàng rong lại chẳng bao giờ cũ…

Không hiểu tự bao giờ người Hà Nội đã quá đỗi quen thuộc với cảnh những cành hoa khoe đủ sắc màu theo xe đạp, theo bước chân những cô gái len lỏi khắp ngõ ngách của phố phường. Và rồi họ thấy Hà Nội đẹp đâu chỉ đẹp bởi 36 phố phường cổ kính, bởi cầu Long Biên đầy ký ức… Mà còn dịu dàng, nên thơ bởi gánh hàng hoa theo bước chân những cô gái vượt thời gian, không gian đi vào các con đường, ngõ ngách của Hà Nội. 

Giữa những ồn ào và bụi bặm của phố xá, những chiếc xe đạp rong hoa vẫn giữ nguyên vẹn cho mình vẻ bình yên, nên thơ, vừa bình dị vừa quý phái. Và chỉ cần một gánh hàng hoa thôi cũng đủ kéo lòng người về miền ký ức xa xôi đầy kỉ niệm.

Hầu hết người bán hàng đều là người dân tỉnh lẻ hoặc vùng lân cận Hà Nội, việc ruộng đồng không đủ chi tiêu, vào những ngày nông nhàn họ rủ nhau ra thành phố kiếm sống bằng những gánh hàng rong. Hàng ngày, cứ sáng sớm tinh mơ khi trời chưa tỏ, họ đã thức dậy đi lấy hàng và gồng gánh hàng toả đi các ngả.

Với số tiền ít ỏi kiếm được từ những gánh hàng rong mỗi ngày, những người phụ nữ ấy đã gánh trên vai cả gánh nặng cuộc đời, gánh thêm cả tương lai của những đứa con trai, con gái và cả một chút gì văn hóa đất kinh kỳ.

Chưa kể, với người Hà Nội, ẩm thực thanh tao, những gánh hàng rong, những thúng, những mẹt xôi, bánh cuốn… vỉa hè ở góc phố ấy, có người ăn từ thuở ấu thơ, cho đến khi về già lẫm chẫm. Ở đó, là cả một trời ký ức, kỷ niệm của nhiều năm tháng đã qua…

Và không chỉ là một nét văn hóa, theo một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, với quy mô khoảng 8,8 triệu cơ sở, tạo việc làm cho hơn 12 triệu lao động, đóng góp gần 23% vào tổng GDP của cả nước, khu vực hộ sản xuất kinh doanh cá thể và khu vực kinh tế phi chính thức đang là thành phần cực kỳ quan trọng của kinh tế nước nhà!

Tổng giá trị gia tăng của khu vực hộ sản xuất kinh doanh cá thể cho nền kinh tế quốc dân hàng năm là gần 472 nghìn tỷ đồng. Khu vực này cũng đóng góp tới 14,7% vào GDP phi nông nghiệp của Việt Nam (Oudin, 2017). Tính chung cả khu vực hộ sản xuất kinh doanh cá thể, đóng góp của khu vực này lên tới 27,7% trong GDP phi nông nghiệp và khoảng 22,6% trong tổng GDP ở Việt Nam.

 Du khách bên gánh hàng rong.

Không khó để thấy ở TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… những gánh hàng rong với món ăn, đồ vặt nổi tiếng từ hàng chục năm nay và có khi “thương hiệu” còn sang tận Mỹ, Anh, Pháp, Đức…

Cũng rất dễ những “thương nhớ” để lại khi nhiều gánh hàng rong buộc phải đi vào dĩ vãng khi người bán không có ai để truyền lại… Nhưng đại dịch tràn đến, họ cũng là những người lao động đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề khi “ráo mồ hôi là hết tiền”…

Chỉ mình BTV xin lỗi?

Trở lại bản tin Tài chính kinh doanh ngày 17.8 trên kênh VTV1, biên tập viên Anh Quang gây chú ý với phát ngôn liên quan đến người bán hàng rong. Cụ thể, khi dẫn dắt thông tin về ảnh hưởng của dịch Covid-19, MC cho biết tình hình dịch đã khiến những con phố ở TP.HCM trở nên tiêu điều.

Đồng thời, Anh Quang nói thêm: “Và khi những con phố không còn sức sống, những gánh hàng rong, vốn được xem là sống ký sinh trùng lên trên những con phố này, sẽ tồn tại ra sao”? Nhiều người bức xúc với câu nói của biên tập viên Anh Quang. Họ cho rằng cách nói ẩn dụ này không chính xác và mang tính xúc phạm vì những người bán hàng rong vẫn phải lao động, làm việc vất vả. 

Bác sỹ Nguyễn Hữu Toàn bày tỏ: Tôi thật ngạc nhiên khi cậu ấy gọi những người bán hàng rong, những người lao động chân chính bằng mồ hôi nước mắt của mình, được pháp luật cho phép, là “ký sinh trùng”... Nếu họ mà bị coi là ký sinh trùng thì có ai trong chúng ta lại không ký sinh, ở một khía cạnh nào đó. 

Còn nhớ năm 1989, tôi đang là bác sỹ tại bệnh viện trung ương Huế sau khi đi nghĩa vụ quân sự về 1 năm trước. Lương bác sỹ bậc 1 có mấy chục nghìn, hồi đó chưa được mở phòng mạch, lại chuẩn bị sinh con gái đầu lòng... Đồng lương đã không đủ sống, làm sao mà đủ nuôi con. Nghĩ mãi, tôi đành làm thêm một công việc rất gần với các gánh hàng rong. 

Buổi tối ở nhà, tôi làm hàng trăm bì Yaourt, gói trong các bì nilon nhỏ, bỏ đông đá trong tủ lạnh. Buổi sáng và đầu giờ chiều trước khi đến bệnh viện, tôi đạp xe đạp đi rảo khắp các quán nước ven các đường xung quanh. Vừa đạp, vừa nhìn trước ngó sau xem có ai quen nhìn thấy mình không, vì... xấu hổ. Mỗi quán chỉ nhận mươi bì thôi, mà không phải quán nào cũng nhận đâu.

Và mỗi khi đi làm về, tôi lại phải ghé lấy những bì bị mềm không bán được... Thế mà tôi cũng duy trì được cái nghề đó hơn một năm, trong khi vẫn đàng hoàng là bác sỹ của một trong những bệnh viện lớn nhất nước. Nó đã giúp tôi có thêm những đồng tiền chân chính, để sống và nuôi con trong những năm đầu làm chủ một gia đình nhỏ và nghèo. 

Liên quan đến ồn ào này, mạng xã hội cũng chia sẻ bài viết được cho là đến từ tài khoản của biên tập viên Anh Quang. Người dẫn bản tin gửi lời xin lỗi vì đã sai sót trong quá trình truyền tải thông tin đến khán giả. Cụ thể, trong một câu dẫn anh đọc nhịu khiến người xem hiểu sai nội dung truyền tải, gây ra sự phản cảm không đáng có.

“Đây hoàn toàn là sai sót của cá nhân tôi trong quá trình truyền tải thông tin tới khán giả. Trong khi nội dung của phóng sự là góc nhìn chia sẻ, đồng cảm với những người bán hàng rong vất vả mưu sinh, chứ không có bất kỳ một ý coi thường nào. Hiện cá nhân tôi đã viết bản tường trình và nhận các hình thức xử lý kỷ luật của cơ quan”...

Tuy nhiên, lời xin lỗi vẫn khiến nhiều người chưa hài lòng. Một tài khoản bày tỏ: “Bạn biên tập viên đăng đàn xin lỗi vì “nói nhịu”, tôi tất nhiên là hoài nghi với lời xin lỗi này. Đây không phải là chương trình truyền hình trực tiếp, đây là một bản tin được cắt dựng và biên tập hẳn hoi.

Là người đã từng làm nhiều chương trình cho đài, tôi thừa biết một chương trình phải gửi file trước bao lâu, người này duyệt xong rồi tới người khác duyệt, người này chỉnh xong tới người kia, rồi mới lên sóng”. Cũng có ý kiến cho rằng các chương trình thời sự của VTV đều làm trực tiếp, bản tin tài chính kinh doanh cũng vậy. 

Đồng thời, nhiều ý kiến nhìn nhận khách quan thì cho rằng, biên tập viên và người phát ngôn không có ý miệt thị nhưng đã lựa chọn sai từ. Lỗi này do tật thích dùng từ đao to búa lớn, thích dùng sự so sánh ví von để tạo ấn tượng cho câu nói, đoạn văn của mình nhưng chưa có sự tỉnh táo, nói mà không hiểu từ đó mang ý tiêu cực hay tích cực, dùng trong trường hợp nào thì phù hợp và trường hợp nào thì không? Và sự so sánh những gánh hàng rong sống ký sinh trên những con phố là không phù hợp bởi cụm từ “sống ký sinh” mang tính tiêu cực. 

Ký sinh trùng gần đây được biết đến từ này rộng rãi qua bộ phim đoạt giải Oscar cùng tên của đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon-ho. Từ này có gốc từ tiếng Hy Lạp “parasitos” chỉ “ăn bám”. Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học- được coi là từ điển chính thống của quốc gia thì “Ký sinh trùng là động vật bậc thấp ký sinh trong cơ thể người hay động vật khác trong một giai đoạn của chu kỳ sống”!...

Do đó, dù BTV đã có lời xin lỗi, nhưng câu chuyện không hạ nhiệt, khi việc các hình ảnh, thông tin phát trên VTV, là VTV phải chịu trách nhiệm pháp lý, chứ không phải cá nhân BTV. Do đó, việc BTV Anh Quang nhận lỗi là của cá nhân anh, trong vai trò BTV, chứ không thể thay vai cho VTV hay ê kíp phụ trách chương trình.

Và xưa nay, câu chuyện nhận lỗi, nói lời xin lỗi dường như vẫn là một câu chuyện dài về trách nhiệm về văn hóa nhận lỗi, đơn giản như lỗi “nói nhịu” hoặc lỗi “đánh máy” mà thôi… 

 Nguyễn Mỹ - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Ngày đầu thực hiện giãn cách tại các cơ sở kinh doanh ăn uống

Thực hiện chỉ đạo tại Công điện khẩn số 07 của UBND TP Hà Nội, nhiều hàng quán đã thực hiện nghiêm việc giãn cách tối thiểu 1m, tổ chức đo thân nhiệt và bố trí nước sát khuẩn tay cho khách hàng, tuy nhiên, một số nơi vẫn chưa tự giác thực hiện, vẫn cần sự nhắc nhở, đôn đốc từ lực lượng chức năng.

Hà Nội: Các siêu thị chủ động phòng chống dịch Covid-19

Hiện 50 siêu thị/cửa hàng của chuỗi hệ thống BRGMart, gồm: Intimex, Seikamart; Hapromart; Haprofood ở các tỉnh TP: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên đã tái khởi động các hoạt động để phòng tránh Covid-19. Toàn bộ cán bộ nhân viên của hệ thống siêu thị/cửa hàng đều phải nghiêm chỉnh thực hiện việc đeo khẩu trang, sát khuẩn bằng cồn trong suốt quá trình làm việc.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/ganh-hang-rong-va-van-hoa-xin-loi-d133082.html