Giả làm người dân tộc để lừa đảo chiếm đoạt gần 200 triệu đồng

13/08/2019 10:20

Kinhte&Xahoi Vai diễn “người dân tộc” đã được đối tượng hoàn thành xuất sắc để chiếm được niềm tin và lừa đảo của bà T gần 200 triệu đồng.

Ngày 13/8, thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh cho biết đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hà Trọng Long (SN 1963) và Đỗ Như Tài (SN 1960, cùng trú tại huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo tài liệu cơ quan điều tra, vào khoảng đầu tháng 3/2018, Long và Tài bàn bạc, lên kế hoạch lừa bán “đặc sản” rừng để chiếm đoạt tài sản. Cả hai mua 1 con trăn sống, 8 chiếc mật lợn và 1 túi xương chó của một người dân tộc thiểu số tại khu vực xã Ngọc Trung, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) rồi lên đường vào Hương Sơn, Hà Tĩnh để lừa đảo.

Hai đối tượng trong vở kịch "người dân tộc đi bán đặc sản rừng" tại cơ quan điều tra (ảnh CAHT).

Hai đối tượng đi 2 xe máy mang theo “hàng” vào thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn thuê nhà nghỉ. Đến sáng ngày 25/3/2018, Long chở Tài mang theo trăn đi tìm người để lừa đảo. Khi đến địa phận xã Sơn Trung (Hương Sơn) thì nhìn thấy cửa hàng mua bán phế liệu của bà Phạm Thị T. (SN 1961, tại xã Sơn Trung).

Vở diễn bắt đầu, Long ở ngoài chờ còn Tài đến gặp bà T. rồi xưng tên là Trân người dân tộc Mường ở huyện Anh Sơn (Nghệ An), nhờ bà T. bán giúp con trăn. Nếu bán được với giá 2 triệu đồng thì Tài cho bà T. 100 ngàn đồng. Tài đi ra khỏi cửa hàng thì Long đi vào gặp bà T. hỏi mua con trăn với giá 2,2 triệu đồng. Sau khi mua bán xong, Long giới thiệu mình tên Lâm, là người chuyên thu mua các loại xương khỉ, mật gấu và thú rừng. Long dặn bà T. khi nào có các mặt hàng đó bán thì gọi điện thoại cho Long đến mua. Mua xong trăn, Long điều khiển xe mô tô mang trăn về nhà nghỉ.

Sau khi Long đi, Tài quay lại thì bà T. nói đã bán được trăn và đưa cho Tài 2 triệu đồng, Tài cho bà T. 100 ngàn đồng tiền công bán trăn như đã hứa, sau đó đi xe buýt quay lại nhà nghỉ cùng với Long. Ngày 29/3, Tài mang xương chó, chai mật ong đến gặp bà T, tại đây Tài biếu chai mật cho bà T., rồi đưa túi xương chó lừa là xương khỉ nhờ bà này bán giúp với giá 3,5 triệu đồng và hứa trả tiền công cho bà T. 200 ngàn đồng. Bà T. liền gọi điện thoại cho Long thì Long đồng ý mua lại với giá 4 triệu đồng. Khi giao dịch thành công, bà T. đưa cho Tài 3,5 triệu đồng, Tài cho bà T 200 ngàn đồng như đã hứa.

Sau 2 lần bán hộ “hàng” bà T. kiếm được 1 triệu đồng nên rất phấn khởi. Khi thấy bà T. đã tin tưởng, ngày 4/4/2018 Tài mang 8 chiếc mật lợn khô đến gặp bà T lừa là mật gấu để tiếp tục nhờ bà này bán với giá 360 triệu đồng, hứa trích hoa hồng cho bà T. 3 triệu đồng. Vẫn kịch bản cũ, Long xuất hiện, sau khi xem xét kỹ mặt hàng liền chốt giá 380 triệu đồng. Nhưng lúc này, Long cho biết không mang đủ tiền nên đặt cọc trước 20 triệu đồng, số tiền 360 triệu đồng còn lại thì Long viết giấy nợ, niêm phong số mật trên gửi cho bà T. để hôm sau quay lại lấy sẽ trả đủ.

Khi Long rời đi, Tài liên tục thúc giục bà T. bán số mật nói trên, nếu không Tài sẽ mang về bán cho người khác. Vì muốn bán số mật để kiếm lời nên bà T. đã đưa cho Tài số tiền 210 triệu đồng để mua lại số mật đó, còn lại 150 triệu đồng sẽ trả sau, Tài đồng ý. Sau khi lừa được tiền, Tài đi xe buýt về nhà nghỉ gặp Long. Tại đây, cả hai chia nhau số tiền vừa lừa được, trừ số tiền Long đặt cọc cho bà T. trước đó 20 triệu đồng, tiền ăn ở đi lại hết 10 triệu đồng, còn lại 180 triệu đồng Long và Tài chia đôi.

Xong việc, Long vứt điện thoại và sim để bà T. không liên lạc được. Lúc này, bà T. biết mình bị lừa nên trình báo Công an huyện Hương Sơn. Từ đơn tố cáo của người bị hại, lần theo dấu vết tội phạm và các chứng cứ, tài liệu thu thập được, sau quá trình điều tra Cơ quan CSĐT Công an huyện Hương Sơn đã lần ra tung tích 2 kẻ lừa đảo Hà Trọng Long và Đỗ Như Tài.

Trước cơ quan điều tra, với những chứng cứ không thể chối cãi, 2 đối tượng đã cúi đầu nhận tội và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Hiện, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hương Sơn đang tiếp tục hoàn tất hồ sơ để sớm đưa các đối tượng ra xử lý trước pháp luật.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cảnh giác với nguyên liệu kê gà giá rẻ

Theo quan niệm dân gian, kê gà là món ăn bổ dưỡng. Đặc biệt nhiều người cho rằng ăn gì bổ nấy, nên đây là lựa chọn hàng đầu của nhiều quý ông. Quý nhưng lại hiếm, vì vậy nên các nhà hàng phải tìm đến nguồn kê gà nhập. Được quảng cáo là hàng nhập, nhưng trên thực tế, đầu vào của sản phẩm này khó có thể kiểm soát được. Và dĩ nhiên, đi kèm với đó là nỗi lo về chất lượng sản phẩm.

Nguồn: Pháp luật Plus