Gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết, Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịch

21/09/2020 11:48

Kinhte&Xahoi Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 70.000 ca mắc sốt xuất huyết, bệnh có xu hướng tăng trong 3 tuần gần đây.

Sáng 21/9, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020 với 62 điểm cầu. 

Trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm từng bước được kiểm soát, đặc biệt kiểm soát tốt dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong thời gian tới với điều kiện khí hậu mùa thu - đông rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, bên cạnh đó vẫn còn những vùng lõm và chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng như mong muốn, vì vậy có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh. 



Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu toàn ngành triển khai các biện pháp phòng chống, không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch.

 TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới khi nhận số mắc và tử vong cao do sốt xuất huyết. Tại nước ta, từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 70.000 trường hợp mắc sốt xuất. Đặc biệt, 3 tuần gần đây số ca mắc có xu hướng tăng và gần với ngưỡng cảnh báo dịch, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh miền Trung, miền Nam (như Bến Tre, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, TP HCM và Hà Nội…”. 
“Diễn biến dịch trong thời gian qua không có gì bất thường, xu hướng gia tăng số lượng các tuần báo gần đây cũng như các năm trước, giai đoạn trước. Các ca bệnh chủ yếu trên 15 tuổi, tuýp D1, D2 vẫn chiếm chủ yếu (90%)”, ông Tấn nói.

 PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cũng lưu ý cứ 5-10 năm lại có một đỉnh dịch. Việt Nam là vùng lưu hành của bệnh nên nên cần kiên quyết các biện pháp phòng chống. Sốt xuất huyết là bệnh theo mùa nên từ nay đến tháng 12 số mắc dự báo dự sẽ tăng theo tuần. 

Với dịch bạch hầu, từ đầu năm đến nay cả nước có 198 ca mắc, tập trung chủ yếu khu vực Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc chưa ghi nhận ca bệnh nào. Hiện ghi nhận cả ca bệnh ở người trên 65 tuổi, trẻ dưới 1 tuổi. 

Theo ông Tấn, bệnh có thể tiếp tục ghi nhận rải rác các ca mắc trong thời gian tới. Đặc biệt từ nay đến cuối năm, điều kiện thời tiết thuận lợi cho các bệnh lây truyền qua đường hô hấp trong đó có bạch hầu. 

PGS.TS Trần Như Dương, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM lưu ý tỷ lệ tử vong do bệnh là 5-10% kể cả điều trị tốt. Đặc biệt, người lành mang trùng góp phần duy trì nguồn truyền nhiễm trong cộng đồng. Họ có thể mang trùng vài ngày đến 3-4 tuần, một số kéo dài đến 6 tháng. Điều này rất nguy hiểm, khó kiểm soát. Vì thế nó cũng lý giải vì sao bỗng dưng xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng mà không có F0, đó chính là người lành mang trùng ở trong cộng đồng. 

Bên cạnh đó, về vấn đề tiêm chủng các địa phương cần lưu ý, trẻ dưới 4 tuổi được phép tiêm thành phần bạch hầu nguyên liều, trên 4 tuổi và người lớn phải tiêm thành phần bạch hầu giảm liều nếu không gây phản ứng co giật, sốt cao có thể nguy hiểm đến tính mạng. 

 Nam Phương - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tháo gỡ khó khăn, hút nhà đầu tư phát triển nguồn điện theo IPP

Sáng ngày 18/09, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển Điện lực, Tạp chí Năng lượng Việt nam đã tổ chức Hội thảo khoa học ”Cơ chế, chính sách cho các nhà đầu tư phát triển nguồn điện tại Việt Nam – những vấn đề đối với nhà Đầu tư”. Mục tiêu của Hội thảo là để các nhà đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, điện khí, nhiệt điện than, thủy điện…trình bày những vấn đề còn bị mắc kẹt trong phát triển các dự án theo hình thức ‘nguồn phát triển độc lập” và bàn giải pháp thúc đẩy các dự án nguồn điện của Việt Nam trong thời gian tới.

Link bài gốc https://dantri.com.vn/suc-khoe/gia-tang-so-ca-mac-sot-xuat-huyet-bo-y-te-canh-bao-nguy-co-dich-chong-dich-20200921101814825.htm