Giữ ổn định giá cả sau Tết

07/02/2022 07:48

Kinhte&Xahoi Hiện nay, hầu hết siêu thị, điểm phân phối hiện đại và chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã hoạt động trở lại. Khi người lao động quay trở lại thành phố, sức mua sẽ tăng lên. Các ban ngành chức năng và doanh nghiệp phân phối, bán lẻ hàng hóa thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm giá cả thị trường ổn định sau dịp Tết.

Người dân lựa chọn thực phẩm ở siêu thị WinMart tại thành phố Hồ Chí Minh.

Không về quê mà ở lại thành phố Hồ Chí Minh ăn Tết, chị Bùi Thị Hoài Thu (ở phường Tân Thuận Đông, quận 7) cho biết, ngay ngày mùng 2 Tết, khi một số siêu thị và các điểm bán lẻ mở cửa đầu năm Nhâm Dần, chị đã tranh thủ đi siêu thị mua một số thực phẩm cần thiết để tiêu dùng. “Điều tôi lo lắng nhất không phải là khan hiếm hàng hóa mà là tăng giá. Tuy nhiên, giá cả không những được giữ ổn định, mà một số mặt hàng còn được giảm giá, hoặc khuyến mại”, chị Hoài Thu chia sẻ.

Trong ngày mở bán đầu năm (mùng 2 Tết), hơn 500 cửa hàng bán lẻ của Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ Súc sản (Vissan) tại thành phố Hồ Chí Minh đã đồng loạt giảm giá tới 20% nhiều mặt hàng, tập trung vào các sản phẩm thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thịt lợn. Chủ tịch Hội đồng quản trị Vissan Nguyễn Phúc Khoa cho biết, công ty sẵn sàng giảm lợi nhuận để kích thích nhu cầu tiêu dùng ngay trong và sau Tết. “Chúng tôi đã chuẩn bị sản lượng hàng hóa cho nhu cầu mới của thị trường sau Tết. Toàn bộ 500 điểm bán ở thành phố Hồ Chí Minh đã có sẵn thực phẩm tươi sống phục vụ người tiêu dùng”, ông Nguyễn Phúc Khoa cho hay.

Còn Giám đốc Công ty TNHH San Hà Phạm Thị Ngọc Hà cho biết, do dịch bệnh nên thời gian qua sản lượng thực phẩm (chủ yếu thịt gà tươi sống) bán ra sụt giảm, vì vậy, mục tiêu quan trọng đặt ra đầu năm 2022, đặc biệt là ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 là tăng sản lượng tiêu thụ. Để bảo đảm mục tiêu này, công ty cố gắng cắt giảm chi phí đầu vào, ổn định nguồn nguyên liệu để giữ bình ổn giá bán. “Người tiêu dùng có thể yên tâm về giá khi mua sản phẩm của chúng tôi”, bà Phạm Thị Ngọc Hà khẳng định.

Hiện nhiều hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đang được các đơn vị phân phối, bán lẻ giữ ổn định giá, thậm chí giảm giá, cũng như đa dạng các chương trình khuyến mại để bảo đảm mục tiêu chung là kích cầu tiêu dùng. Ghi nhận tại các siêu thị lớn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như: Co.opmart, Big C, WinMart..., các mặt hàng như thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, gia vị vẫn giữ ổn định mức giá như trước và trong Tết. Đơn cử, tại siêu thị WinMart, giá thịt lợn ngày 5-2, thịt ba rọi ở mức 204.900 đồng/kg, thịt đùi ở mức 139.900 đồng/kg, cơ bản không thay đổi so với cao điểm mua sắm Tết.

Còn tại các chợ truyền thống, nhiều tiểu thương cho biết, thường xuyên được ban quản lý chợ kiểm tra giá cả các loại hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu để bảo đảm bình ổn giá cả thị trường theo chương trình kích cầu của thành phố. “Chúng tôi cũng ý thức không tăng giá, bởi thời điểm này giữ sức mua là điều quan trọng nhất”, tiểu thương Nguyễn Thị Hằng (chợ Tân Mỹ, quận 7) cho hay.

Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, sản lượng và chủng loại hàng hóa tiêu dùng tại thành phố hiện không khan hiếm, giá cả cơ bản được giữ ổn định như trước và trong Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Hiện nhóm mặt hàng thực phẩm như thịt tươi sống, thịt chế biến và rau, củ, quả là những mặt hàng tiêu thụ mạnh sau Tết. Tuy vậy, ngành Công Thương thành phố khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua tích trữ, bởi thành phố bảo đảm ổn định cả sản lượng và giá sau Tết. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, kích cầu tiêu dùng đang bắt đầu đẩy mạnh sản xuất, dự báo sản lượng hàng hóa tiêu dùng sẽ khá dồi dào trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết, doanh nghiệp có quyền chủ động xây dựng các chương trình khuyến mại, điều chỉnh giảm giá trong khung chương trình bình ổn giá cả thị trường của thành phố mà không cần đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thành phố tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để có những điều chỉnh kịp thời khi có dấu hiệu găm hàng, tích trữ. “Còn trong trường hợp lượng hàng hóa sau Tết tồn dư cao, doanh nghiệp có thể tổ chức các chương trình khuyến mại sâu hơn”, ông Nguyễn Nguyên Phương nhấn mạnh.

 Trọng Ngôn - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sắc xuân tràn ngập phố phường Thủ đô

Hà Nội ngày cuối năm mang lại cho chúng ta thật nhiều cảm xúc. Mong cho ai cũng tìm thấy sắc xuân trong lòng mình tại nơi đây. Và sau tất cả những khó khăn, chúng ta sẽ lại hy vọng về một năm mới mang lại nhiều điều bình an và may mắn đến với mọi nhà.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1024154/giu-on-dinh-gia-ca-sau-tet