Hà Nội sẽ hỗ trợ 98.300 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

26/11/2021 19:55

Kinhte&Xahoi UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4980/QĐ-UBND ngày 25/11/2021 về việc phê duyệt đề án “Vận động nguồn lực bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.

Đề án này được xây dựng căn cứ vào Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025.

 Ảnh minh họa. 

Theo đó, TP sẽ hỗ trợ cho khoảng 98.300 lượt trẻ em với mục tiêu thực hiện có hiệu quả các nhóm quyền của trẻ em thông qua các chương trình hoạt động. Cụ thể: Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho khoảng 68.350 em; hỗ trợ học tập dài hạn cho khoảng 1.120 em; tặng học bổng, xe đạp cho trẻ em vượt khó học tốt cho khoảng 8.750 em; hỗ trợ học nghề cho khoảng 670 em; hỗ trợ trang thiết bị vui chơi, ngoài trời khoảng 163 bộ; thăm, tặng quà trẻ em nhân dịp Tết Nguyên đán, Tháng Hành động vì trẻ em, Ngày Quốc tế thiếu nhi và Tết Trung thu cho khoảng 20.250 lượt trẻ em; hỗ trợ khác cho khoảng 20.500 lượt trẻ em.

Toàn TP phấn đấu vận động 90% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội và doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố tham gia đóng góp tự nguyện thực hiện việc giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Có 3 nhóm đối tượng trẻ em được thụ hưởng từ đề án trên. Cụ thể, nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gồm: Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ; trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em không nơi nương tựa; trẻ em khuyết tật; trẻ em nhiễm HIV/AIDS; trẻ em vi phạm pháp luật; trẻ em nghiện ma túy; trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; trẻ em bị bóc lột; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em bị mua bán; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo; trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc.

Nhóm trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, gồm: Trẻ em sống trong gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo; trẻ em mồ côi cha hoặc mồ côi mẹ; trẻ em sống trong gia đình có cha hoặc mẹ mắc tệ nạn xã hội hoặc vi phạm pháp luật; trẻ em sống trong gia đình có vấn đề xã hội (cha, mẹ ly hôn, bạo lực gia đình, có người nhiễm HIV/AIDS..); trẻ em sống trong gia đình có cả cha và mẹ làm ăn xa (liên tục 6 tháng trở lên).

Nhóm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, gồm: Trẻ em có cha hoặc mẹ không có việc làm, sống trong gia đình có mức sống trung bình quy định tại Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND ngày 5/9/2021 của UBND TP quy định chuẩn nghèo đa chiều của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025; trẻ em có cha hoặc mẹ là người khuyết tật đặc biệt nặng, cha hoặc mẹ là người tàn tật không có khả năng lao động, người còn lại công việc không ổn định, thu nhập thấp; trẻ em có cha hoặc mẹ mắc bệnh hiểm nghèo, tâm thần, bệnh nặng phải điều trị dài ngày, người còn lại công việc không ổn định, thu nhập thấp; trẻ em có cha hoặc mẹ đột ngột bị mất hoặc giảm thu nhập, không bảo đảm được mức sống tối thiểu.

 Việt An - KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng quán tràn ra vỉa hè

Từ 6h ngày 14/10, Hà Nội cho phép hàng ăn, uống được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn.

Cảm xúc tháng Mười - Khúc khải hoàn của niềm vui chiến thắng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và đến ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong niềm vui hân hoan sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân ta, đây là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

link bài gốc https://kinhtedothi.vn/ha-noi-se-ho-tro-98300-luot-tre-em-co-hoan-canh-kho-khan-442027.html