Hà Nội: Thêm hơn 2.600 ca mắc, dịch sốt xuất huyết đã chạm đỉnh?

16/10/2023 15:36

Kinhte&Xahoi Tuần qua, Hà Nội tiếp tục ghi nhận hơn 2.600 ca mắc mới sốt xuất huyết, tương đương với số mắc của hai tuần trước đó.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới ngày 16-10, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Bùi Văn Hào cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết đang gia tăng và có dấu hiệu đi ngang. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác là dịch đã chạm đỉnh hay chưa thì cần phải theo dõi thêm.

Có thêm 136 ổ dịch/tuần

Theo CDC Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 6 đến 13-10), trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.601 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã.

Trong đó, địa bàn dẫn đầu là quận Hà Đông với 250 ca, tiếp đến là huyện Phú Xuyên với 200 ca, huyện Thanh Oai (171 ca), huyện Thanh Trì (163 ca). Các quận, huyện còn lại: Cầu Giấy, Chương Mỹ, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm ghi nhận từ 120 ca đến 124 ca.

Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn quận Tây Hồ.

Ngoài ra, trong tuần qua cũng ghi nhận 136 ổ dịch sốt xuất huyết tại 23 quận, huyện, thị xã. Đây cũng là tuần có nhiều ổ dịch nhất từ đầu năm 2023 cho đến nay. Nơi có số ổ dịch nhiều nhất tuần qua là Cầu Giấy (15 ổ dịch); tiếp đến là Thanh Trì có 14 ổ dịch; Bắc Từ Liêm (13 ổ dịch). Còn lại các quận, huyện: Hà Đông, Quốc Oai, Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Chương Mỹ, Thường Tín, Mê Linh ghi nhận từ 6 đến 9 ổ dịch…

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội đã có 20.548 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó đã có 3 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 568/579 xã, phường, thị trấn.

Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân nhất là: Hoàng Mai (1.426 ca), Phú Xuyên (1.382 ca), Hà Đông (1.303 ca), Thanh Trì (1.205 ca), Đống Đa (1.103 ca), Cầu Giấy (1.084 ca), Thạch Thất (1.039 ca), Thanh Oai (1.028 ca), Nam Từ Liêm (1.003 ca).

Tổng số ổ dịch ghi nhận từ đầu năm đến nay là 1.305, hiện còn 258 ổ dịch đang hoạt động tại 26 quận, huyện, trong đó một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) có 523 bệnh nhân; xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) có 396 bệnh nhân; thôn Đống, xã Cao Viên (huyện Thanh Oai) có 88 bệnh nhân; phố Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) có 42 bệnh nhân…

Các chuyên gia dịch tễ cho biết, theo quy luật, biểu đồ của dịch như quả đồi, khoảng giữa của dốc là tăng cao hơn cả. Khi tốc độ tăng cao rồi chững lại và giảm dần thì dịch sẽ đi ngang thì khi đó là đỉnh dịch. Khi qua đến đỉnh, số ca mắc sau đó sẽ đi xuống.

Cán bộ y tế quận Long Biên hướng dẫn người dân tìm diệt bọ gậy.

Không thể chỉ chờ vào thời tiết

Trong 3 tuần gần đây (tính từ cuối tháng 9-2023 cho đến nay), số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng mạnh, ghi nhận trong khoảng từ 2.580 đến 2.600 ca/tuần (tăng 1,5 lần so với tuần đầu tháng 9-2023). Vậy, dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội hiện đã chạm đỉnh?

Trả lời câu hỏi nêu trên của phóng viên Báo Hànộimới, ông Bùi Văn Hào, Giám đốc CDC Hà Nội cho biết: “Theo quy luật, khi dịch đi ngang đó là đỉnh dịch và lên rồi thì sẽ giảm xuống. Trong 3 tuần qua, số ca mắc gia tăng mạnh và đã có dấu hiệu đi ngang. Tuy nhiên, để đánh giá được dịch đã chạm đỉnh hay chưa cần dựa vào nhiều yếu tố. Chúng tôi sẽ theo dõi thêm trong 2 tuần nữa mới có thể đưa ra nhận định chính xác”.

Theo nhận định của các chuyên gia y tế, thời tiết giao mùa như hiện nay, mưa và nắng đan xen tạo thuận lợi cho muỗi phát triển. Chỉ khi thời tiết chuyển lạnh mới góp phần hạn chế được sự hoạt động của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết. Dù vậy, chống dịch là phải chủ động và quyết liệt chứ không thể ngồi đợi sự may rủi của thời tiết.

Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai).

Ông Bùi Văn Hào cho biết thêm, điều quan trọng bây giờ là tại cơ sở cần tiếp tục duy trì và triển khai có hiệu quả các biện pháp chống dịch đã đề ra.

“Điều quan trọng là vận động mỗi người dân trên địa bàn nâng cao ý thức, tích cực vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng, diệt lăng quăng, bọ gậy và muỗi. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn trong việc phun hoá chất diệt muỗi. Ngoài ra, cần phải áp dụng nghiêm việc xử phạt vi phạm hành chính với những cá nhân, tổ chức, hộ gia đình không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch”, ông Bùi Văn Hào nhấn mạnh.

Cụ thể, thực hiện xử phạt hành chính các hộ gia đình, cơ quan, công sở có bọ gậy theo quy định tại khoản 3, Điều 6, Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, mức 1-3 triệu đồng/lần vi phạm. Các hộ gia đình không tuân thủ việc phun hóa chất theo khoản 2, Điều 12, Nghị định 117, mức phạt là 5-10 triệu đồng/lần vi phạm.

Phun hoá chất diệt muỗi trên địa bàn quận Hai Bà Trưng

Đánh giá diễn biến các ca bệnh năm nay, theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương), đặc điểm của các bệnh nhân sốt xuất huyết năm nay có nhiều diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân là người trẻ, không có bệnh lý nền vẫn chuyển nặng, nhiều ca phải thở máy.

Trước thực tế trên, các bác sĩ khuyến cáo, sốt xuất huyết thường diễn biến phức tạp. Đặc biệt, sau khi hạ sốt (từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7) của bệnh là giai đoạn nguy cơ biến chứng xảy ra. Vì vậy, người dân không nên chủ quan khi thấy có dấu hiệu hạ sốt.

Với những người đang trong vùng dịch sốt xuất huyết, khi có biểu hiện sốt cao cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn, tái khám, theo dõi định kỳ theo sự hướng dẫn của cán bộ y tế.

 Thu Trang - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

11 mũi thi công đường, 3 mũi thi công cầu Dự án Vành đai 4

Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội vừa báo cáo về tình hình triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Trên toàn tuyến đường đã tổ chức 14 mũi thi công, bao gồm 11 mũi thi công đường và 3 mũi thi công cầu.

Nguồn Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/ha-noi-them-hon-2-600-ca-mac-dich-sot-xuat-huyet-da-cham-dinh-645127.html