Hà Nội: Thu giữ hơn 2.000 tuýp kem bôi trĩ giả mạo nhãn hiệu

16/02/2023 20:53

Kinhte&Xahoi Một cơ sở tại Hà Nội vừa bị lực lượng chức năng phát hiện kinh doanh dược không phép,… bán thuốc có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu số lượng lớn.

Theo thông tin Tổng cục Quản lý thị trường ( QLTT), ngày 15/2/2023, sau quá trình theo dõi, xác minh Đội QLTT số 1 và Đội QLTT số 22, Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Công an quận Bắc Từ Liêm đột xuất kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ số 11, ngách 2, ngõ 123 phố Trần Cung do bà Nguyễn Thị Thu Hiền làm chủ.

Kiểm tra tại cơ sở, lực lượng chức năng phát hiện 2.020 tuýp trên nhãn có chữ Mr.Daflon, loại 15g/tuýp với tổng trị giá hàng hóa vi phạm theo giá niêm yết là 381.780.000 đồng. Được biết, Mr.Daflon là một dạng kem bôi dùng cho người bị bệnh trĩ.

 Thu giữ hơn 2.000 tuýp kem bôi trĩ giả mạo nhãn hiệu tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Theo đại diện sở hữu nhãn hiệu, toàn bộ số hàng hóa trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ theo ĐKQT số 355064 của Biofarma.

Làm việc với lực lượng chức năng, chủ cơ sở xác nhận đã kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh nhưng không có giấy chứng nhận kinh doanh theo quy định và không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Toàn bộ hàng hóa nêu trên được bán trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội với giá 189.000 đồng/1 tuýp Mr.Daflon, loại 15g.

Hiện cơ quan quản lý thị trường đang hoàn tất hồ sơ bàn giao cho công an xử lý.

Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ:

1. Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu) quy định tại khoản 2 Điều này và hàng hoá sao chép lậu quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

3. Hàng hoá sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan." 

 Xuân Thành - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sinh viên thuê trọ thời “bão giá”

Càng gần thời điểm bắt đầu năm học mới của các trường đại học cũng là lúc nhu cầu thuê trọ của sinh viên tăng cao. Cùng với những tác động của vật giá leo thang, giá thuê phòng trọ cũng tăng chóng mặt trong thời điểm này. Dù vậy, nhiều bạn vẫn tìm được những cách riêng để đối mặt với câu chuyện tìm nhà thời “bão giá”.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-24h/ha-noi-thu-giu-hon-2000-tuyp-kem-boi-tri-gia-mao-nhan-hieu-d190263.html