Hà Nội yêu cầu ăn mặc lịch sự, cấm nói tục ở phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm

24/09/2020 14:38

Kinhte&Xahoi Ngoài cấm tụ tậm đông người trái pháp luật, dự thảo quản lý hoạt động phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm còn yêu cầu người dân ăn mặc lịch sự và không được dùng lời nói thô thiển, tục tĩu.

Hà Nội yêu cầu người dân không dắt, thả động vật nuôi ở phố đi bộ. (Ảnh: Toàn Vũ)

UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến nhân dân hoàn thiện Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Theo đó, những hành vi vi phạm quy định tại đây phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và bị xử lý theo các quy định của pháp luật.

Theo dự thảo, đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận phải mặc trang phục lịch sự, không có những hành vi, lời nói thô thiển, tục tĩu, thiếu văn hoá, không phù hợp với thuần phong mỹ tục.

Hà Nội cũng yêu cầu tổ chức, cá nhân không đi, để các phương tiện giao thông đường bộ trên hè, lòng đường và các vị trí công cộng khác trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (trừ các phương tiện làm nhiệm vụ).

Trong dự thảo, Hà Nội cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân không tổ chức biểu tình, tuần hành, tụ tập đông người trái pháp luật; tuyên truyền các nội dung trái pháp luật; tổ chức các hoạt động gây mất trật tự công cộng trong không gia đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Tổ chức, cá nhân cũng được yêu cầu không dắt, thả vật nuôi, gia súc, gia cầm trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; Không thực hiện hành vi dẫm, nằm lên thảm cỏ, ghế đá, ngắt hoa, trèo cây, bẻ cành, hái quả, chặt hạ, huỷ hoại cây xanh.

Hà Nội cũng yêu cầu người dân không bơi lội, câu, đánh bắt cá và sinh vật khác dưới lòng hồ Hoàn Kiếm; Không bán hàng rong, đánh giầy, đeo bám khách du lịch để nài ép mua, ép bán, xin ăn, xin tiền dưới mọi hình thức.

Không tổ chức hoạt động đánh bạc dưới mọi hình thức, tổ chức ăn uống (trừ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phép theo quy định), bói toán, mại dâm, sử dụng ma tuý, các chất kích thích khác và có hành vi, lời nói thô thiển, tục tĩu, thiếu văn hoá, gây mất trật tự công cộng.

Với các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao… thuộc trường hợp phải được cấp phép thì tổ chức, cá nhân có hoạt động phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định.

Đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật không phải cấp phép thì tổ chức, cá nhân có hoạt động biểu diễn phải thông báo nội dung chương trình biểu diễn tới Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội trong thời hạn ít nhất 5 ngày làm việc trước ngày tổ chức.

 Quang Phong - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tháo gỡ khó khăn, hút nhà đầu tư phát triển nguồn điện theo IPP

Sáng ngày 18/09, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển Điện lực, Tạp chí Năng lượng Việt nam đã tổ chức Hội thảo khoa học ”Cơ chế, chính sách cho các nhà đầu tư phát triển nguồn điện tại Việt Nam – những vấn đề đối với nhà Đầu tư”. Mục tiêu của Hội thảo là để các nhà đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, điện khí, nhiệt điện than, thủy điện…trình bày những vấn đề còn bị mắc kẹt trong phát triển các dự án theo hình thức ‘nguồn phát triển độc lập” và bàn giải pháp thúc đẩy các dự án nguồn điện của Việt Nam trong thời gian tới.

Link bài gốc https://dantri.com.vn/xa-hoi/ha-noi-yeu-cau-an-mac-lich-su-cam-noi-tuc-o-pho-di-bo-ho-hoan-kiem-20200924133513391.htm