Hành trình lừa đảo tinh vi của cô gái "bỏ bom" 150 mâm cỗ cưới

03/10/2020 09:55

Kinhte&Xahoi Không chỉ lừa nhà hàng làm 150 mâm cỗ cưới, Cà Thị Út còn "bùng" tiền 7 mâm cỗ ăn trước đó và hơn 30 triệu tiền gà sống, giò... Khoản tiền cọc 30 triệu đồng chủ nhà hàng cũng chưa hề được cầm.

"Bùng" cả tiền gà, giò

Câu chuyện lừa đảo của Cà Thị Út còn nhiều chi tiết khó hiểu, cần làm rõ.

Tối muộn ngày 2/10, trao đổi với PV Dân trí, đại diện Công an tỉnh Điện Biên cho biết, hiện Công an TP Điện Biên Phủ (Điện Biên) đang tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ, tài liệu để xử lý Cà Thị Út (sinh năm 1996, thường trú tại xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) về hành vi đặt 150 mâm cỗ cưới rồi "bỏ bom", gây thiệt hại cho nhà hàng của anh Vũ Thế L. (sinh năm 1988, chủ nhà hàng T.P. ở phường Mường Thanh).

Nhà hàng T.P. - nơi bị "kẹt" 150 mâm cỗ. (Ảnh: CTV).

Cụ thể, Cà Thị Út khai nhận, do thường xuyên qua lại quán T.P. ăn nhậu nên quen biết anh Vũ Thế L. (chủ nhà hàng). Để “đánh bóng” tên tuổi, Út khoe là đang công tác tại một cơ quan nhà nước trên địa bàn. Thấy anh L. tin tưởng nên Út đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản.

Khoảng tháng 8/2020, Út đặt anh L. làm 7 mâm cơm (trị giá 7 triệu đồng) để tiếp khách cơ quan và yêu cầu anh L. ship đến địa chỉ do Út cung cấp. 7 mâm cỗ này Út nợ chưa trả tiền.

Khi anh Vũ Thế L. gọi điện đòi khoản nợ trên, do không có tiền trả và muốn anh L. tin tưởng nên Út nói dối là sau này sẽ tổ chức đám cưới tại nhà hàng của anh rồi trả một thể.

Ngày 22/9, Út gọi điện thoại cho anh L. yêu cầu cung cấp 156kg gà sống, 40kg giò, 180 hộp mía (trị giá gần 23 triệu đồng) để tổ chức báo hỷ tại nhà gái. Đồng thời Út đặt anh L. dựng phông, rạp và 150 mâm cỗ cưới tại nhà hàng của anh.

Theo hợp đồng miệng giữa đôi bên, từ ngày 24 - 26/9, anh L. đã chuyển đủ số thực phẩm trên cho Út; ngày 30/9 chuẩn bị đầy đủ 150 mâm cỗ cưới theo yêu cầu.

Toàn bộ số tiền hàng Út chưa thanh toán cho anh L.

Dàn cảnh lừa đảo vô cùng tinh vi

Chiều 2/10, trao đổi với PV Dân trí, chị T. (vợ chủ nhà hàng T.P.) cho biết, hiện nhân viên nhà hàng vẫn đang phải dọn dẹp đồ đạc phục vụ cho tiệc cưới "ảo" trước đó.

Chị T. cho biết, thời điểm biết nhà hàng bị lừa, nghĩ đến số cỗ và rạp đã dựng, 2 vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc (Ảnh: CTV).

Theo chị T., từ hôm xảy ra vụ việc đến nay vợ chồng chị vừa phải chạy khắp nơi để lo việc, vừa phải xử lý số lượng cỗ thừa, đồ dùng cỗ để trả cho đơn vị đã thuê.

“Chiều qua, công an thông báo cho gia đình tôi đã tìm và đưa được cô dâu "bùng" 150 mâm cỗ cưới về trụ sở công an làm việc. Sáng nay, công an đã triệu tập chồng tôi và nhân viên trong quán lên trụ sở”, chị T. cho biết.

Chị T. nói thêm, ngày 24/8, Cà Thị Út gọi điện cho gia đình chị đặt 150 mâm cỗ cưới vào 30/9. Do chỗ khách quen thường xuyên ăn tại quán nên gia đình chị tin tưởng Út và không làm hợp đồng, thỏa thuận gì cả.

“Cô dâu nói đặt cọc 30 triệu nhưng lại lấy lý do chồng đi làm ăn xa nên sẽ mang tiền cọc ra sau. Đến ngày 29/9, cô dâu gọi điện bảo chúng tôi đến nhà chú rể để thanh toán tiền cọc, gia đình tôi chuẩn bị đi thì Út gọi điện nói không cần lên nữa, bố Út sắp ra nhà hàng. Cả ngày hôm đó, chúng tôi chờ nhưng cũng không thấy.

Đến ngày hôm sau, có hai số điện thoại lạ xưng là chồng và bố của Út gọi điện đến cho nhà hàng bảo cứ yên tâm làm cỗ, gia đình sẽ thanh toán đầy đủ.

Đến sáng 30/9, Út gọi điện và trực tiếp đến nhà hàng 2 lần, Út gọi để đưa ảnh cưới ra, thái độ vẫn rất vui vẻ. Đến 9h cùng ngày, Út lại ra lần nữa báo đặt thêm 5 mâm cỗ dự phòng và yêu cầu nhà hàng bố trí không gian tổ chức lễ cưới thật đẹp, trang trí nhiều bóng bay.

Đến 11h30 phút, Út lại gọi điện cho nhà hàng bảo lùi cỗ đến 12h, rồi một số điện thoại lạ xưng bố cô dâu gọi nói lùi tiệc cưới đến 15h cùng ngày để đảm bảo an toàn giao thông", chị T. kể lại.

Cà Thị Út tại cơ quan công an.

Cũng theo chị T., đến 12h ngày 30/9, nhà hàng không thấy ai đến nên gọi điện cho Út thì thấy khoá máy. Gia đình lên nhà chú rể thì được người dân cho biết ở đây không có ai tên như vậy. Nghĩ đến số cỗ và rạp đã dựng, biết bị lừa, 2 vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc.

"150 mâm cỗ là số lượng lớn mà nhân viên và gia đình đã thức trắng đêm để chuẩn bị. Ngoài những mâm cỗ trên, ngày 24/9, cô dâu nói tổ chức cưới trên nhà gái nên có đặt nhà hàng chuyển lên 156kg gà 40kg giò, 180 đĩa mía tráng miệng. Nhà gái cho người xuống hỗ trợ vận chuyển đồ, nên gia đình tin tưởng giao hàng mà không lấy tiền. Số tiền hàng giao hôm đó là 32 triệu đồng, tổng thiệt hại cả đám cưới tính đến nay khoảng hơn 200 triệu đồng”, chị T. chia sẻ thêm.

Vụ việc hi hữu này đang được Công an TP Điện Biên Phủ tiếp tục điều tra, làm rõ.

 Trần Thanh - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Trở về tuổi thơ với chiếc đèn ông sao năm cánh

Từ lâu, chiếc đèn ông sao luôn được xem là món đồ chơi không thể thiếu dành cho trẻ em trong dịp Tết trung thu. Ngày nay, tuy xuất hiện không ít loại đồ chơi hiện đại, hấp dẫn khác, nhưng đèn ông sao vẫn có một ý nghĩa đặc biệt với các bạn nhỏ. Tại huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, cô Nguyễn Thị Tuyến là nghệ nhân duy nhất đến nay vẫn còn giữ nghề làm đồ chơi dân gian này.

Link bài gốc https://dantri.com.vn/xa-hoi/hanh-trinh-lua-dao-tinh-vi-cua-co-gai-bo-bom-150-mam-co-cuoi-20201002231656975.htm