Hết Covid lại đến "cô hồn", dân kinh doanh bất động sản làm gì tháng ngâu?

21/08/2020 15:22

Kinhte&Xahoi Mua bán vào tháng 7 âm bị hạn chế do quan niệm của người dân. Không có giao dịch, dân kinh doanh bất động sản (BĐS) sẽ làm gì vào khoảng thời gian dài này?

Đã làm nhân viên kinh doanh bất động sản nhiều năm, chị Hà Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) khá thảnh thơi vào dịp này. Theo chị, vào tháng 7 âm (dân gian còn hay gọi là tháng ngâu, tháng cô hồn) thì khách chỉ đi xem, còn giao dịch rất ít.

Các tháng bình thường, dân sale bất động sản phải làm liên tục.

“Năm nay lại dính thêm dịch Covid-19 khiến cho lượng giao dịch chắc chắn sẽ thấp hơn nhiều thời điểm này những năm trước” - chị Phương nói và cho biết thời điểm này công ty chị chỉ chạy quảng cáo, nếu có khách đến xem thì chuyển sang tháng sau giao dịch.

Tháng ngâu mọi năm, rảnh nhiều thời gian nên chị Phương sẽ cùng hội chị em trong công ty đi lễ chùa, nhưng năm nay do có dịch Covid-19 nên cũng hạn chế tụ tập những nơi đông người.

“Các tháng bình thường tôi chỉ đi lễ ngày rằm, mùng 1 ở gần nhà. Nhưng tháng 7, tôi sẽ đi tới các đền chùa ở xa như Thanh Hoá, Nghệ An hay Hà Giang. Đó là chị em phụ nữ, còn nam giới thường sẽ tụ tập nhậu tại nhà trong lúc rảnh rỗi” - chị Phương kể lại. 

Công ty bất động sản của chị Phương không cho nhân viên đi du lịch xa thời điểm này, bởi đây là khoảng thời gian thường có bão, thời tiết xấu. Song, với anh Nghiêm Viết Sơn, chuyên kinh doanh đất đai khu vực sân bay Long Thành (Đồng Nai) thì đây lại là khoảng thời gian công ty anh được xả hơi đi du lịch.

Nhưng tháng ngâu lại là khoảng thời gian xả hơi.

Đã làm qua nhiều công ty bất động sản, nhưng ở đâu, anh Sơn cũng đều đi du lịch vào tháng "cô hồn". Bởi theo anh, tháng này cũng ảnh hưởng nhiều tới việc bán hàng, nên các doanh nghiệp thường cho nhân viên kinh doanh đi du lịch, team building để xả stress, lên dây cót tinh thần cho mấy tháng cuối năm và cũng là dịp để tổng kết 6 tháng đầu năm.

“Việc du lịch có thể là rất nhiều nơi trong nước. Năm ngoái gặp bão, chúng tôi đã phải chuyển hướng sang du lịch Thái Lan. Tháng 7 âm có thời gian, chúng tôi cũng tổ chức những buổi đi picnic để giết thời gian”, anh Sơn cho hay.

Đó là tháng ngâu của những năm trước, còn trong thời điểm hiện tại, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
 
Chưa nói tới việc đi chùa, hay du lịch xả hơi, nhiều nhân viên kinh doanh bất động sản còn phải nghỉ làm vì không bán được hàng. Nếu tình trạng này kéo dài đến cuối năm, thì với họ tháng nào cũng là tháng "cô hồn".
 
Một vài năm trở lại đây, tâm lý người dân không quá bị ảnh hưởng bởi tháng cô hồn. Nhưng theo nhân viên kinh doanh bất động sản, lượng giao dịch cũng giảm 20 - 40% so với tháng bình thường. Giao dịch giảm không quá nhiều, nhưng khối lượng công việc lại ít đi, nên có nhiều thời gian rảnh.

 Thế Hưng - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Ngày đầu thực hiện giãn cách tại các cơ sở kinh doanh ăn uống

Thực hiện chỉ đạo tại Công điện khẩn số 07 của UBND TP Hà Nội, nhiều hàng quán đã thực hiện nghiêm việc giãn cách tối thiểu 1m, tổ chức đo thân nhiệt và bố trí nước sát khuẩn tay cho khách hàng, tuy nhiên, một số nơi vẫn chưa tự giác thực hiện, vẫn cần sự nhắc nhở, đôn đốc từ lực lượng chức năng.

Hà Nội: Các siêu thị chủ động phòng chống dịch Covid-19

Hiện 50 siêu thị/cửa hàng của chuỗi hệ thống BRGMart, gồm: Intimex, Seikamart; Hapromart; Haprofood ở các tỉnh TP: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên đã tái khởi động các hoạt động để phòng tránh Covid-19. Toàn bộ cán bộ nhân viên của hệ thống siêu thị/cửa hàng đều phải nghiêm chỉnh thực hiện việc đeo khẩu trang, sát khuẩn bằng cồn trong suốt quá trình làm việc.

Link bài gốc https://dantri.com.vn/bat-dong-san/het-covid-lai-den-co-hon-dan-kinh-doanh-bat-dong-san-lam-gi-thang-ngau-20200820172529496.htm