Dự buổi lễ có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, năm 2021, huyện Thạch Thất đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16/20 chỉ tiêu, tăng trưởng kinh tế đạt 10,1%; Lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa được chú trọng; Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm…

Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thạch Thất

Cùng với việc thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc triển khai phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng của huyện cũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2021, nhiều cá nhân, tập thể được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng; Được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Chủ tịch UBND thành phố tặng Cờ “Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua” năm 2021…

Đáng lưu ý, sau nhiều năm thực hiện xây dựng Nông thôn mới, từ một huyện gặp rất nhiều khó khăn, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu; Tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao… Đến nay, diện mạo nông thôn Thạch Thất đã có sự thay đổi mạnh mẽ. 21/21 xã trên địa bàn được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới.

Năm 2020, huyện Thạch Thất được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới. Trong đó, nhiều nhóm tiêu chí đạt kết quả cao như: 100% trạm y tế đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm chỉ còn 0,1%; thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2021 đạt 70 triệu đồng/người/năm… Hiện nay, huyện có xã Đại Đồng đã được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; Có 142 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm)…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại buổi lễ

Chúc mừng, biểu dương những kết quả mà huyện Thạch Thất đã đạt được; Đặc biệt ghi nhận nỗ lực, cố gắng không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thạch Thất tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực đổi mới mạnh mẽ; Khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển, tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ công tác năm 2022. Cùng với đó, huyện tập trung lãnh đạo nâng cao năng lực, sức chiến đấu, chất lượng của các tổ chức Đảng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, cùng với việc thực hiện tốt Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy, huyện Thạch Thất cần tiếp tục đẩy mạnh và phát huy các thành quả trong công tác xây dựng Nông thôn mới; Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch để người dân thực sự là chủ thể và là đối tượng được thụ hưởng những kết quả tích cực từ chương trình xây dựng Nông thôn mới; Phấn đấu, đến hết năm 2022, Thạch Thất sẽ có thêm 2 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu, có thêm ít nhất 25 sản phẩm được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị, huyện Thạch Thất tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, phục hồi và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch; Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, chất lượng cao...

Nhấn mạnh tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, không chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.

Từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, huyện cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm an sinh - xã hội để Nhân dân được vui xuân, đón Tết vui tươi, an toàn, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết.

 Hạnh Nguyên: Ảnh Quang Thái- TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng quán tràn ra vỉa hè

Từ 6h ngày 14/10, Hà Nội cho phép hàng ăn, uống được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn.

Cảm xúc tháng Mười - Khúc khải hoàn của niềm vui chiến thắng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và đến ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong niềm vui hân hoan sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân ta, đây là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/huyen-thach-that-don-nhan-huan-chuong-lao-dong-hang-ba-188247.html