Không bỏ sót kiến nghị của cử tri

12/10/2021 19:45

Kinhte&Xahoi Sau khi tổng hợp, phân loại, đã có 281 kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ hai, HĐND thành phố Hà Nội (khóa XVI). Các kiến nghị này đã và đang được cấp có thẩm quyền xem xét từng bước giải quyết, bảo đảm không bỏ sót ý kiến đóng góp của cử tri.

Cử tri huyện Ba Vì kiến nghị các vấn đề quan tâm tại hội nghị tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ hai HĐND thành phố khóa XVI theo hình thức trực tuyến.

Nhóm vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được nhiều cử tri quan tâm kiến nghị. Cử tri Bùi Văn Quân (xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai) phản ánh, việc triển khai chính sách trên vẫn chậm, dẫn tới việc hỗ trợ cho một số đối tượng chưa đúng thời điểm. “Tôi mong muốn thành phố khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để hỗ trợ kịp thời người lao động đang gặp khó khăn”, ông Bùi Văn Quân đề nghị.

Lý giải về nội dung này, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, với quyết tâm giúp người dân sớm được thụ hưởng chính sách, chia sẻ khó khăn, ổn định cuộc sống, các cấp, ngành thành phố đã triển khai thực hiện chính sách của trung ương, của thành phố Hà Nội và huy động xã hội hóa để quyết định hỗ trợ cho các đối tượng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gặp một số khó khăn, vướng mắc, nên UBND thành phố đã ban hành 4 văn bản đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, đồng thời tiếp tục kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết. Trong đó, có một số đối tượng còn chưa được bao phủ bởi chính sách hỗ trợ.

Liên quan đến yêu cầu đẩy nhanh quy trình xác định giá đất làm cơ sở để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bảo đảm tiến độ của các dự án đầu tư cũng nhận được sự quan tâm kiến nghị của cử tri nhiều địa phương.

Tổng hợp các ý kiến, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành tham mưu nhiều giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, cố gắng rút ngắn thời gian xác định giá đất trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất bồi thường đối với đất phi nông nghiệp và tiến độ xác định giá đất nông nghiệp.

Theo đó, các dự án thu hồi đất giải phóng mặt bằng có diện tích thu hồi là đất nông nghiệp khi thực hiện, cấp huyện phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ thì UBND quận, huyện, thị xã áp dụng mức giá đất nông nghiệp UBND thành phố ban hành có hiệu lực hằng năm nhân hệ số 1 để làm căn cứ lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có một số dự án quá thời hạn 12 tháng, chậm triển khai, UBND thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã tiến hành đánh giá biến động giá đất trên thị trường khu vực, đề xuất xác định lại giá đất làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định.

Đáng chú ý là những kiến nghị xử lý nghiêm vi phạm xả thải ra môi trường ở các khu công nghiệp của cử tri các huyện: Phúc Thọ, Hoài Đức, Mê Linh… Theo báo cáo của UBND thành phố, hiện nay, toàn thành phố có 70 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 1.400ha, thu hút hơn 1.000 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đa số các cụm công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên, một số cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng hệ thống thu gom nước thải không được xây dựng, đầu tư đồng bộ, dẫn đến không được đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung để xử lý trước khi xả thải, gây ô nhiễm môi trường.

Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, UBND thành phố sẽ chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp. UBND thành phố giao Sở Công Thương Hà Nội rà soát, tính hiệu quả, công suất của hệ thống xử lý nước thải tập trung cho phù hợp với thực tế, để tránh lãng phí tiền ngân sách dành cho các hệ thống xử lý nước thải tập trung đã và sắp được đầu tư, xây dựng; chỉ đạo kiểm tra, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cố tình vi phạm theo thẩm quyền.

Ông Đào Vĩnh Sử (phường Quảng An, quận Tây Hồ) đánh giá: “Kết quả giải quyết nội dung kiến nghị cơ bản đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri. Mong rằng, thời gian tới, HĐND thành phố tiếp tục tăng cường công tác giám sát, không bỏ sót kiến nghị của cử tri, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô”.

 Việt Tuấn - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cảm xúc tháng Mười - Khúc khải hoàn của niềm vui chiến thắng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và đến ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong niềm vui hân hoan sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân ta, đây là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/1014387/khong-bo-sot-kien-nghi-cua-cu-tri?