Đường Nhuệ khoe mẽ tiền của cho thấy y ngạo nghễ tới mức nào

Vụ án Đường “Nhuệ” (vợ chồng Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương) ở Thái Bình dù chỉ mới bắt đầu, nhưng có những dấu hiệu bảo kê cho băng nhóm xã hội đen (XHĐ) này khá rõ.

Nhìn lại một số vụ án hình sự nổi cộm do bảo kê của một số đối tượng có chức có quyền cho XHĐ, trật tự xã hội của một số địa phương bị đảo lộn, người dân luôn vào thế sợ hãi, lo âu.

Ngay ở TP Hồ Chí Minh, Năm Cam có thể khuynh đảo thời gian dài là do một số đối tượng biến chất ngay trong lực lượng bảo vệ pháp luật đứng ra bảo kê. Đây là vụ án rất điển hình cho sự bắt tay, cấu kết chặt chẽ giữa băng nhóm XHĐ và những đối tượng có chức quyền.

Những tưởng rằng, vụ đó sẽ khiến những quan chức biến chất phải chùn tay. Nhưng không!

Gần đây nhất, dù chỉ là va chạm rất bình thường ở quán nhậu, nhóm đối tượng XHĐ ở Đồng Nai dám quây cả xe con chở các sĩ quan, cựu sĩ quan công an để “xử lý”. Nhóm sĩ quan này chỉ được giải thoát khi có lực lượng hùng hậu của công an tỉnh đến. Ngay thời điểm đó, dư luận đã hiểu băng nhóm XHĐ ở đây được bảo kê tới cỡ nào. Nhưng chỉ đến khi hầu hết dàn lãnh đạo cao nhất CA tỉnh bị cách chức, bị kỷ luật, một loạt tiêu cực từ nhiều năm trước mới lộ rõ. Trong đó, hàng loạt tiêu cực của lực lượng CSGT bị phơi bày, dù rằng trước đó cả chục năm, tiêu cực của trạm CSGT Cầu Giây được nhiều tờ báo điều tra rõ, nhưng tất cả rơi vào im lặng một cách đáng sợ.

Hoặc vụ án đình đám do băng nhóm tội phạm đánh bạc công nghệ cao do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam cầm đầu, có khoảng 14 triệu con bạc đã đốt vào trò đỏ đen này khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Những con số đó cho thấy, tầm hoạt động của đường dây này lớn tới mức nào. Chắc chắn chúng không thể hoạt động công khai và kéo dài như vậy nếu không có sự bảo kê của Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng C50 và Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát.

Các vụ án này cho thấy sự việc đều diễn ra trong thời gian dài, gây mất trật tự an ninh trầm trọng; những đối tượng đứng ra bảo kê là nhóm cán bộ có quyền hành, chức trách, thậm chí đứng đầu đơn vị; Chỉ khi những kẻ biến chất bị khởi tố, bị cách chức, các đối tượng cầm đầu các băng nhóm XHĐ mới bị lộ mặt...

Chính vì vậy, các vụ án này có đặc điểm chung là để phá các băng nhóm XHĐ, Bộ Công an thường phải sử dụng các đơn vị nghiệp vụ khác hoặc thay đổi người đứng đầu công an tỉnh. Chẳng hạn vụ Năm Cam là lực lượng của Tổng Cục Cảnh sát; Vụ đánh bạc công nghệ cao do Công an tỉnh Phú Thọ thụ lý. Còn ở Đồng Nai, chỉ khi hầu hết ban giám đốc Công an tỉnh bị cách chức, bị kỷ luật và có giám đốc mới ở nơi khác điều về thì những hố đen ở đây mới được giải mã.

Quay lại vụ án Đường “Nhuệ”, chỉ từ mâu thuẫn trong việc gửi hàng đi Hà Nội, vợ chồng Dương - Đường biệt danh Đường “Nhuệ” đã gọi nạn nhân đến tận nhà để “dạy bảo” khiến họ tổn hại đến 15% sức khoẻ. Điều đó cho thấy không chỉ là họ bất chấp pháp luật, mà nạn nhân đã sợ uy thế của Đường “Nhuệ” tới mức nào, buộc phải đến tận nhà bọn chúng để ... hứng đòn.

Đến khi vợ chồng Dương - Đường và một số đệ tử bị bắt, một loạt đơn thư tố cáo gửi tới tấp tới các cơ quan chức năng, nhiều chuyện kinh hoàng mới bung ra. Từ các kiểu chèn ép đối thủ để trúng thầu mua bất động sản, “thu tô” của các hộ kinh doanh việc hỏa táng người chết, đòi nợ thuê, tín dụng đen...Thậm chí, băng nhóm này ngang ngược đánh nạn nhân ngay trụ sở công an phường. Dù vụ án nghiêm trọng như vậy nhưng cơ quan điều tra đã đã đình chỉ vụ án vì hết thời hạn điều tra!?

Chỉ vụ việc đó thôi, những người làm ăn với vợ chồng đại gia Đường “Nhuệ” chắc chắn hiểu “cái ô” của vợ chồng này dữ dằn đến cỡ nào.

Nói đến đây người viết lại nhớ đến vụ cảnh sát Phan Lê Sơn ở TP HCM bị đánh dã man cho đến chết giữa phố phường, nhưng vụ án cũng vào ngõ cụt vì một số đối tượng trong phòng cảnh sát hình sự khi đó đã cố tình để Thọ “đại úy”- cháu ruột Năm Cam - kịp bỏ trốn trước khi phát lệnh truy nã. Đến khi mở rộng vụ án Năm Cam, vụ án đánh cảnh sát Lê Sơn đến tử vong mới được làm rõ và những đối tượng là công an làm sai lạc hồ sơ vụ án này mới bị bắt.

Trả lời phỏng vấn báo chí sau vụ án “Đường Nhuệ”, nói về sự bảo kê nói chung, thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an khẳng định: Nếu không có quan chức nào đó bảo lãnh thì ai dám ngông nghênh.

Do đó, dư luận mong muốn để bảo vệ cuộc sống của nhân dân và nêu cao kỷ cương pháp luật, các cơ quan chức năng sớm trừng trị kiên quyết và nghiêm khắc những đối tượng có chức, có quyền nào đã đứng ra bảo kê cho băng nhóm XHĐ Đường “Nhuệ”.


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Xây dựng mô hình cụm dân cư an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19

Với mục tiêu “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch”, huyện Đông Anh (TP Hà Nội) đã chủ động xây dựng mô hình “cụm dân cư an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19”, đáp ứng đầy đủ các nội dung trong phòng chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ khi Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Nguồn: Dân Trí/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/khong-co-bao-ke-thi-xa-hoi-den-nao-dam-ngong-nghenh-d122434.html