Người dân cần đeo khẩu trang nơi công cộng để bảo vệ mình cũng như cộng đồng trước diễn biến mới của dịch Covid-19. Ảnh: Hải Linh
Bình tĩnh và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch
Những ngày qua, Đà Nẵng là tâm điểm chú ý của cả nước từ khi liên tiếp xuất hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng. Trước tình hình diễn biến mới của dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành liên quan, UBND các tỉnh, TP nhất là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế tiếp tục chủ động, bình tĩnh, thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng kêu gọi người dân cần bình tĩnh và tuân thủ khuyến cáo của ngành y tế.
Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người trở về từ Đà Nẵng. Đồng thời, 2 địa phương này cũng khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế. Khuyến cáo người dân tạm thời không đến các vùng có dịch để phòng bệnh. Các địa phương còn lại khác cũng đã tiến hành lập danh sách, rà soát giám sát và cách ly tại nhà với những trường hợp đến Đà Nẵng để ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.
Không hoang mang, lo lắng
Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhấn mạnh, hiện nay, tình hình dịch tại Đà Nẵng theo những thông thông báo của Bộ Y tế là khá phức tạp khi các ca nhiễm trong cộng đồng chưa xác định được nguồn lây. Trong những ngày tới số ca mắc có thể tăng lên. Vì thế, ngành y tế Đà Nẵng cần đẩy mạnh xét nghiệm trên diện rộng, nhằm xác định sớm ca bệnh, từ đó tiếp tục khoanh vùng, dập dịch. Các bệnh viện khác trong cả nước cũng không được chủ quan, lơ là,
phải tiếp tục tăng cường chống dịch, thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân luồng, quản lý các ca nghi ngờ...
“Trong bối cảnh hiện tại, người dân cả nước không nên hoang mang, lo lắng mà tăng cường cảnh giác với dịch bệnh, thực hiện nghiêm khuyến cáo của ngành y tế phù hợp với địa phương mình. Tất cả phải đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, khai báo y tế, rửa tay khử khuẩn, thực hiện giãn cách xã hội”- PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, có ca mắc Covid-19, kể cả một ca cũng được coi là ổ dịch, các bệnh viện ở Đà Nẵng có ca mắc chính là ổ dịch. Vì thế, những người trở về từ Đà Nẵng, từ ổ dịch (liên quan đến bệnh viện) thì cần phải khai báo y tế, tự cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày. Những trường hợp khác (khách du lịch, không vào ổ dịch) tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nếu có dấu hiệu gì bất thường như sốt, ho, khó thở… cần báo cáo cơ quan y tế địa phương.
Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, thời gian qua, Việt Nam cũng như Hà Nội đã quản lý, cách ly rất tốt các ca bệnh nhập cảnh theo diện bảo hộ công dân, chuyên gia, không để lây lan ra cộng đồng. Để phòng bệnh thật tốt, mỗi người cần tuân thủ đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác, ở nơi đông người, trong bệnh viện, trên xe khách, tại sân bay... đồng thời thực hiện rửa tay sát khuẩn thường xuyên, tuân thủ tất cả các khuyến cáo phòng bệnh mà Bộ Y tế đề ra là có thể được bảo vệ an toàn.
Chiều 30/7, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã tổ chức tiếp nhận ủng hộ phòng, chống Covid-19 của 6 tổ chức, cá nhân với tổng trị giá hiện vật là hơn 900 triệu đồng.
Trong đó, Nhóm từ thiện Wefinex ủng hộ 100.000 khẩu trang và 20 thùng nước rửa tay, tổng trị giá 152 triệu đồng; Công ty TNHH Hương Việt Sinh ủng hộ 6.500 khẩu trang, trị giá 52 triệu đồng; Công ty Cổ phần xây dựng Hòa Trung ủng hộ 2.000 khẩu trang, trị giá 10 triệu đồng; Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Hà Nội ủng hộ 50.000 khẩu trang, 5.000 chai nước tinh khiết và 2.000 chai nước sát khuẩn, trị giá 650 triệu đồng; Hội nghệ nhân, thợ giỏi TP Hà Nội ủng hộ 10.000 khẩu trang trị giá 28 triệu đồng và gia đình ông bà Hoàng Long ủng hộ 2.000 khẩu trang, trị giá 10 triệu đồng. Tổng trị giá hiện vật ủng hộ là hơn 900 triệu đồng. |
Thanh Bình - KTĐT