Lễ hội 'ma' Halloween và những điều có thể bạn chưa biết

30/10/2019 16:45

Kinhte&Xahoi Halloween khá phổ biến và được nhiều nước trên thế giới háo hức, chào đón nhưng có nhiều điều có thể bạn chưa biết về ngày lễ này.

Truyền thuyết về Halloween

Theo truyền thuyết của nước Ái Nhĩ Lan (Ireland) thì từ ngữ "Jack-ó-lanterns" đến từ một người có tên là Jack. Jack là chàng thiếu niên đã chết nhưng linh hồn không được phép vào Thiên Đàng vì lý do: lúc sống, anh ta vốn là một người tham lam, bủn xỉn, thường cất giấu tiền bạc, keo kiệt không hề bố thí cho ai một chút gì. 

Chuyện kể rằng: Một hôm có con quỷ đến quấy phá một vùng dân cư, chẳng may bị báo động, người ta đến cầu cứu các vị tu sĩ đem các vật thánh đến yểm bùa và khóa các cửa ra vào. Thế là con quỷ bị bắt… Jack nhận ra đó là con quỷ thường vui đùa với mình, Jack đã tìm cách gỡ vật "yểm ma quỷ" mở đường cho quỷ chạy thoát.


Để đền ơn cứu mạng, quỷ hứa với Jack là sẽ không bắt hồn Jack về Địa Ngục. Do đó, khi Jack chết vì một tai nạn, hồn Jack bị Thiên Đường từ chối. Jack liền tìm đến Địa Ngục, nhưng quỷ không cho vào… vì lời hứa trước.

Thấy Jack lạnh lùng khổ sở, quỷ bèn lấy một ít than hồng ở Địa Ngục bỏ vào trong ruột một quả bí ngô và đưa cho Jack để sưởi ấm… trên đường trở lại trần gian.

Để cho không khí thông vào nuôi lửa, Jack phải đục thủng quả bí ngô.. và ánh lửa từ trong đã chiếu ra soi sáng nẻo đường lang thang của Jack. Có lẽ Jack phải cầm đèn đi lang thang trên mặt đất cho đến ngày phán xét cuối cùng của nhân loại.

Ngày lễ Halloween được du nhập vào Mỹ từ năm 1840 theo chân những người Ai-len di cư san. Đầu tiên nó chỉ diễn ra ở các nông trang nhưng ngày nay cũng giống như nhiều quốc gia khác Halloween trở thành một ngày lễ chung cho tất cả mọi người, nhất là đối với giới trẻ.

Vào giữa thế kỷ 19, tục lệ “trick or treat” chưa được phổ biến ở các thành phố lớn vì ở những nơi này "hàng xóm láng giềng" hầu như không có; nhiều người ở cạnh nhau mà không quen biết nhau, cho nên Halloween đôi khi gây ra những sự việc tai hại.

Ý nghĩa ngày Halloween không phải ai cũng biết

Ngày 1/11 là ngày lễ của người Thiên chúa bày tỏ lòng thành trước thánh thần. Nhưng vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, ở xứ Celtic (Ireland) mùa màng kết thúc vào ngày 31/10 và ngày hội Halloween được gọi là ngày lễ Samhain (gieo trồng). Ngày này cũng chính thức bắt đầu một năm mới của người Celtic.

Người Celtic tổ chức kỷ niệm năm mới với lễ hội Samhain. Vào thời gian này, vị thần của mùa xuân và mùa hè không còn ngự trị và nhường chỗ cho thần Chết.


Lễ hội bắt đầu vào ngày 1/11, khi linh hồn của người chết quay trở lại nhà người thân để xin thức ăn và nước uống. Trong suốt đêm lễ thánh Hallow’s Eve, diễn ra vào đầu mùa đông - thời điểm kết thúc một năm, theo quan niệm từ trước, các xác chết thường đi lại tự do.
 
Người xưa kể lại, vào ngày lễ Samhain linh hồn của người chết trong năm trước sẽ tìm đến một thể xác khác để bắt đầu cuộc sống mới trong năm tiếp theo.

Tuy nhiên, người sống không muốn linh hồn người chết nhập vào mình, vì thế vào ngày 31/10 dân làng dập tắt lửa trong nhà để làm cho nhà cửa lạnh lẽo và tẻ ngắt. Sau đó họ hoá trang thành ma cà rồng và lặng lẽ đi vòng quanh nhà hàng xóm vẻ hăm doạ để xua đuổi những hồn ma tìm thể xác.

Ngày lễ Halloween bắt đầu vào đêm 31/10 hàng năm. Các hoạt động phổ biến trong lễ Halloween là trẻ con hoá trang đến gõ cửa nhà hàng xóm để xin bánh kẹo, dự tiệc hóa trang, đốt lửa, khắc bí ngô, đớp táo, các trò đùa cợt, xem phim hoặc kể chuyện kinh dị.

Các tập tục trong ngày Halloween

“Trick Or Treat” -  là sinh hoạt chính của hầu hết trẻ em và thiếu niên tại Hoa Kỳ trong đêm Halloween. 

“Trick” nguyên nghĩa là: đánh lừa, trò chơi tinh ma nghịch ngợm: “Treat” là tiếp đón, đối xử tử tế, tiếp đãi. Các em nhỏ và thiếu niên, thanh niên hóa trang với áo quần và mặt nạ hình ma quỷ, rồi cầm lồng đèn đi từ nhà này sang nhà khác trong xóm, gõ cửa và nói “trick or treat".

Câu này có nghĩa là: “Nếu muốn chúng tôi không chơi xấu thì hãy đãi chúng tôi cái gì đi". Thông thường những người láng giềng luôn luôn muốn tránh việc “trick” nghĩa là chơi đòn đánh lừa nên thường tiếp đón (treat) chúng bằng kẹo và trái cây (theo tục lệ có nhét đồng tiền ở bên trong).

Những sự thật khó tin về ngày Halloween

Bên cạnh mèo đen, loài cú là hình ảnh phổ biến trong Halloween. Vào thời Trung Cổ ở châu Âu, cú được loài vật thân thiết với ma quỷ, phù thủy. Mỗi khi cú kêu thì đó là điềm báo ai đó sắp chết.

Samhainophobia là tên hội chứng kỳ lạ của những người sợ ngày Halloween. Theo đó, những người này thường ở trong nhà vào ngày này và tuyệt đối không đi tới chỗ có người hóa trang.


Vào thời xa xưa, nếu người nào đó trót hóa trang thành phù thủy trong lễ hội Halloween thì phải nhất định dẫn theo một con mèo mun. Bởi lẽ, nhiều người tin rằng, mèo mun chính là đầy tớ thân cận với phù thủy. Trong lễ hội Halloween thời xưa, người ta thường đốt một đống lửa và chơi đùa, nhảy múa xung quanh. Họ làm như vậy vì mong muốn Mặt trời sẽ chiếu sáng rực rỡ trở lại sau khi mùa đông dài lạnh giá qua đi cũng như cầu mong vận may.

Thuật ngữ “phù thủy” thường được sử dụng trong đêm Halloween và nhiều người hóa trang thành phù thủy. Thuật ngữ trên có nguồn gốc từ nghĩa “người phụ nữ khôn ngoan”.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Video - Làm gì khi bị bôi nhọ trên mạng xã hội?

Mạng xã hội ngày nay là điều không còn xa lạ, thậm chí không thể thiếu với giới trẻ. Tuy nhiên khi không may trở thành nạn nhân bị làm nhục trên mạng xã hội, đa phần các bạn trẻ đều hoang mang, lo lắng và mất phương hướng giải quyết. Lúc này, nếu người thân, đặc biệt là cha mẹ không có cách ứng xử hợp lý, khéo léo, rất dễ đẩy con em mình đến tâm lý và hành động tiêu cực.

Theo VTC News/ Pháp luật Plus