Lễ hội truyền thống Tổng Mễ: Giá trị văn hóa của người Việt

21/03/2019 09:24

Kinhte&Xahoi Đến hẹn lại lên, cứ vào trung tuần tháng 2 âm lịch (tức ngày mùng 10 tháng 2 đến hết ngày 12 tháng 2), tại huyện Khoái Châu, Hưng Yên sẽ diễn ra Lễ hội truyền thống Tổng Mễ (Chử Đồng Tử - Tiên Dung).

Đây là một trong 16 lễ hội lớn nhất cả nước gắn với huyền thoại đẹp về tình yêu bất tử, bất chấp mọi rào cản và định kiến xã hội giữa công chúa Tiên Dung, con gái vua Hùng thứ 18 và chàng trai nghèo họ Chử, thu hút hàng vạn khách thập phương từ khắp nơi về dự. 

 Lễ hội truyền thống Tổng Mễ (Chử Đồng Tử - Tiên Dung).

 
Lễ hội diễn ra với mong muốn bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá phi vật thể độc đáo đồng thời góp phần tuyên truyền quảng bá các giá trị khu di tích lịch sử Quốc gia và danh thắng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong thực hành, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Nếu du khách có mong muốn được về tham dự Lễ hội truyền thống Tổng Mễ (Chử Đồng Tử - Tiên Dung), chỉ cần hỏi thăm đường về khu Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia đền Đa Hòa thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên (cách Thủ đô Hà Nội khoảng 20 km nếu đi xuôi dòng sông Hồng và xa thêm dăm cây số nữa nếu đi theo đường đê) nơi thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung và các đền tại các thôn Phú Thị, Mễ, Nhạn Tháp, Phú Trạch, Hoàng Trạch, Đồng Quê của xã Mễ Sở; Đền Thiết Trụ, Bằng Nha và Đa Hòa của xã Bình Minh.

Lễ hội đ­ược tổ chức hàng năm như­ng với quy mô tổng thì 3 năm một lần. Năm nay, lễ hội được tổ chức trong 03 ngày, từ ngày 15/3/2019 đến hết ngày 17/3/2019 (tức từ ngày mùng 10 tháng 02 đến hết ngày 12 tháng 02 năm Kỷ Hợi), với quy mô tổ chức lễ hội là liên xã (Tổng Mễ xưa, nay là 2 xã Bình Minh và Mễ Sở). Trong đó, cơ quan thường trực tổ chức là UBND xã Bình Minh, cơ quan trực tiếp phối hợp là UBND xã Mễ Sở.

Trong hoạt động của Lễ hội truyền thống Tổng Mễ (Chử Đồng Tử - Tiên Dung) gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm, đảm bảo các nghi lễ truyền thống, thể hiện ước nguyện của nhân dân cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, trăm dân vui vẻ, trong phần lễ gồm có rất nhiều các nghi thức bảo tồn nguồn gốc truyền thống lễ hội xưa để lại.

Đầu tiên là lễ cáo yết diễn ra từ ngày 13/03 đến ngày 14/3/2019 (tức ngày 08, 09 tháng 2 năm Kỷ Hợi): Các làng tổ chức lễ cáo yết thánh, chồng kiệu, bao sái và duyệt đội hình. Sau đó là lễ rước kiệu từ 6 giờ 30 phút ngày 15/03/2019 (tức ngày 10 tháng 2 năm Kỷ Hợi). Các làng tổ chức lễ rước kiệu từ 9 làng về đền Chử Đồng Tử - Tiên Dung thôn Đa Hòa, xã Bình Minh để làm lễ khai mạc (dâng hương).

Như các năm trước, trong lễ rước kiệu đi đầu đoàn rước là con rồng dài trên 20 mét được ba chục thanh niên khoẻ mạnh thay nhau múa theo điệu trống thúc liên hồi khiến cuộc rước thật tưng bừng. Tiếp theo sau là hai hàng các bà, các chị, các cô trang phục đủ sắc màu rực rỡ tay cầm cờ hội, chống chiêng, cùng ngựa hồng, ngựa bạch, gươm trường bát bửu, phường đồng văn, đội múa sinh tiền, đội múa nón, đội nhạc lễ.

Tiếp đến là nghi thức rước nước từ sông Hồng về lễ thánh. Đám rước uy nghi, rồng vàng dẫn đầu; hội rước cờ, trống, phường bát âm, múa sinh tiền, kiệu long đình, kiệu choé nước, kiệu đặt nón gậy, kiệu “Bế ngư thần quan”, ba kiệu rước Chử Đồng Tử, Tiên Dung công chúa, Tây Sa công chúa đi sau. Sau khi lấy nước ở sông Hồng về, các kiệu trở về đền Hoá lễ thánh. Đi đầu là hai bô lão cùng hai nam, hai nữ dâng nước vào đền.

Theo tục lệ, nước được dùng để cúng phải là nước lấy ở giữa sông Hồng. Người đại diện cho dân làng lấy nước là cụ già có đức độ trong làng. Dâng nước là hình thức tâm linh cầu nguyện một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt bội thu. Đối với phần hội sẽ diễn ra các trò chơi dân gian như: Bịt mắt bắt dê, bịt mắt đập niêu, chọi gà, đi cầu Kiều, đu cây và một số trò chơi khác tạo không khí vui tươi, lành mạnh. Trong thời gian diễn ra lễ hội còn đan xen nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao như: thi bơi chải, cờ tướng, cầu lông, múa rồng, hát ca trù, quan họ, chầu văn…

Với mong muốn các nghi lễ được thực hiện theo đúng nghi thức truyền thống, tổ chức trang trọng, an toàn, vui tươi, lành mạnh. Trong quá trình diễn ra lễ hội đảm bảo an ninh trật tự, giao thông an toàn và thông suốt, đáp ứng đủ các yêu cầu về vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, phòng chống cháy nổ để nhân dân yên tâm tham gia lễ hội, không xuất hiện các trường hợp mê tín, dị đoan, lợi dụng tâm linh trục lợi cá nhân. Ngay từ những ngày đầu công tác chuẩn bị đã được UBND huyện Khoái Châu triển khai bằng các kế hoạch cụ thể, chi tiết, đặc biệt là công tác tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Căn cứ vào Quyết định số 13/QĐ-UBND, ngày 24/01/2019 của UBND xã Bình Minh và Quyết định số 20/QĐ-UBND ngày 18/02/2019 của UBND xã Mễ Sở, Ban tổ chức Lễ hội truyền thống Tổng Mễ (Chử Đồng Tử - Tiên Dung) năm 2019 đã được thành lập. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch tỉnh, Ban tổ chức đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội bảo đảm phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần và đời sống tâm linh của các tầng lớp nhân dân.

Để lễ hội có thể diễn ra một cách thuận lợi và thành công, 8 tiểu ban đã được thành lập với nhiệm vụ giúp việc cho Ban tổ chức lễ hội. Trong đó, tiểu ban nội dung đóng vai trò xây dựng chương trình tổng thể các hoạt động lễ hội. Chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị chuẩn bị nội dung, lực lượng con người, cơ sở vật chất và tổ chức tập luyện theo kịch bản lễ hội giao. Tổ chức các hoạt động phục vụ công tác tuyên truyền trước, trong và sau lễ hội trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài huyện.

Triển khai công tác tuyên truyền trực quan bằng pano, băng rôn, khẩu hiệu,…trên các tuyến đường chính của 2 xã, các đường dẫn vào khu di tích và trong quần thể khu di tích. Kiểm tra, quản lý các hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra tại lễ hội và trên địa bàn xã trước, trong và sau lễ hội… Tiểu ban lễ tân, khánh tiết, hậu cần làm nhiệm vụ lập danh sách đại biểu, in ấn, phát hành giấy mời; xây dựng phương án phân khu, sắp xếp bố trí vị trí đại biểu dự lễ dâng hương.

Lên phương án thiết kế, trang trí khánh tiết và thực hiện công tác lễ tân tại lễ hội. Chủ trì, phối hợp với các bộ phận liên quan đón tiếp khách mời huyện, xã  bạn, các tướng lĩnh, lãnh đạo các bộ, ngành là con em Tổng Mễ đang công tác ở Trung ương và các địa phương khác, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, các chức sắc tôn giáo về dự lễ khai mạc… Việc xây dựng kế hoạch  đảm bảo an ninh trật tự, an toàn các nghi lễ và các hoạt động lễ hội khác, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ. Xây dựng và triển khai phương án phân luồng, phân tuyến đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường vào khu di tích. Bố trí, sắp xếp vị trí đỗ xe của đại biểu và du khách thập phương là nhiệm vụ của tiểu ban an ninh trật tự.

Các làng trong Tổng Mễ tiến hành xây dựng kế hoạch của đơn vị tham gia các hoạt động tại lễ hội theo kế hoạch. Tổ chức trang trí, tuyên truyền cổ động; tuyên truyền sâu rộng vị trí, ý nghĩa về lễ hội trong quần chúng nhân dân tại địa phương. Công tác chuẩn bị nội dung chương trình lễ hội được các tiểu ban, các cơ quan đoàn thể và người dân tích cực triển khai theo sự phân công nhiệm vụ của Ban tổ chức, luôn có sự thống nhất và phối hợp chặt chẽ dù mỗi tiểu ban và các cơ quan đoàn thể có nhiệm vụ khác nhau.

Lễ hội truyền thống Tổng Mễ (Chử Đồng Tử - Tiên Dung) diễn ra mang giá trị văn hoá sâu sắc, nhằm giáo dục truyền thống hiếu thảo, tình cảm nhân văn và lòng nhân ái cho các thế hệ đời sau. Qua lễ hội này góp phần duy trì và phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân và du khách đối với các giá trị di sản văn hóa dân tộc. Câu chuyện về nàng Tiên Dung và chàng Chử Đồng Tử đã trở thành truyền thuyết về tình yêu của hai con người ở hai hoàn cảnh đối lập nhưng họ đã có 1 tình yêu đích thực và bất tử, vượt lên tất cả, không phân biệt ranh giới giàu nghèo để mãi mãi là huyền thoại đẹp vang vọng mãi đến muôn đời sau.  

 

Theo GĐ&PL


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quận 9 (TP. HCM): Quản lí đô thị kiểu "ba rọi"

Thị trường đất quận 9 nóng sốt là nhờ vào đẩt nền phân lô. Tuy nhiên, nhiều khu vực dù không thuộc đất được cấp phép phân lô, nhưng nhờ những "phép màu" nó vẫn được san lấp và rao bán như các sản phẩm chính thống. Thậm chí còn được bao xây dựng thành nhà. Những căn nhà không phép, san lấp vô tội vạ đang diễn ra rầm rộ là nhờ "phép màu" trong công tác quản lý đô thị của UBND quận 9 và dưới dự giám sát "tích cực" của lực lượng Thanh tra Xây dựng địa bàn thuộc Sở Xây dựng TP.HCM