"Lưới" an sinh xã hội ngày càng được củng cố và mở rộng

17/02/2022 07:42

Kinhte&Xahoi Trải qua 27 năm xây dựng và phát triển, ngành BHXH Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, từng bước khẳng định chính sách BHXH, BHYT là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng

Ngày 16/2/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 19-CP thành lập BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động - Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động. Hệ thống BHXH Việt Nam được tổ chức và quản lý tập trung, thống nhất từ cấp Trung ương đến cấp quận, huyện.

Trải qua 27 năm xây dựng và phát triển, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng nỗ lực của tập thể công chức, viên chức toàn ngành qua nhiều thế hệ, ngành BHXH Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, từng bước khẳng định chính sách BHXH, BHYT là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội; Góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển đất nước.

Cụ thể, hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tiếp tục được hoàn thiện, theo hướng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và mở rộng quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách. Số người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tiếp tục tăng qua các năm, số người tham gia BHYT vượt mục tiêu đề ra, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân.

Chất lượng dịch vụ BHXH, BHYT từng bước được cải thiện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện với người tham gia. Việc thực hiện chi trả các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN luôn được triển khai kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Thủ tục hành chính được cải cách triệt để gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia, thụ hưởng.

Số người tham gia BHXH tự nguyện đang tăng dần qua các năm

Trải qua quá trình phát triển, diện bao phủ BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng ngay cả trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Đáng chú ý, số người tham gia BHYT tăng trưởng ấn tượng, cơ bản hoàn thành mục tiêu bao phủ toàn dân; Số người tham gia BHXH tự nguyện đã đạt vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Diện bao phủ BHXH, BHYT đã tập trung vào các nhóm yếu thế.

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, nếu như năm 1995, số người tham gia BHXH bắt buộc mới ở khoảng 2,3 triệu người, thì đến năm 2015, con số này đã tăng lên 12,1 triệu người (gấp 5,3 lần so với năm 1995). Đến năm 2021, số người tham gia BHXH bắt buộc trên cả nước đạt 15,1 triệu người (gấp 1,25 lần so với năm 2015). So với năm 1995, đến nay, số người tham gia BHXH bắt buộc tăng 12,8 triệu người (gấp gần 6,6 lần), bình quân mỗi năm tăng 0,5 triệu người.

Đối với số người tham gia BHXH tự nguyện, năm 2008 là năm đầu tiên triển khai chính sách này, số người tham gia là khoảng 6 nghìn người, đến năm 2015, đã có gần 218 nghìn người tham gia (gấp 36,3 lần so với năm 2008). Năm 2021 đã đạt 1,45 triệu người (gấp 6,65 lần so với năm 2015). So với năm 2008, năm đầu tiên thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, đến nay, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng 1,4 triệu người (gấp 241,7 lần), bình quân mỗi năm tăng trên 100 nghìn người.

Số người tham gia BHYT đã tiệm cận mục tiêu bao phủ toàn dân

 Không chỉ gia tăng số người tham gia BHXH theo từng năm, số người tham gia BHYT cũng không ngừng được tăng lên. Theo đó, năm 1995, cả nước mới có khoảng 7,1 triệu người tham gia BHYT thì đến năm 2015, con số này đã tăng lên 70 triệu người (gấp 9,86 lần so với năm 1995).

Đến năm 2021, con số này đạt 88,8 triệu người (gấp 1,27 lần so với năm 2015), đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số. So với năm 1995, đến nay, số người tham gia BHYT tăng 81,7 triệu người (gấp 12,5 lần), bình quân mỗi năm tăng hơn 3 triệu người.

Tương tự, số người tham gia BHTN cũng tăng từ gần 6 triệu người năm 2009 lên 10,3 triệu người vào năm 2015 (gấp 1,7 lần so với năm 1995); Năm 2021, số người tham gia BHTN đạt 13,4 triệu người (gấp 1,3 lần so với năm 2015). So với năm 2009 - năm đầu tiên chính sách BHTN được áp dụng, đến nay, số người tham gia BHTN tăng 7,41 triệu người (gấp 2,24 lần), bình quân mỗi năm tăng 0,6 triệu người.

Có thể thấy, cùng với 27 năm xây dựng và phát triển của ngành BHXH Việt Nam, diện bao phủ BHXH, BHYT, BHTN tăng trưởng nhanh qua từng năm, số người tham gia BHYT đã tiệm cận mục tiêu bao phủ toàn dân, góp phần mở rộng hiệu quả lưới an sinh xã hội tới mọi người dân, người lao động, củng cố vững chắc nền an sinh xã hội của đất nước.

Quỹ BHXH, BHYT đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất, được quản lý, sử dụng đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch dưới sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam. Tỷ lệ chi từ nguồn Quỹ BHXH ngày càng tăng; Theo đó, tỷ lệ chi từ ngân sách Nhà nước cho BHXH ngày càng giảm, khẳng định quan điểm đúng đắn của Đảng trong việc khuyến khích người dân nâng cao năng lực tự bảo đảm an sinh xã hội.

 Khắc Nam - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sắc xuân tràn ngập phố phường Thủ đô

Hà Nội ngày cuối năm mang lại cho chúng ta thật nhiều cảm xúc. Mong cho ai cũng tìm thấy sắc xuân trong lòng mình tại nơi đây. Và sau tất cả những khó khăn, chúng ta sẽ lại hy vọng về một năm mới mang lại nhiều điều bình an và may mắn đến với mọi nhà.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/luoi-an-sinh-xa-hoi-ngay-cang-duoc-cung-co-va-mo-rong-190005.html