Mỗi cụm dân cư, tổ dân phố là một “pháo đài” chống dịch Covid-19

09/04/2020 15:13

Kinhte&Xahoi Cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19 của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đang bước vào giai đoạn hết sức quan trọng, quyết định sự thành bại. Để đẩy lùi, ngăn chặn dịch bệnh, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, trong đó đặc biệt đề cao ý thức, trách nhiệm mỗi cán bộ, người dân đang sinh sống tại các cụm dân cư, tổ dân phố.

Mỗi người dân là một chiến sĩ trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh

 Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thành phố Hà Nội đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng thời thường xuyên thông báo, kêu gọi các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang sinh sống và làm việc trên địa bàn cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch.

Do đó, sau hơn một tuần thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 31/3/2020 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc cách ly xã hội trong 15 ngày để phòng, chống đại dịch Covid-19, người dân trên toàn thành phố Hà Nội đã thực hiện khá nghiêm túc. Từ các tuyến phố đến đường làng, ngõ xóm đều thưa vắng người qua lạ. Khẩu hiệu “mỗi gia đình là một pháo đài” phòng dịch Covid-19 đã biến thành hành động cụ thể của mỗi người, mỗi nhà.

Tại các cụm dân cư chính quyền đã huy động người dân tham gia dọn vệ sinh môi trường để góp phần sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19

Chị Tô Thị Minh Thư (ở khu đô thị Times City, Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Kể từ ngày thực hiện cách ly xã hội, vợ chồng tôi đều được cơ quan tạo điều kiện làm việc tại nhà. Mỗi sáng thức dậy, cả gia đình tôi cùng nhau tập thể dục, nấu ăn, sau đó bố mẹ làm việc còn các con sẽ học trực tuyến với cô giáo.

Tuy cuộc sống có chút xáo trộn nhưng gia đình tôi vẫn tìm cách để thích nghi. Hằng ngày, thay vì đi chợ mua thức ăn như mọi khi thì tôi vào các trang thương mại điện tử để đặt mua thực phẩm, như vậy vừa tiết kiệm thời gian lại đảm bảo hạn chế tiếp xúc nơi đông người. Cuối ngày, vợ chồng tôi dạy các cháu làm việc nhà. Mặc dù có chút bí bách vì không gian bị bó hẹp nhưng cả gia đình lại có những trải nghiệm đáng nhớ cùng nhau”.

Trong khi đó, anh Vũ Quang Hưng, công nhân tại một xưởng mộc ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) cho biết: Dịch bệnh diễn biến phức tạp, để bảo vệ sức khỏe cho anh em công nhân nên từ cuối tháng 3/2020, chủ xưởng sản xuất đồ gỗ đã cho chúng tôi tạm thời nghỉ việc. Trong lúc khó khăn, lại phải nghỉ việc tạm thời, kinh tế có phần bị ảnh hưởng nhưng vì trách nhiệm của một công dân đối với Tổ quốc, tôi luôn cố gắng vượt qua.

“Được nghỉ việc tạm thời do dịch bệnh bùng phát, hằng ngày tôi ở nhà giúp vợ chăm vườn rau, đàn gà, đôi khi cũng dạy con nhỏ học bài. Mặc dù mọi nhà trong xóm chỉ cách nhau vài bước chân, hằng ngày ra vào nhìn thấy nhau nhưng cũng chỉ dám đứng từ xa để chào hỏi, trò chuyện. Trước kia, tôi hay có thói quen buổi chiều đi làm về là sang hàng xóm chơi vài ván cờ hoặc mấy anh em trong xóm quây quần làm ấm trà rồi kể nhau nghe những câu chuyện. Giờ vì sức khỏe của bản thân và cộng đồng nên ai ở nhà nào sẽ ở yên nhà ấy”, anh Hưng vui vẻ chia sẻ.

Trải qua 9 ngày thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 31/3/2020 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc cách ly xã hội, trên các tuyến phố hay từng cụm dân cư, tổ dân phố của Hà Nội những ngày này đều thưa vắng người qua lại. Lời kêu gọi “mỗi người dân là một pháo đài chống dịch” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biến thành hành động cụ thể từ mỗi người, mỗi nhà.

Chung tay đẩy lùi dịch bệnh

Để có nhận thức tích cực của người dân về cách ly xã hội, ngoài hiệu quả tuyên truyền của các phương tiện thông tin đại chúng còn có sự chung sức, đồng lòng của đội ngũ cán bộ cơ sở. Họ rất nhiệt tình, trách nhiệm; trong đó, nhiều hành động không đúng đã được nhắc nhở, phê bình kịp thời.

Đơn cử như tại thôn 4, xã Đông Dư (Gia Lâm, Hà Nội). Đây là địa phương có đông dân cư sinh sống, trên địa bàn còn có nhiều hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ nhưng khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hộ gia đình không kinh doanh mặt hàng thiết yếu đều thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa hàng.

Tại các trường học, nơi công cộng cũng thường xuyên được dọn vệ sinh môi trường để góp phần sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19

Ông Nguyễn Văn Bản, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn 4, xã Đông Dư cho biết: Những ngày qua, địa phương đã huy động toàn bộ lực lượng đến từng nhà để gặp gỡ và tuyên truyền tới người dân về các phương án phòng chống dịch. Cùng với đó, chúng tôi cũng phối hợp với lực lượng công an xã vừa tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, xe tuyên truyền lưu động vừa kết hợp trên các trang, nhóm Facebook, Zalo để người dân nắm rõ và thực hiện đúng các nguyên tắc về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Xã cũng công khai số điện thoại đường dây nóng của xã và các tổ dân cư để người dân thực hiện giám sát và tự giám sát. Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường trên địa bàn, người dân đều ngay lập tức báo cho chính quyền, nhất là các trường hợp không khai báo khi đi từ vùng dịch trở về, không thực hiện cách ly y tế tại nhà theo quy định…  

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của mỗi người dân, tổ dân phố trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Sáng, tổ trưởng tổ dân phố số 10 (phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: Tổ dân phố đã nhắn tin đến từng hộ gia đình tuân thủ việc ở nhà. Nếu có công việc cần trao đổi thì có thể sử dụng ứng dụng liên lạc trên điện thoại di động. Bên cạnh đó, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm, nhu yếu phẩm cũng được yêu cầu tăng cường hàng hóa, bảo đảm người dân không phải đi xa để mua thực phẩm.

Hay như tại phường Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội), để công tác vận động được thuận lợi, chính quyền địa phương đã thành lập nhóm Zalo của tổ dân phố để người dân có biện pháp phòng tránh cao nhất nhưng cũng không hoang mang, không lo sợ quá mức.

Bà Nguyễn Thị Lan, tổ trưởng tổ dân phố số 19, phường Bồ Đề, quận Long Biên cho biết: “Chúng tôi đã đến từng nhà, rà soát từng đối tượng để lấy thông tin. Trong quá trình làm việc có những thông tin phản hồi lại bày tỏ sự lo sợ nhưng đã được chúng tôi tuyên truyền để phòng tránh tốt nhất, có cơ hội thành công nhất. Nếu hoang mang, lo sợ sẽ tự làm cho mình không phòng chống được tốt. Mỗi một người dân thực hiện tốt và làm tốt công tác vệ sinh cá nhân như: Rửa tay thường xuyên, sát khuẩn, vệ sinh gia đình, làm sạch ngõ phố… tức là đang giữ gìn sự an toàn cho chính bản thân cũng như chính gia đình mình”.

Hà Nội đang là địa bàn có nhiều người nhiễm Covid-19 nhất cả nước nhưng thực tế, hầu hết các ca nhiễm đều có nguồn gốc từ nước ngoài, các khu dân cư vẫn đang được xây dựng thành những “pháo đài phòng chống dịch bệnh”.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và lây lan nhanh trên toàn thế giới cũng như Việt Nam, thì việc thực hiện nghiêm cách ly xã hội và bảo đảm an toàn các biện pháp phòng, chống dịch trong cộng đồng là biện pháp tối ưu để vượt qua giai đoạn có tính bước ngoặt này. Sự chung tay của cộng đồng, trách nhiệm của mỗi người dân, gia đình và cả xã hội sẽ góp phần sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Xua tan những lo lắng để người dân yên tâm khi sống gần các khu cách ly

Để phòng chống dịch Covid – 19, nhiều cơ sở tại địa bàn thành phố Hà Nội đã được lựa chọn để triển khai các khu cách ly tập trung. Điều này không khỏi khiến người dân sinh sống xung quanh khu vực cảm thấy bất an, lo lắng. Tuy nhiên, bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả của chính quyền và lực lượng công an cơ sở, những nỗi lo lắng, bất an ấy đã nhanh chóng nhường chỗ cho sự tin tưởng để mỗi người dân có thể chung tay cùng Chính phủ, cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh.

Link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/moi-cum-dan-cu-to-dan-pho-la-mot-phao-dai-chong-dich-covid-19-d2081911.html