Ngăn chặn tội phạm ''tín dụng đen''

20/07/2021 15:28

Kinhte&Xahoi Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều người rơi vào cảnh túng thiếu, phải đi vay tiền để trang trải cuộc sống. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người vay, một số đối tượng đã thực hiện các hoạt động phạm tội liên quan đến “tín dụng đen” như cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản... Để ngăn chặn loại tội phạm này, các cơ quan chức năng đã, đang vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp triệt phá các đường dây cho vay “tín dụng đen” với lãi suất cao...

Lực lượng chức năng phối hợp với người dân bóc xóa các tờ rơi dán trên tường có nội dung quảng cáo cho vay tài chính.

Cảnh giác với bẫy “tín dụng đen”

Trước đây, khi cần vay một khoản tiền, anh Trần Văn Phú, phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) phải có tài sản để cầm đồ như xe máy, điện thoại… Nhưng nay, việc vay tiền đã dễ dàng hơn, anh chỉ cần có giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân... “Tuy nhiên, lãi suất vay khá cao, nếu vay 10 triệu đồng, tôi phải trả 900.000 đồng (3.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày) tiền lãi mỗi tháng. Nếu không trả lãi thì tiền lãi tự động biến thành tiền gốc”, anh Trần Văn Phú cho biết.

Còn chị Lê Thu Hằng, phường Mộ Lao (quận Hà Đông) cho biết, sau khi vay mượn bạn bè để đầu tư vào cửa hàng ăn nhỏ thì dịch Covid-19 bùng phát khiến chị buộc phải đóng cửa, chấp nhận lỗ vốn. Trong lúc túng thiếu tiền, lại bị giục trả nợ, chị thấy có rất nhiều tờ rơi quảng cáo hỗ trợ tài chính, cho vay không cần thế chấp… nên đã liên hệ để vay tiền. Sau khi đưa căn cước công dân, bằng lái xe gốc, chị được vay 30 triệu đồng. Lúc bị trừ tiền lãi cho tháng đầu tiên vay là 2,7 triệu đồng, chị ngớ người vì quá cao, nhưng thủ tục đã thực hiện xong nên đành phải chấp nhận.

Một nạn nhân khác của đường dây “tín dụng đen” là chị Hà Thị Hằng (ở huyện Thường Tín). Ngày 17-4-2021, chị có vay 2 tỷ đồng với lãi suất 3.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày, yêu cầu thế chấp sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và viết giấy tờ mua bán mảnh đất cho một người tên là Nguyễn Văn Thuận, ở xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì). Tiền lãi trong 2 tháng là 360 triệu đồng. Đến ngày 5-5-2021, chị Hằng tiếp tục vay của Nguyễn Văn Thuận 770 triệu đồng và phải viết giấy nhận tiền đặt cọc cho thuê 2 xe ô tô cùng lãi suất 138 triệu đồng.

Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông, phần lớn nạn nhân của “tín dụng đen” thời gian qua là những người có hoàn cảnh khó khăn hoặc lâm vào cảnh nợ nần do làm ăn thua lỗ. Do quá túng bấn, trong khi thủ tục vay của loại hình này nhanh, không rườm rà nên họ đã sa vào bẫy “tín dụng đen” lúc nào không biết... 

Ngày 19-5-2021, Công an thành phố Hà Nội đã tạm giữ hình sự các đối tượng trong ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen” do Nguyễn Quốc Phong ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (thứ 2 từ trái sang) cầm đầu.

Quyết liệt triệt phá

Cũng theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Quyền, dù bị đe dọa nhưng nhiều người sợ bị trả thù không dám tố giác nên cơ quan công an rất khó có căn cứ để xử lý hình sự đối tượng cho vay nặng lãi. Chỉ khi có người dân bị hành hung, cướp tài sản thì cơ quan chức năng mới có căn cứ xử lý hình sự. Do vậy, cơ quan công an luôn khuyến khích người dân tố giác hành vi cho vay “tín dụng đen” với lãi suất cao.

Để ngăn chặn tội phạm tín dụng đen, Thượng tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Công an huyện Mỹ Đức cho biết, Công an huyện đã tiến hành triệu tập một số nhóm đối tượng cho vay lãi trên địa bàn. Bên cạnh đó, đơn vị đã mở các đợt kiểm tra về hành vi cho vay nặng lãi, kiên quyết triệt phá ổ nhóm đòi nợ thuê...

Còn Thiếu tá Đinh Đức Hạnh, Trưởng Công an phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) cảnh báo, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác với những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm “tín dụng đen”. Công an phường đã phối hợp với UBND phường tổ chức bóc xóa tờ rơi quảng cáo có nội dung cho vay tín dụng để người dân hạn chế tiếp xúc với những thông tin gây bất lợi này.

Theo Đại tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội), thời gian qua, đơn vị đã triệt phá nhiều đường dây cho vay nặng lãi. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, Phòng Cảnh sát hình sự đã phát hiện và triệt phá hơn 2.000 vụ phạm tội về trật tự xã hội, trong đó có nhiều vụ liên quan tới cho vay nặng lãi, tín dụng đen.

“Công an thành phố đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, hạn chế cấp phép đối với các công ty tài chính, cầm đồ... tại địa bàn phức tạp; đồng thời đề xuất phải tăng nặng hình thức xử lý với hành vi cho vay nặng lãi”, Đại tá Nguyễn Bình thông tin.       

Về vấn đề này, theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, lực lượng Cảnh sát hình sự toàn thành phố sẽ tập trung đấu tranh mạnh, triệt phá các hệ, loại tội phạm hình sự, trong đó có tội phạm có tổ chức, có hành vi cho vay “tín dụng đen”, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự và tài sản của người dân.

 Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) khuyến nghị người dân nên tìm đến các tổ chức tín dụng chính thống trong trường hợp cần vay tiêu dùng. Khi thực hiện hồ sơ vay, người dân cần có các hợp đồng vay cụ thể, có xác thực từ phía công ty và người đi vay cũng như cần tìm hiểu đầy đủ các quy định về lãi suất, phạt trả chậm...
 

 Hiệp - Dung - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội chốt phương án thi vào lớp 10

Lịch thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2021-2022 đã được công bố. Các thí sinh gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra vào ngày 12-13/6/2021.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Phap-luat/1006251/ngan-chan-toi-pham-tin-dung-den