Ngày thứ 20 thực hiện cách ly xã hội tại Hà Nội: Xử lý mạnh để chặn đà chủ quan

21/04/2020 20:44

Kinhte&Xahoi Đường phố đông đúc hơn, các cửa hàng kinh doanh hàng không thiết yếu hoạt động công khai hơn, người dân tụ tập nơi công cộng nhiều hơn... Đó là đặc điểm dễ nhận thấy trên địa bàn thành phố Hà Nội trong ngày thứ 20 thực hiện cách ly xã hội. Vi phạm dù được lực lượng chức năng xử lý, song chưa triệt để; ý thức phòng dịch của nhiều người ngày càng “giãn biên độ”... Thực tế này cho thấy phải tiếp tục có giải pháp mạnh hơn nữa để chặn đà chủ quan của người dân.

Ngoại thành tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại khu vực ngoại thành ngày 20-4 cho thấy, các vi phạm đang được tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh. Các chốt kiểm soát y tế tại huyện Phúc Thọ, huyện Thanh Trì tiếp tục duy trì hoạt động. Công tác thông tin tuyên truyền phòng, chống dịch tiếp tục được thực hiện tốt ở huyện Đan Phượng.

Những vi phạm Báo Hànộimới phản ánh ngày 19-4 đã được các lực lượng chức năng vào cuộc xử lý. Tại thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức), Trung tá Dương Ngọc Trai, Trưởng Công an thị trấn cho biết: Những vi phạm báo phản ánh thuộc địa bàn xã Tân Lập (huyện Đan Phượng, giáp ranh thị trấn Trạm Trôi), Công an thị trấn đã phối hợp với xã Tân Lập để xử lý. Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh (huyện Hoài Đức) Nguyễn Đăng Lợi cho biết: Sau khi tiếp nhận thông tin Báo Hànộimới phản ánh ngày 19-4, ngay sáng 20-4, xã đã cử lực lượng chức năng đến nhắc nhở và các hộ kinh doanh đã đóng cửa, cam kết không tái phạm.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình vi phạm có dấu hiệu tăng lên. Địa bàn huyện Đông Anh, tại các khu vực tổ 3, tổ 7, thị trấn Đông Anh vẫn còn khá nhiều cửa hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu như: Cửa hàng ở số nhà 199, tổ dân phố số 3; số nhà 131 (tổ dân phố số 7), Nội thất Thúy Thành (thị trấn Đông Anh)... 

Đáng chú ý tại huyện Mê Linh, Công an huyện đã xử lý 1 trường hợp ở thị trấn Chi Đông tung tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch Covid-19; xử phạt 1 trường hợp trốn khỏi nơi cách ly tại thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh). Tình trạng vi phạm có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Một số người dân thôn Hạ Lôi ra đồng chăm sóc hoa và ra đường dạo bộ. Tại thôn Thường Lệ, xã Đại Thịnh, nhiều người mở cửa bán hàng. Tại chợ rau xã Tiền Phong, dù vị trí chỗ ngồi đã được kẻ, nhưng người dân không tuân thủ...

Trong khi đó ở huyện Chương Mỹ, tại chợ xã Đông Phương Yên, lực lượng chức năng yêu cầu các hộ kinh doanh giữ khoảng cách phòng dịch. Còn tại thị trấn Chúc Sơn có tình trạng người dân bán hàng rong ở lòng, lề đường; nhiều cửa hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu vẫn mở cửa. Tương tự, trên nhiều tuyến phố và ngay cạnh trụ sở Công an thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai) có một số cửa hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu hoạt động.

Tại huyện Thạch Thất, nhiều cửa hàng bán vật liệu xây dựng, trung tâm điện máy trên đường Bình Phú mở cửa trở lại; tình trạng này cũng lặp lại ở thị trấn Liên Quan... Tại huyện Gia Lâm, vi phạm vẫn diễn ra ở một số tuyến đường chính, như: Cửa hàng kinh doanh cây ăn quả và cây công trình của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hay cửa hàng kinh doanh gạch lát trên đường Ngô Xuân Quảng.

Nội thành - nhiều cửa hàng hoạt động công khai

Ghi nhận của phóng viên tại khu vực nội thành cho thấy, lượng người ra đường trong ngày đầu tuần 20-4 rất đông; đặc biệt là tại một số nút giao thông như cầu vượt Ngã Tư Sở, ngã ba Hồ Đắc Di - Tây Sơn, Thanh Niên, Yên Phụ, Quán Thánh… Trong khi đó, số cửa hàng kinh doanh hàng không thiết yếu hoạt động có phần công khai hơn những ngày trước. Trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, khá nhiều vi phạm diễn ra, như: Cửa hàng từ số nhà 14 đến 16 (đường Cầu Noi); cửa hàng sơn, gạch ốp lát tại số 8, số 10 (đường Thụy Phương). Trên đường Tân Xuân có các cửa hàng tại số 111, số 93, khu tập thể 361 Tân Xuân, số 83...; sân Nhà Văn hóa tổ dân phố Viên 5, số 97, 280 đường Cổ Nhuế.

Tại quận Tây Hồ, khu vực đường Võ Chí Công vẫn còn hộ kinh doanh vật liệu xây dựng và rửa xe (thuộc tổ dân phố số 5 phường Xuân La). Đầu phố Xuân La giao với đường Lạc Long Quân có một dãy cửa hàng rửa xe, bán vật tư nước, từ số nhà 15 đến số nhà 17… Địa bàn quận Cầu Giấy, ngay dưới gầm cầu vượt Mai Dịch, hơn chục người làm nghề tự do đứng chờ người thuê làm việc. Chợ “cóc” ở ngõ 100 Trung Kính; nhiều cửa hàng ở đường Nguyễn Khang... trên địa bàn phường Yên Hòa hoạt động.

Tại quận Hà Đông, dọc đường Quang Trung, cửa hàng số 147, số 78 (Báo Hànộimới phản ánh ngày 19-4), đã đóng cửa vào sáng 20-4. Tuy nhiên, các địa chỉ: 241, 243 và 245 ở phố này vẫn bán hàng; chợ "cóc" trên vỉa hè đường Lê Trọng Tấn tiếp tục hoạt động. Trong khi đó, tại quận Thanh Xuân, chợ Thượng Đình (phường Thượng Đình), người đi chợ không giữ khoảng cách; ngay lối vào chợ có tới 4 quầy bán vàng mã mở cửa. Vỉa hè phố Chính Kinh nhiều người bày hàng bán; một số người đi chợ không đeo khẩu trang...

Tại quận Long Biên, nhiều cửa hàng ở các tuyến phố Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Ngọc Lâm, Đức Giang, Nguyễn Sơn... Khu vực Bến xe Gia Lâm, hồ công viên gần bến xe có nhiều người tụ tập, không đeo khẩu trang. Trên đường Cổ Linh, Trâu Quỳ, một số cửa hàng kinh doanh thời trang, sửa chữa xe máy… mở cửa trở lại. Trên địa bàn quận Đống Đa, cửa hàng áo cưới Ely Wedding (26 đường Láng) và cửa hàng thiết kế quảng cáo (524 đường Láng) vẫn mở cửa.

Quận Hoàng Mai, cửa hàng điện thoại ở ngã tư Trương Định - Kim Đồng, 96 Tân Mai mở cửa. Quận Hai Bà Trưng, cửa hàng ở số 9, 66, 70 Lạc Trung, 170 Hồng Mai, 135 Trương Định vẫn “nửa đóng, nửa mở”. Trên vỉa hè phố Tân Lập (góc giao ngã tư với ngõ Quỳnh), có một nhóm thanh niên ngồi tán gẫu, không đeo khẩu trang…

Về việc đi tập thể dục, ở đường Thanh Niên thuộc phường Trúc Bạch (Ba Đình) và phường Yên Phụ (Tây Hồ); hồ Giảng Võ (phường Giảng Võ, Ba Đình), lực lượng chức năng cắm chốt từ sớm nên không còn hiện tượng tập thể dục, câu cá và tập trung vui chơi. Nhưng tại phố Trấn Vũ (phường Trúc Bạch), người dân vẫn đi tập thể dục. Đường Văn Cao (phường Liễu Giai), đường Yên Phụ (phường Nguyễn Trung Trực); hay trên cầu Long Biên và tại khu vực bãi giữa sông Hồng vẫn có người đi tập thể dục. Còn tại “điểm nóng” đường dạo ven hồ Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai), dù lực lượng chức năng thường xuyên nhắc nhở nhưng chiều 20-4 vẫn có người đi tập thể dục.

Tiếp tục xử lý nghiêm

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vi phạm quy định cách ly xã hội trên địa bàn, lãnh đạo các địa phương đều khẳng định sẽ xử lý nghiêm. Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, huyện đã yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân chấp hành và sẽ tiếp tục xử lý nghiêm các vi phạm trên địa bàn.

Về vi phạm tại chợ  "cóc" trên vỉa hè đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Chủ tịch UBND phường Dương Nội Lã Quang Thức cho biết: Sau khi tiếp nhận phản ánh của phóng viên, phường sẽ xử lý nghiêm những trường hợp cố tình họp chợ trên vỉa hè, tụ tập đông người.

Chủ tịch UBND phường Láng Hạ (quận Đống Đa) Vũ Hồng Sơn cũng cho biết: “Ngay khi nhận được phản ánh của Báo Hànộimới về những vi phạm trên đường Láng, UBND phường đã giao lực lượng chức năng xử lý. Chúng tôi sẽ thông tin ngay khi có kết quả”.

Còn theo Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm) Nguyễn Ngọc Quang, các điểm vi phạm như phóng viên cung cấp, 12h ngày 20-4, UBND phường đã kiểm tra và nhắc nhở, nếu tái phạm, phường sẽ báo cáo UBND quận Bắc Từ Liêm xử phạt với mức có thể lên đến 10 triệu đồng/trường hợp.

Thừa nhận những vi phạm tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân) Trần Phan Mỹ khẳng định, phường đã lập 5 tổ chốt trực tại Khu đô thị Royal City và các chợ. Tuy nhiên, khi vắng bóng lực lượng chức năng, vi phạm lại tái diễn; những ngày tới phường sẽ kiên quyết xử lý các vi phạm.

Liên quan đến vi phạm trên địa bàn quận Long Biên, Phó Chủ  tịch UBND phường Ngọc Lâm Trần Hồng Việt cho biết, UBND phường sẽ tăng cường kiểm tra, ngăn chặn người dân tập trung và tập thể dục tại 3 điểm: Vườn hoa Ngọc Lâm, Vườn hoa Dốc Cẩm, khu vực hồ Tai Châu. Còn Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy Nguyễn Quốc Văn cũng thông tin, hằng ngày tổ công tác của phường kiểm tra khu vực cầu Long Biên, Vườn hoa Bắc Long Biên để tiếp tục chấn chỉnh các hoạt động tập trung đông người...

Thực trạng vi phạm “xôi đỗ” trên cho thấy, ở đâu chính quyền cơ sở quyết liệt, ở đó có chuyển biến. Do đó, không buông lỏng việc thực hiện cách ly xã hội, chủ động, kiên quyết xử lý vi phạm là yêu cầu đặt ra đối với chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng để bảo toàn những kết quả trong phòng, chống dịch mà cả cộng đồng đã nỗ lực thực hiện trong suốt 20 ngày qua.

Xử phạt 9.842 trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19

Tính đến 17h ngày 20-4, báo cáo của 30 quận, huyện, thị xã từ ngày 1-4 đến nay cho thấy, các địa phương đã xử phạt tổng cộng 9.842 trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Địa phương có số trường hợp xử phạt cao là: Đống Đa (1.245 trường hợp), Hai Bà Trưng (652 trường hợp), Hà Đông (592 trường hợp), Thanh Trì (566 trường hợp), Đan Phượng (480 trường hợp), Phúc Thọ (258 trường hợp)… Các lỗi vi phạm chủ yếu bị xử phạt gồm: Không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, ra ngoài đường không có lý do cấp thiết, hoạt động sản xuất kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu… 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Xây dựng mô hình cụm dân cư an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19

Với mục tiêu “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch”, huyện Đông Anh (TP Hà Nội) đã chủ động xây dựng mô hình “cụm dân cư an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19”, đáp ứng đầy đủ các nội dung trong phòng chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ khi Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Link bài gốc http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/965187/ngay-thu-20-thuc-hien-cach-ly-xa-hoi-tai-ha-noi-xu-ly-manh-de-chan-da-chu-quan?fbclid=IwAR1MKgOIUTHOFoD1cWhNQ7chpkJpnZ4EfYbX3ARef4mnkiTpqKzwIARFunI