Nghệ An: Cần xử lý nghiêm việc lợi dụng dự án làm thâm hụt ngân sách

30/07/2018 16:25

Kinhte&Xahoi Theo Kết luận thanh tra của UBND tỉnh Nghệ An, dự án ngăn mặn 80 tỷ đồng ở xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc bị phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng, gây thâm hụt ngân sách nhà nước.

Chúng tôi đã đưa tin về những vấn đề sai phạm nghiêm trọng ở dự án đầu tư công: “Nâng cấp trạm bơm và hệ thống kênh nội đồng xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc” với tổng mức đầu tư 80 tỷ ở tỉnh Nghệ An.

Công trình tại Dự án ngăn mặn, chống hạn xã Nghi Vạn được kết luận sai “toàn diện”.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “phù phép” đội vốn đầu tư lên hơn 45% vô tội vạ

Không biết có vì mục đích nào phía sau hay không mà chỉ trong ngày 06/5/2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An (Sở NN&PTNN) đã thực hiện một khối lượng công việc phi thường: nhận văn bản báo cáo đề xuất đầu tư của Ủy ban nhân dân huyện Nghi Lộc (UBND Nghi Lộc) vừa kiểm tra xem xét dự án và làm luôn văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An về việc bố trí nguồn vốn đầu tư. Sự đặc biệt không dừng lại ở khả năng hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ trong một ngày.

Cũng trong ngày đó, không biết dựa trên căn cứ thực tế, cơ sở pháp lý nào mà Sở NN&PTNT Nghệ An đã nâng tổng mức đầu tư dự án từ mức đề xuất của UBND Nghi Lộc từ 55 tỷ lên 80 tỷ đồng trong khi quy mô dự án, các hạng mục đầu tư không thay đổi như chỉ rõ trong Kết luận thanh tra ngày 25/01/2018. Tổng mức đầu tư từ ngân sách tăng lên hơn 45% nhanh như chớp. 25 tỷ đồng vốn ngân sách đã được đề xuất tăng thêm vô tội vạ, không cần trao đổi lại với đơn vị lập báo cáo đề xuất đầu tư?.

Kết luận thanh tra số 43/KL-UBND của UBND tỉnh Nghệ An.

Căn cứ vào Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV cũng như Quyết định số 44/2015/QĐ-UBND Nghệ An về chức năng nhiệm vụ của Sở NN&PTNT Nghệ An thì không rõ Sở có thực hiện chức năng kiểm tra, hướng dẫn các công tác về thủy lợi, vận hành công trình, cơ sở hạ tầng ở địa phương hay không mà hồn nhiên nâng mức đầu tư dự án lên như vậy?. Là cơ quan tham mưu và quản lý việc đầu tư, xây dựng các công trình chuyên ngành ở địa phương nhưng lại có dấu hiệu vi phạm các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trong giai đoạn thực hiện đầu tư, với tư cách là đơn vị thẩm định việc khảo sát, thiết kế và lập dự toán của nhà thầu, Sở NN&PTNT cũng đã để xảy ra nhiều sai phạm như Kết luận thanh tra (KLTT) đã chỉ rõ. Ví dụ như “Dự án thi công mới hoàn toàn nhưng lập chi phí thiết kế theo đơn giá cải tạo, sửa chữa làm đội chi phí thiết kế”, “Công tác đắp đất nền đường thiết kế biện pháp thi công bằng thủ công và đầm cóc không phù hợp, phải thiết kế biện pháp thi công bằng máy”, “Khối lượng đất đào móng kênh chủ yếu là đất cấp 1 nhưng thiết kế xác định sai thành đất cấp 2” v.v.... Các sai phạm này mà bản Kết luận thanh tra chỉ ra cho thấy Sở đã thực hiện nhiệm vụ thẩm định như thế nào? Tổng số sai phạm trong các tác lập biện pháp thi công không phù hợp thực tế và lập dự toán sai quy định về chi phí thiết kế, lập dự toán số tiền là 9,215,386,000 đồng (trích KLTT).

Không rõ việc thẩm định của Sở NN&PTNT có tuân thủ các quy định trong Thông tư số 18/2016/TT-BXD hay không mà để xảy ra những sai sót nghiêm trọng như vậy?

Về trách nhiệm UBND huyện Nghi Lộc?

Với tư cách là chủ đầu tư dự án, UBND Nghi Lộc đã để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình thi công cũng như nghiệm thu và tạm ứng thanh toán cho nhà thầu xây lắp. Theo quy định về tạm ứng hợp đồng xây dựng tại Điểm 5, Khoản 4, Điều 18 Nghị định 37/2015/NĐ-CP, tại điểm 3, Điều 8 Thông tư 08/2016/TT-BTC quy định mức tạm ứng tối thiểu và tối đa không vượt quá 50% (có ngoại lệ vượt mức này). Đối với trường hợp “các bên thỏa thuận tạm ứng ở mức cao hơn mức tạm ứng tối thiểu nêu tại Điểm a, b, c Khoản này, thì phần giá trị hợp đồng tương ứng với mức tạm ứng hợp đồng vượt mức tạm ứng tối thiểu sẽ không được điều chỉnh giá kể từ thời điểm tạm ứng”.

Một hạng mục công trình Dự án ngăn mặn, chống hạn tại xã Nghi Vạn.

Không rõ hợp đồng với nhà thầu như thế nào nhưng cho đến thời điểm này, nhà thầu xây lắp đã được tạm ứng tới 35 tỷ trong khi tổng giá trị khối lượng đủ cơ sở nghiệm thu chỉ hơn 12 tỷ và khối lượng chưa đủ cơ sở để nghiệm thu ước tính trên dưới 05 tỷ. Như vậy, cho đến thời điểm này, số tiền ước tính vượt khối lượng cho nhà thầu là 18 tỷ. Dư luận đặt ra câu hỏi không hiểu chủ đầu tư dựa trên cơ sở nào mà ưu ái cho nhà thầu như vậy và cũng không biết số tiền đó giờ nằm ở phương nào?. Và cho đến thời điểm này, để thu hồi lại số tiền đã tạm ứng cho nhà thầu theo như KLTT đã thực hiện được chưa khi mà chủ đầu tư lại có động thái như việc dân gian hay nói là “thả gà ra đuổi”.

Vấn đề không chỉ nằm ở thanh toán mà năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cũng như chất lượng công trình đều không đảm bảo như KLTT đã chỉ ra: “Toàn bộ tuyến kênh đã thi công không thi công thanh thép gia cường góc kênh, không thi công thanh thép đai khớp nối và chân đanh”, “Không thi công chân đanh”. Mặc dù đoàn thanh tra không thực hiện phá dỡ bê tông để kiểm tra công tác thi công thép nhưng bằng mắt thường thì cũng đã phát hiện ra nhiều sai phạm mà trên đây chỉ là vài ví dụ. Liệu chủ đầu tư đã thực hiện đúng các quyền của mình như quy định tại Luật Xây dựng cũng như Nghị định số 59/2015/NĐ-CP hay chưa?

Đó là chưa bàn tới việc có vô tình hay không khi sự gian dối của nhà thầu về hồ sơ năng lực, kinh nghiệm mà không được phát hiện, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Đấu thầu.

Sai phạm liệu có quá nhỏ hay không?

Bên cạnh tỷ lệ phần trăm đội vốn quá cao so với đề xuất, khi đặt trong các tương quan khác mới thấy con số đó thật khủng khiếp.

Trong cuộc họp báo chiều ngày 04/10/2017 do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức, ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết trong năm 2016, 2017 lực lượng bảo vệ rừng chưa có được đồng nào ngân sách, mới đây chỉ tạm ứng được 2,3 tỷ đồng để lo tiền ăn cho anh em cán bộ (Theo Báo Lao động Nghệ An). Cũng xin lưu ý rằng, lực lượng bảo vệ rừng này thuộc sự quản lý của Sở NN&PTNT Nghệ An. 

Trong nhiều năm nay, Nghệ An cũng là một trong những địa phương nhận “trợ cấp” từ ngân sách Trung ương nhiều nhất. Theo số liệu quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013, Nghệ An đã nhận từ ngân sách Trung ương là hơn 10.939 tỷ đồng (hơn mười ngàn chín trăm ba mươi chín tỷ đồng). Trong khi giai đoạn 2011-2015, tổng thu ngân sách Nhà nước không đủ bảo đảm nguồn chi thường xuyên và trả nợ. Toàn bộ chi đầu tư đều phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ. Nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn. Bộ Tài chính đã phải lên kế hoạch đi vay hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Không ai có thể phủ nhận được sự cần thiết của dự án này nhưng trong bối cảnh địa phương và trung ương đang rất khó khăn mà vẫn vung tiền tỷ như vậy thì không thể không đặt hàng loạt câu hỏi. Xuất phát từ một chủ trương đầu tư đúng đắn nhưng việc tổ chức thực hiện đã có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật từ khâu chuẩn bị đầu tư cho đến thực hiện dự án và cũng để lại nhiều hậu quả khó mà khắc phục từ chất lượng công trình cho đến việc thu hồi nguồn vốn đã ứng cho các nhà thầu. Và hơn thế nữa là làm sứt mẻ niềm tin của nhân dân đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước mà không dễ gì bù đắp được.

Thiết nghĩ, trên cơ sở Kết luận thanh tra, Đảng ủy cũng như chính quyền địa phương tỉnh Nghệ An cần sớm làm rõ trách nhiệm của mỗi cá nhân nhằm đảm bảo Điều lệ Đảng, Quy định số: 102-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xử lý kỷ luật Đảng viên, Hướng dẫn số: 04-HD/UBKTTW của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, các văn bản liên quan cũng như Luật Cán bộ Công chức, Nghị định 34/2011/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đi vào cuộc sống.

Việc xử lý nghiêm minh các cá nhân sai phạm sẽ đảm bảo sự nghiêm và minh của Kỷ luật Đảng cũng như Pháp luật của Nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân đối với chủ trương, đường lối, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

VIDEO: Cuộc vây ráp hai trùm ma túy ở Lóng Luông

Gần hai ngày bao vây 'đại bản doanh' của đường dây mua bán ma túy, cảnh sát đã tiêu diệt hai tên trùm, thu nhiều súng, lựu đạn cùng 415 viên đạn các loại.. Theo giadinhvaphapluat.vn