Nghỉ việc vẫn được trả lương nhưng cần sẻ chia với doanh nghiệp

23/03/2020 11:52

Kinhte&Xahoi Bạn đọc hỏi: Tôi là công nhân. Gần đây, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid nên công việc của tôi phập phù, ngày làm, ngày nghỉ. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì tôi rất dễ phải nghỉ việc trong một thời gian. Xin hỏi luật sư, tôi có được hưởng lương hay trợ cấp của công ty không, trong thời gian không có việc làm? Vương Thị Tưởng (Hưng Yên)

Với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, bất đắc dĩ người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm nghỉ việc

Luật sư Đặng Văn Sơn trả lời: 

Hiện nay, tinh hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra rất phức tạp, không những trong nước mà còn trên toàn cầu. Ảnh hưởng của dịch bệnh tác động không nhỏ đến đời sống của người dân, hoạt động của các cơ quan và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho người lao động cũng như toàn thể cộng đồng, mặc dù các cơ quan, doanh nghiệp rất khó khăn nhưng họ không còn cách nào khác khi phải cho người lao động tạm nghỉ việc trong một thời gian nhất định. Khi người lao động phải tạm nghỉ việc thì tùy theo từng trường hợp cụ thể mà người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận với nhau theo quy định sau.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 3, Điều 98 - Bộ luật Lao động năm 2012 thể hiện: “Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định”. Như vậy trường hợp người lao động phải nghỉ việc trong một thời gian vì dịch bệnh Covid -19 (dịch bệnh nguy hiểm) thì người lao động sẽ vẫn được trả tiền lương ngừng việc trong thời gian nghỉ đó.

Cũng theo quy định nêu trên, tiền lương ngừng việc sẽ do người lao động và công ty tự thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Trong khi đó hiện nay, mức lương tối thiểu vùng được chia thành 4 mức, gồm: 4.420.000 đồng; 3.920.000 đồng; 3.430.000 đồng và 3.070.000 đồng trên 1 tháng tương ứng từng vùng I, II, III, IV (quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động).

Theo chúng tôi, với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay và để đảm bảo an toàn cho chính mình cũng như cộng đồng thì việc người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm nghỉ việc cũng là trường hợp bất đắc dĩ. Việc cho người lao động nghỉ việc sẽ kéo theo rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Và quy định của pháp luật về lao động, việc làm cũng khá linh hoạt. Do vậy, người lao động cũng cần có sự sẻ chia với doanh nghiệp, người sử dụng lao động để cùng nhau gánh vác, tháo gỡ khó khăn tránh xảy ra những tranh chấp không đáng có.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cảm xúc của người dân Hà Nội khi lần đầu thử buồng khử khuẩn toàn thân

Hơn một tuần trôi qua, kể từ khi Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường kết hợp với Trường ĐH Bách Khoa thử nghiệm buồng khử khuẩn toàn thân. Nhiều người dân Hà Nội đến dùng thử và tỏ ra an tâm hơn trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Mô hình buồng khử khuẩn này hiện đang trong quá trình thử nghiệm và sẽ được nhân rộng thời gian tới.

Link bài gốc https://anninhthudo.vn/doi-song/nghi-viec-van-duoc-tra-luong-nhung-can-se-chia-voi-doanh-nghiep/847677.antd