Nghịch lý từ suất ăn thiện tâm thời Covid-19: Giàu hóa nghèo, nghèo hóa ra lại... 'giàu'?

09/04/2020 14:51

Kinhte&Xahoi Trong những ngày giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19, người ta có niềm tin ở sự tử tế, với những điểm phát suất ăn, nhu yếu phẩm miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn. Vậy nhưng, việc làm tử tế đó lại bị đáp lại bằng không ít sự xấu xí, của những người không nghèo khó nhưng vẫn sẵn sàng "xí chỗ, tranh phần" của người nghèo. Vậy là hóa ra: Người giàu mà vẫn "nghèo" nhân cách, người nghèo mà "giàu" nhân cách, là chuyện có thật!

Khi mà dịch vụ, cửa hàng, quán xá tạm thời đóng cửa để đảm bảo giãn cách xã hội trong thời gian phòng chống Covid-19, thì đây cũng là khoảng thời gian mà người nghèo gặp khó khăn.

Không chỉ khó kiếm tiền, họ cũng là tầng lớp bất lợi khi không được tiếp cận những suất ăn bình dân quen thuộc. Việc đi chợ để mua đồ về nấu nướng - với không ít lao động tự do có cuộc sống tạm bợ, bấp bênh - là cả một vấn đề.

Điểm phát quà từ thiện để hỗ trợ người khó khăn tại phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội)

Trong cơn bĩ cực, những tấm lòng từ thiện đã lại tỏa sáng đúng lúc, với các chương trình phát suất ăn miễn phí, tặng nhu yếu phẩm cho người nghèo. Ở bất kỳ điểm thiện nguyện nào, người ta cũng thấy tấm biển ấm tình người: "Nếu khó khăn, xin lấy 1 gói mỗi ngày".

Nhưng...

Cũng ở những địa điểm ấm tình người đó, một dòng chữ nhỏ hơn nằm lặng phía dưới: "Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác". Tại sao vậy? Vì hơn ai hết, chính những người làm từ thiện hiểu được mặt trái mà họ phải đối mặt trong công việc ý nghĩa này.

Đó là sẽ có những người không thực sự khó khăn, những người có điều kiện kinh tế ổn là đằng khác, vẫn... đến lấy quà từ thiện.  Đây thực sự là nét vẽ xấu xí trên bức tranh đẹp đẽ, vốn đậm sự tử tế của tình người.

Băng-rôn mời gọi người khó khăn tới nhận đồ tặng, và đề nghị "người ổn" nhường cho người khác

Những ngày qua, báo chí đã đăng tải hình ảnh không ít người đi xe máy tay ga, ăn vận trang phục thể hiện rằng họ không thuộc tầng lớp nghèo khó trong xã hội, tới các điểm phát quà từ thiện để nhận. Thậm chí, có những người sống tại các khu chung cư, cửa hàng gần điểm phát, ai cũng biết họ không hề khó khăn, nhưng khi họ đi tập thể dục ngang qua, tiện thì cũng tạt vào... lấy một suất đồ ăn.

Lời giải thích mà những người "có vẻ không nghèo" vẫn tới nhận đồ dành cho người nghèo là... họ lấy hộ hàng xóm khó khăn (?!). Sao bỗng dưng những người hàng xóm lại được quan tâm đến vậy? Dù khó chấp nhận, nhưng người phát đồ từ thiện chẳng thể chối từ, bởi chẳng có một "quy định" cụ thể nào để phân biệt ai được nhận, ai không.

Hình ảnh đăng trên báo điện tử VOV phản ánh tình trạng những người "không trông nghèo khổ" tới nhận quà từ thiện

Những sự việc kể trên hoàn toàn tương tự câu chuyện chướng mắt từng được chia sẻ trong quá khứ: Quán cơm từ thiện dành cho người nghèo đã phải "tiếp đón" những vị khách đi xe máy đắt tiền, không có dáng vẻ nghèo khổ, tới dùng bữa. Thậm chí, có người còn gửi xe cách đó một đoạn để đi bộ vào ăn...

Nhìn những cảnh đó, chúng ta phải tự hỏi liệu họ có thấy xấu hổ, có thấy tự vấn lương tâm, thấy ngượng ngùng với hành động không đẹp của bản thân hay không? Hỏi chỉ để hỏi thôi, bởi nếu câu trả lời là "Có", chắc họ đã không làm điều đó.

Có ai từng đặt câu hỏi, tại sao những quán cơm từ thiện lại đặt ra "quy định" là "quán cơm 2.000 đồng", "quán cơm 5.000 đồng" chưa? Vì sao họ không tặng miễn phí, mà lại thu tiền lẻ như vậy? Điều này xuất phát từ tư duy tử tế, khi người làm thiện nguyện không muốn người nghèo khó bị mặc cảm, nhận đồ miễn phí hoàn toàn, mà vẫn tạo cơ hội để người được nhận trả tiền, để tâm lý luôn thoải mái.

Không có thước đo nào đánh giá "mức độ nghèo khổ" làm điều kiện để nhận quà từ thiện. Do vậy, tất cả đều nằm ở ý thức của mỗi người. Trong ảnh: Một người lao động tự do được nhận món quà ý nghĩa

Cả người cho - người nhận đều hướng tới giá trị tử tế, tự trọng là vậy, mà vẫn có những người không nghèo khó tới "tranh phần" thì thật đáng xấu hổ! Cần nhớ rằng, số lượng suất ăn, suất quà tặng là hữu hạn, nếu một người không xứng đáng nhận lấy thì một người nghèo khác sẽ bị tước đi cơ hội.

Khi nói tới những điều này, tôi lại nhớ một người bạn làm từ thiện kể câu chuyện khó quên từng gặp. Lúc đang thực hiện chương trình tặng suất ăn miễn phí cho người nghèo, anh bắt gặp một cậu bé đánh giày ngập ngừng, đứng rất lâu ở hàng cây cách đó một đoạn. Khi bắt chuyện, hỏi han, anh được cậu bé kể rằng, ngày hôm đó, cậu bé đã kiếm được 100 nghìn đồng từ công việc đánh giày. Do vậy, cậu vô cùng băn khoăn, không biết liệu bản thân có "đủ điều kiện" để được nhận suất ăn từ thiện hay không...

Vậy đấy! Nếu như ai đó sẵn sàng chìa tay lấy suất quà từ thiện khi bản thân không thực sự khó khăn, sẵn sàng tranh phần với những người nghèo khó, mà không cảm thấy bất kỳ sự gờn gợn nào trong suy nghĩ, thì họ "xứng đáng" được chứng nhận "nghèo", kiểu "nghèo nhân cách".

Xem ra, dịch Covid-19 còn tạo ra một nghịch lý: Có kẻ "giàu" hóa "nghèo"; Có người nghèo có thể lại "giàu" theo kiểu của họ, kiểu "giàu nhân cách"!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Xua tan những lo lắng để người dân yên tâm khi sống gần các khu cách ly

Để phòng chống dịch Covid – 19, nhiều cơ sở tại địa bàn thành phố Hà Nội đã được lựa chọn để triển khai các khu cách ly tập trung. Điều này không khỏi khiến người dân sinh sống xung quanh khu vực cảm thấy bất an, lo lắng. Tuy nhiên, bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả của chính quyền và lực lượng công an cơ sở, những nỗi lo lắng, bất an ấy đã nhanh chóng nhường chỗ cho sự tin tưởng để mỗi người dân có thể chung tay cùng Chính phủ, cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh.

Link bài gốc https://anninhthudo.vn/doi-song/nghich-ly-tu-suat-an-thien-tam-thoi-covid19-giau-hoa-ngheo-ngheo-hoa-ra-lai-giau/849886.antd?fbclid=IwAR2wBnpsGbbK5cPR1hCcFNlQJclukh1X3GcfvK3cPItpmuFrEPwl-a3LIpQ