Người dân cần lưu ý những gì khi về quê ăn Tết

20/01/2022 10:00

Kinhte&Xahoi Thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhiều người dân thấp thỏm, lo âu về những quy định của các địa phương đối với người dân về quê ăn Tết. Do đó, người dân cần phải tìm hiểu kỹ các quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19, yêu cầu cách ly, xét nghiệm của địa phương.

Quy định phòng, chống dịch mỗi nơi một kiểu

 Thời điểm Tết Nguyên đán năm 2022 cận kề là lúc rất nhiều người dân đang làm ăn, sinh sống tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM… chuẩn bị về quê ăn Tết. Tuy nhiên, hiện tại tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên mỗi địa phương có quy định phòng, chống dịch riêng, khiến cho nhiều người dân không khỏi băn khoăn, lo lắng.

Mới đây, ngày 18/1, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành văn bản số 243/UBND-VX về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và triển khai điều trị F0 tại nhà.

Theo đó, tỉnh Lào Cai khuyến khích người dân từ tỉnh ngoài về quê ăn Tết Nguyên đán tại địa phương chủ động khai báo y tế, tự thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo và tổ chức thực hiện rà soát tới tất cả các hộ gia đình trên địa bàn để nắm được số lượng người thân từ ngoại tỉnh về nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn quản lý.

Cùng ngày, Sở Y tế Hà Tĩnh cũng có Văn bản số 5269 hướng dẫn áp dụng các biện pháp phòng dịch đối với công dân đến, về trên địa bàn. Theo đó, đối với công dân trở về địa phương từ địa bàn có dịch cấp độ 3, cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế.

Người dân nên xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi về quê để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và những người trong gia đình

Cụ thể, đối với những người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 thì vận động người dân cam kết cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày về địa phương và nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K… Trong thời gian cách ly, theo dõi tại nhà, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định.

Những người tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng COVID-19, thực hiện cách ly 7 ngày tại nhà, nơi lưu trú kể từ ngày về. Những người chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19 sẽ phải cách ly 14 ngày (cách ly tập trung hoặc tại nhà, nơi lưu trú nếu đủ điều kiện cách ly tại nhà). Đối với người đến, về địa phương từ địa bàn cấp độ 2, cấp độ 1, thực hiện nghiêm khai báo y tế theo quy định.

Còn tại tỉnh Lạng Sơn quy định những trường hợp trở về từ vùng cam, vùng đỏ phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên vào ngày thứ nhất. Tỉnh buộc cách ly y tế đối với người đến, về địa phương từ địa bàn có dịch nguy cơ cao, nguy cơ rất cao hoặc vùng cách ly y tế.

Đặc biệt, công nhân từ các khu công nghiệp trở về Lạng Sơn phải thực hiện test nhanh tại các chốt kiểm soát hoặc có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực để trình cơ quan kiểm soát; Đồng thời đến Trạm Y tế địa phương để thực hiện khai báo y tế bắt buộc.

Tại tỉnh Hải Dương, những người trở về từ "vùng đỏ" đã tiêm đủ liều vắc xin thì thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày và tự theo dõi sức khỏe 7 ngày tiếp theo. Đối với những người từ "vùng đỏ" mà chưa tiêm đủ liều vắc xin thì cách ly tại nhà 14 ngày; Chưa tiêm vắc xin thì phải cách ly tập trung 14 ngày. Tỉnh Hải Dương cũng khuyến khích người dân trở về từ vùng dịch thực hiện khai báo điện tử và tự test nhanh.

Người dân cần chủ động khai báo y tế khi về quê ăn Tết

 Để có chuyến về quê ăn Tết an toàn, vui vẻ, trước khi về quê, người dân cần tìm hiểu kỹ về quy định phòng chống dịch của địa phương, chuẩn bị sẵn các loại giấy tờ, chứng nhận cần thiết

Theo các chuyên gia y tế, người chưa tiêm vắc xin, người có bệnh nền… nên hạn chế về quê để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong quá trình di chuyển; Nên tự xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi về quê để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và những người trong gia đình; Chuẩn bị sẵn bộ xét nghiệm mang theo khi về quê.

Trong quá trình di chuyển, người dân nên chọn phương tiện cá nhân để đảm bảo an toàn

Đặc biệt, trong quá trình di chuyển, người dân nên lựa chọn phương tiện cá nhân nếu có thể; Hạn chế tụ tập đông người, tuân thủ 5K cả khi gặp gỡ người thân, khi đi chúc Tết; Đặc biệt là khai báo thông tin đầy đủ với y tế địa phương.

Về quê thăm người thân dịp Tết là nhu cầu chính đáng. Mỗi người dân hiện nay đều đã tiêm 2 - 3 mũi vắc xin, hiểu biết về COVID-19 cũng khác nhiều so với Tết 2020, 2021; Khả năng phòng chống dịch của hệ thống y tế cũng tốt hơn trước. Với nền tảng này, các địa phương nên có những quy định tạo điều kiện cho người dân về quê với gia đình. Tuy nhiên, mỗi người dân cũng cần tự nâng cao ý thức bảo vệ bản thân là bảo vệ cho cộng đồng, thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch.

 Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng quán tràn ra vỉa hè

Từ 6h ngày 14/10, Hà Nội cho phép hàng ăn, uống được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn.

Cảm xúc tháng Mười - Khúc khải hoàn của niềm vui chiến thắng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và đến ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong niềm vui hân hoan sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân ta, đây là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nguoi-dan-can-luu-y-nhung-gi-khi-ve-que-an-tet-188408.html