Ngày 29/7/2020 – 01/8/2020, bệnh nhân nằm yên dưới tác dụng thuốc an thần và thở máy.
Bệnh nhân 496 (BN 496), nam, 65 tuổi, quê quán: Hòa Vang, Đà Nẵng
Tiền sử: Suy thận mạn tính giai đoạn cuối, thận nhân tạo chu kỳ, nhiễm khuẩn huyết.
Bệnh nhân điều trị tại khoa Nội thận Bệnh viện Đà Nẵng trong 5 tháng và ra viện ngày 24/7/2020.
Ngày 28/7/2020, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-COV-2 và được chuyển đến Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng cùng ngày với tình trạng khó thở, đặt nội khí quản và thở máy.
Ngày 02/8/2020, bệnh nhân thở máy, lọc máu liên tục và huyết áp giảm.
Ngày 04/8/2020, 7h45: bệnh nhân hôn mê, đồng tử giãn, mất hoàn toàn phản xạ; 8h30: bệnh nhân tử vong.
Chẩn đoán tử vong: Suy thận mạn giai đoạn cuối, nhiễm trùng huyết, suy tim cấp và COVID-19.
Như vậy, tính đến thời điểm này, có 8 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta tử vong là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp...
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, khi mắc COVID-19, nhóm đối tượng có nguy cơ cao diễn biến tăng nặng sẽ tập trung vào nhóm người cao tuổi (trên 60 tuổi), có bệnh lý nền (tiểu đường, cao huyết áp, suy thận mãn, lọc máu chu kỳ, ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính…) hoặc có cơ địa, thể trạng béo phì, suy kiệt…
“Những yếu tố này sẽ dễ dẫn đến nguy cơ tăng nặng khi nhiễm COVID-19” – PGS.TS Nguyễn Trường Sơn nói.
Phân tích cụ thể hơn về cơ chế gây tăng nặng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay, nhóm người nói trên khi mắc COVID-19 sẽ suy giảm sức đề kháng, khiến lượng virus phát triển trong cơ thể nhanh hơn, tổn thương cơ quan nhanh hơn so với bệnh nhân khác.
Thái Bình
|
Nhã Vân