Người lao động cách ly tập trung có được hỗ trợ theo Nghị quyết 116?

04/11/2021 11:27

Kinhte&Xahoi Người lao động phải đi cách ly tập trung mà vẫn được trả lương ngừng việc, tức là có tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 (có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan bảo hiểm xã hội) thì có thể thuộc diện được nhận hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Chị Phạm Thị Huyền Trang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có hỏi: Chính sách hỗ trợ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116 đang nhận được sự quan tâm của người lao động. Vậy trường hợp người lao động mắc Covid-19 phải đi cách ly tập trung có được nhận hỗ trợ không?

Liên quan đến thắc mắc của chị Phạm Thị Huyền Trang, cơ quan BHXH thành phố Hà Nội giải đáp như sau:

Người lao động phải đi cách ly tập trung mà vẫn được trả lương ngừng việc, thì có thể thuộc diện được nhận hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Theo quy định tại Điều 1 Quyết định 28/2021 (hướng dẫn Nghị quyết 116 ), đối tượng được nhận hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:

Người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 (có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan BHXH), không bao gồm các trường hợp sau:

- Người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân.

- Người lao động đang làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021.

Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người đã có quyết định hưởng lương hưu hàng tháng.

Không áp dụng đối với đối tượng tự nguyện không nhận hỗ trợ.

Đối với trường hợp người lao động dương tính Covid-19 và đang phải đi cách ly tập trung thì vẫn được nhận tiền lương ngừng việc theo quy định tại khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 . Mức lương ngừng việc cụ thể như sau:

Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Tại khoản 8 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định:

Người lao động ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động mà vẫn được hưởng tiền lương thì người lao động và đơn vị thực hiện đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, BHTNLĐ, BNN theo mức tiền lương người lao động được hưởng trong thời gian ngừng việc.

Như vậy, người lao động phải đi cách ly tập trung mà vẫn được trả lương ngừng việc, tức là có tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 (có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan BHXH) thì có thể thuộc diện được nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

 Thanh Tùng - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng quán tràn ra vỉa hè

Từ 6h ngày 14/10, Hà Nội cho phép hàng ăn, uống được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn.

Cảm xúc tháng Mười - Khúc khải hoàn của niềm vui chiến thắng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và đến ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong niềm vui hân hoan sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân ta, đây là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nguoi-lao-dong-cach-ly-tap-trung-co-duoc-ho-tro-theo-nghi-quyet-116-182019.html