Người lao động gần 2.000 ngành nghề nặng nhọc, độc hại có thể nghỉ hưu sớm

24/10/2019 11:22

Kinhte&Xahoi Chiều 23/10, Bộ trưởng Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đăng đàn làm rõ hơn các vấn đề các Đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình làm rõ các vấn đề của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Liên quan vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu có nhiều ý kiến, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, qua lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, xác định có 1.810 ngành nghề, lĩnh vực, công việc nặng nhọc độc hại. Theo đó, với điều kiện như thế, thì những đối tượng này sẽ thuộc nhóm nghỉ hưu hưu sớm, thậm chí có thể nghỉ sớm tới 10 năm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc sửa đổi Bộ luật Lao động đã và đang thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế có liên quan.

“Vừa qua Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã có bản bình luận dài 120 trang về bản dự thảo luật. Theo đó, ILO đã nhận định, Bộ luật Lao động sửa đổi của chúng ta đã phù hợp cơ bản với các nội dung, nhất là các nguyên tắc cơ bản của ILO”, Bộ trưởng Dung thông tin.

Về tuổi nghỉ hưu, theo Bộ trưởng Dung, tại Báo cáo tiếp thu và giải trình chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ phương án và lập luận về nhóm người lao động nghỉ hưu sớm, nhất là lao động nặng nhọc, độc hại. Hiện nay, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, và xác định 1.810 ngành nghề, lĩnh vực, công việc nặng nhọc độc hại.

“Theo đó, với điều kiện như thế, thì những đối tượng này sẽ thuộc nhóm nghỉ hưu hưu sớm, thậm chí có thể nghỉ sớm tới 10 năm”, Bộ trưởng Dung khẳng định.

Về thời gian làm việc, người đứng đầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, nếu giảm giờ làm sẽ có tác động đến tất cả đến các chủ thể liên quan, như người lao động, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, Nhà nước và có tác động đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách, nên cần nghiên cứu, đánh giá và lượng hóa cụ thể.

“Đứng ở góc độ kinh tế, giảm từ 48 giờ xuống 44 giờ thì, tổng thời gian giảm đi sẽ là 208 giờ. Trong khi đó Chính phủ đang xin đại biểu quốc hội cho tăng trưởng. Tổng chi phí lao động chúng ta sẽ tăng lên 17%, tổng giá trị xuất khẩu giảm đi khoảng 20 tỷ đô/năm. Điều quan trọng hơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm đi 0,5%”, Bộ trưởng Dung phân tích.

Theo Bộ trưởng Dung, chúng ta đang là quốc gia nỗ lực rất lớn để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp. Trong khi, các chuyên gia dự báo, nêu không muốn rơi vào bẫy bình quân thu nhập thấp thì Việt Nam phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7%.

“Chính vì vậy đây là vấn đề lớn và hệ trọng của quốc gia, cần phải đánh giá một cách kỹ lưỡng. Chúng tôi đề nghị giao cho Chính phủ nghiên cứu để đến thời điểm thích hợp, chúng ta sẽ giảm giờ làm việc”, Bộ trưởng Dung cho hay.

Về tổ chức đại diện người làm việc ở cơ sở, theo Bộ trưởng Dung, lâu nay chúng ta mới chỉ tập trung ở doanh nghiệp mà chưa mở ra các lĩnh vực khác. Cho nên, đây là vấn đề mới, chưa có thực tiễn và là vấn đề khó.

 “Vì vừa phải đáp ứng quyền lợi hợp pháp của người lao động,  đáp ứng yêu cầu dân chủ cơ sở nhưng vẫn phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an ninh, an toàn xã hội”, Bộ trưởng Dung nói.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ba vụ thảm sát người thân rúng động năm 2019

Sau vụ án Nguyễn Văn Đông sát hại cả nhà người em ruột tại Đan Phượng – Hà Nội, một trong những vấn đề dễ dàng nhận thấy, đó là ngày càng có nhiều án mạng do chính người thân trong gia đình gây ra. Và đâu là nguyên nhân của những thảm án ấy?

Nguồn: Pháp luật Plus