Nhiều địa phương mong có cơ chế đặc thù, tháo gỡ điểm nghẽn, thu hút đầu tư để phát triển

27/10/2021 14:23

Kinhte&Xahoi Sáng 27/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế.

Đại biểu Cầm Hà Chung (đoàn Phú Thọ) cho rằng, thực tế hiện nay, nhiều địa phương mong muốn có cơ chế đặc thù, để tháo gỡ điểm nghẽn, thu hút đầu tư, phát huy lợi thế để phát triển kinh tế xã hội; Song việc giải quyết mong muốn của các địa phương nếu không ổn thỏa, không có tiêu chí cụ thể sẽ tạo áp lực lên Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), lãnh đạo của các địa phương chưa được hoặc không được hưởng cơ chế đặc thù, khi mà cử tri và Nhân dân nhận thức chưa đầy đủ, cho rằng lãnh đạo địa phương có yếu kém không, tại sao không xin được cơ chế cho địa phương…

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam)

“Điều này cũng dễ gây hiểu lầm, vì sao địa phương kia nhiều cơ chế đặc thù, địa phương này được thí điểm? Vì sao có địa phương có chính sách riêng, trong khi nhu cầu cuộc sống của người dân và cán bộ là như nhau? Có đặc quyền, đặc lợi ở đây không? Có phân biệt con đẻ, con nuôi? Có không công bằng không”, đại biểu Chung băn khoăn.

Do đó, theo đại biểu, Chính phủ, các cơ quan liên quan, các địa phương liên quan cần nghiên cứu, giải trình hoặc triển khai minh bạch, tạo thống nhất và minh bạch trong Nhân dân; Cần xác định rõ tiêu chí, tránh cơ chế xin cho. Trên cơ sở đó, cần có tổng kết về khung pháp lý, đồng thời chú trọng phân cấp, phân quyền, hạn chế phân bổ thêm nguồn lực của Trung ương.

“Cần làm rõ, những địa phương được đặc thù có hơn, có khác không? Việc đóng góp cho đất nước thế nào”, đại biểu Chung đặt câu hỏi.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) thì đề nghị trao quyền cần gắn với tiêu chí, mục tiêu và trách nhiệm để sau này đánh giá, tổng kết.

“Cần bổ sung thêm trách nhiệm người đứng đầu, thậm chí cả chế tài để thực hiện đúng, nghiêm, hiệu quả nghị quyết. Nghị quyết là cơ hội cho người lãnh đạo tài năng dám nghĩ, dám làm, song cần có chế tài trách nhiệm để khẳng định với các tỉnh còn lại đây không phải “cơ chế xin - cho” mà có bản lĩnh mới có cơ chế đặc thù”, đại biểu Hạ nêu quan điểm, đồng thời đề nghị thống nhất khái niệm và tiêu chí của “thí điểm” để làm cơ sở quyết định khi các tỉnh đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù.

Trước nhiều ý kiến băn khoăn về “cơ chế xin - cho”, bất bình đẳng giữa các địa phương, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) giơ biển tranh luận. Đại biểu ví 63 tỉnh, thành giống như 63 người con của Tổ quốc có năng lực, tiềm năng, lợi thế khác nhau. Ngoài Hà Nội có Luật Thủ đô riêng thì 62 địa phương có chung hành lang pháp lý, do đó nếu không có cơ chế chính sách đặc thù thì khó kích hoạt phát triển các tiềm năng.

“Nền tảng pháp lý chưa có thì phải thí điểm, phải có mô hình để từ đó phân loại địa phương và cá biệt hoá chính sách cho từng nhóm”, ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh và khẳng định đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn để ban hành các chính sách tháo gỡ, “xé rào” để thí điểm.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)

Thảo luận về chính sách dư nợ vay, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách, mức dư nợ vay của địa phương không được vượt quá 20%, tuy nhiên thực tế chưa sử dụng hết định mức hiện tại; Như tỉnh Thanh Hóa, năm 2021 mức dư nợ vay tối đa là 2.636 tỷ đồng nhưng mức dư nợ vay đến cuối năm nay chỉ đạt 27% mức trên. Đồng thời tại các địa phương đang thực hiện cơ chế chính sách đặc thù thì trần dư nợ vay đều thấp hơn tỷ lệ Quốc hội cho phép.

Do đó đại biểu Thơ đề nghị cần làm rõ cơ sở xây dựng hạn mức dư nợ vay, phương án sử dụng vốn vay, dự kiến hiệu quả kinh tế và nguồn trả nợ vay.

Còn theo Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng), cần quan tâm đến nhóm địa phương có quyết tâm chính trị cao, đã có nghị quyết phấn đấu đến năm 2025 tự cân đối về ngân sách, đến năm 2030 có thể điều tiết ngân sách cho Trung ương. Đây là những địa phương rất cần có những chính sách đặc thù giúp rút ngắn thời gian tự cân đối ngân sách hoặc điều tiết ngân sách về Trung ương.

“Ngân sách Nhà nước dự báo sẽ khó khăn trong thời gian tới do ảnh hưởng của dịch bệnh. Do đó việc điều tiết ngân sách theo quy dịnh của Luật Ngân sách là hết sức vất vả. “Tấm chăn” ngân sách nhà nước kéo bên này khi co lại phía bên kia, co lại bên kia thì bị kéo lại phía bên này”, đại biểu Tạo chia sẻ.

 Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng quán tràn ra vỉa hè

Từ 6h ngày 14/10, Hà Nội cho phép hàng ăn, uống được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn.

Cảm xúc tháng Mười - Khúc khải hoàn của niềm vui chiến thắng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và đến ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong niềm vui hân hoan sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân ta, đây là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nhieu-dia-phuong-mong-co-co-che-dac-thu-thao-go-diem-nghen-thu-hut-dau-tu-de-phat-trien-181373.html