Nhiều nạn nhân vẫn dính bẫy lừa đảo qua mạng

04/08/2020 17:37

Kinhte&Xahoi Các đối tượng đã thực hiện trót lọt hàng loạt các vụ lừa đảo qua mạng chiếm đoạt tiền của nhiều nạn nhân khiến cơ qua công an phải đưa ra cảnh báo để người dân biết cách phòng tránh.

“Bình cũ” nhưng nạn nhân mới

 Mới đây, vào tháng 7/2020, Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 4 đối tượng Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1992, trú tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), Phan Quang Vũ (sinh năm 1997, trú tại thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh), Nguyễn Thanh Hóa (sinh năm 1998, trú tại huyện La Gi, tỉnh Bình Thuận), Lê Đình Minh Cường (sinh năm 1998, trú tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) để điều tra về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Cơ quan công an lấy lời khai một đối tượng có hành vi lừa đảo qua mạng

Nhận được thông tin, Công an huyện Sóc Sơn đã khẩn trương điều tra, xác minh vụ việc. Đội Cảnh sát hình sự (Công an huyện Sóc Sơn) đã làm rõ một nhóm đối tượng sử dụng mạng internet để lấy cắp thông tin tài khoản ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản. Cầm đầu nhóm này là Nguyễn Văn Dũng.Trước đó, vào ngày 13/1/2020, Công an huyện Sóc Sơn nhận được đơn trình báo của anh Đ.V (trú tại Sóc Sơn) về việc bị mất 200 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng. Anh V cho biết, anh có rao bán ô tô trên ứng dụng Chợ tốt. Sau đó, có một người sử dụng tài khoản Zalo nhắn tin hỏi mua và nói đang ở nước ngoài nên muốn đặt cọc trước 30 triệu đồng. Người này gửi cho anh V đường link www.wester-union-moneybanking.weebly.com và hướng dẫn điền thông tin về tài khoản ngân hàng để nhận tiền. Khi anh V làm theo hướng dẫn thì sau đó phát hiện 200 triệu đồng trong tài khoản bị “bốc hơi”.

Theo điều tra của cơ quan công an, từ đầu năm 2019 Dũng đã nghiên cứu cách làm web giả mạo web của các dịch vụ chuyển tiền quốc tế nhằm mục đích lấy cắp thông tin tài khoản ngân hàng của các nạn nhân. Dũng gọi Vũ, Hóa, Cường đến nhà trọ của mình ở Quận 9 (Thành phố Hồ Chí Minh) để cùng thực hiện hành vi lừa đảo.

Dũng chỉ đạo cả nhóm lên ứng dụng Chợ tốt để tìm “con mồi”. Sau đó, nhóm này giả vờ đặt mua hàng và giới thiệu là đang ở nước ngoài, sẽ chuyển tiền đặt cọc mua hàng. Các đối tượng này đề nghị “con mồi” cung cấp số tài khoản ngân hàng để chuyển tiền, đồng thời gửi kèm đường link giả mạo trang webside chuyển tiền quốc tế. Nếu nạn nhân điền thông tin theo hướng dẫn thì sẽ bị lộ thông tin về tài khoản ngân hàng và bị "rút ruột".

Trước đó, ngày 13/5/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) cũng khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Cao Dũng (sinh năm 1996), trú tại xã An Châu, huyện Đông Hưng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, Nguyễn Cao Dũng khai nhận do cần tiền tiêu, Dũng đã lập tài khoản facebook mang tên "Dũng Nguyễn" để bình luận vào bài đăng của những người có nhu cầu mua khẩu trang.

Tháng 3/2020, một người ở Đông Triều, Quảng Ninh đã giao dịch đặt mua 150 thùng khẩu trang y tế và đặt cọc là 200 triệu đồng. Sau một thời gian chuyển tiền không thấy Nguyễn Cao Dũng gửi hàng, khi liên lạc lại thì Dũng báo không có hàng và chuyển lại số tiền 100 triệu đồng; Số tiền còn lại Dũng đã tiêu xài vào mục đích cá nhân. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Hưng tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Công an cảnh báo thủ đoạn lừa đảo

 Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm lừa đảo qua hình thức mua bán trực tuyến, mới đây Công an tỉnh Thái Bình đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về hành vi lừa đảo thông qua mạng viễn thông, internet để chiếm đoạt tài sản của các đối tượng.

Đồng thời, cơ quan công an đề nghị cán bộ, nhân dân đề cao cảnh giác chủ động phòng ngừa để không trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng như: Không nên chuyển tiền trước cho người chưa gặp bao giờ và không thông qua giới thiệu.

Đặc biệt, đối với việc họ đưa ra những lời hứa hẹn, nhờ, yêu cầu chuyển tiền và trước khi chuyển một khoản tiền nào đó nên tham khảo ý kiến người thân hoặc lực lượng công an các cấp. Đối với người thân, bạn bè trên mạng xã hội, khi có việc liên quan đến các giao dịch chuyển khoản nên kiểm tra chính xác lại người đó có đúng là người thân, bạn bè của mình không hay là người khác đang giả mạo.

Người dân cần cảnh giác với những lời chào mời ưu đãi bất thường, trúng thưởng; Trước khi tương tác giao dịch với một công ty, tập đoàn nào đó, người dân nên kiểm tra xem công ty, tập đoàn đó có thật hay không, địa chỉ ở đâu? Với hình thức mua bán hàng qua mạng xã hội, người dân cần đọc, tìm hiểu kỹ về trang Facebook (thường những trang Facebook có địa chỉ cửa hàng rõ ràng khi tương tác với khách hàng sẽ có độ tin cậy cao hơn).

Mới đây, Bộ Công an cũng đã đưa ra cảnh báo về thủ đoạn mới của các đối tượng tội phạm nhằm chiếm đoạt tài sản của người bán hàng online và các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vừa và nhỏ.

Cụ thể, các đối tượng giả là người Việt Nam ở nước ngoài, đặt mua hàng của người kinh doanh trong nước. Sau đó, thông qua điện thoại di động hoặc mạng xã hội, tội phạm gửi tin nhắn đường link giả mạo website của dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union, dẫn dắt các bị hại đăng nhập để rút tiền mà các bị hại tin rằng các đối tượng chuyển để thanh toán mua hàng.

Trang web giả mạo sẽ gợi ý nạn nhân phải khai báo các thông tin như tên, tuổi, địa chỉ, mã số thẻ ngân hàng... để làm thủ tục rút tiền. Sau khi có được thông tin tài khoản, các đối tượng sẽ thực hiện giao dịch chuyển tiền từ tài khoản của bị hại vào tài khoản của các đối tượng…

Bộ Công an cảnh báo, người bán hàng online, các cá nhân kinh doanh cần thận trọng, xác minh kỹ thông tin khi thực hiện giao dịch chuyển tiền; Chỉ thực hiện giao dịch trên các website chính thức, công khai của các tổ chức tài chính, ngân hàng; Tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác; Hạn chế việc công khai thông tin cá nhân trên không gian mạng. Đối với các tài khoản công khai dùng để giao dịch online, người kinh doanh cần hạn chế số tiền dư quá lớn, tránh để các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt tài sản.

Khi phát hiện hành vi lừa đảo, Bộ Công an đề nghị người dân cần thông báo ngay đến cơ quan công an để được hướng dẫn giải quyết; hoặc tra cứu địa chỉ để tố giác tội phạm trên chuyên mục “Hướng dẫn tố giác tội phạm” của Cổng thông tin điện tử Bộ Công an (địa chỉ http://bocongan.gov.vn hoặc http://mps.gov.vn).

Thanh Hà - Theo TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Các siêu thị chủ động phòng chống dịch Covid-19

Hiện 50 siêu thị/cửa hàng của chuỗi hệ thống BRGMart, gồm: Intimex, Seikamart; Hapromart; Haprofood ở các tỉnh TP: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên đã tái khởi động các hoạt động để phòng tránh Covid-19. Toàn bộ cán bộ nhân viên của hệ thống siêu thị/cửa hàng đều phải nghiêm chỉnh thực hiện việc đeo khẩu trang, sát khuẩn bằng cồn trong suốt quá trình làm việc.

Link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nhieu-nan-nhan-van-dinh-bay-lua-dao-qua-mang-142310.html