Những phố hàng, những vỉa hè thương nhớ

10/10/2021 09:09

Kinhte&Xahoi Hà Nội, đất Kẻ Chợ từ hàng ngàn năm trước đã mang trong mình bao trầm tích lịch sử. Chất hào hoa, tao nhã riêng có toát lên từ không gian, từ con đường, góc phố, từ những vỉa hè mưu sinh của bao người đân hàng phố, cũng như dân tứ xứ tìm về. Và dẫu chỉ là những hàng rong vỉa hè, cũng khiến người ta thương nhớ khôn nguôi…

Vỉa hè Hà Nội mang những màu sắc quyến rũ lạ lùng, nơi để lại biết bao nỗi niềm thương nhớ, là miền ký ức của mỗi người.

Chuyện chỉ có ở Kẻ Chợ

Chợ xuất hiện ở Thăng Long từ rất sớm. Năm 1035, Vua Lý Thái Tông đã “mở chợ Tây Nhai với hành lang dài” (tương ứng với chợ Ngọc Hà ngày nay). Từ thời Lý đến Trần, chợ ngày càng nhiều hơn để đảm bảo cho đời sống dân sinh của 61 phường ở kinh thành. GS Sử học Trần Quốc Vượng từng nhận định: “Cho đến thế kỷ XVI, chỉ có Thăng Long mới được gọi là Kẻ Chợ còn tất cả các vùng miền khác gọi là Kẻ Quê”.

Thế kỷ XVII, dân các làng có nghề thủ công nhập cư vào Thăng Long lập cơ sở sản xuất, dân cư ngày càng đông đúc. Trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, Phan Huy Chú đã kể ra 8 chợ ở Thăng Long gồm: Chợ Cửa Đông, chợ Cửa Nam, chợ Huyện, chợ Đình Ngang, chợ Bà Đá, chợ Văn Cử, chợ Bác Cử và chợ Ong Nước.

Điều kỳ lạ, chợ ở Thăng Long không chỉ bán nông, lâm sản từ các vùng mang đến mà các chợ còn bán nhiều hàng hóa khác và chuyên buôn bán một mặt hàng: Bán mít chợ Đông; Bán hồng chợ Tây; Bán mây chợ Huyện; Bán quyến (lụa) chợ Đào (Hàng Đào). Sau đó dần dần xuất hiện thêm các chợ khác chỉ bán một mặt hàng, từ đó ra đời từ phố (nghĩa là cửa hàng) và các phố Hàng.

Và nữa, trong số tên của phố phường Hà Nội xưa có đến hàng chục tên phố gắn liền với những mặt hàng, những sản vật liên quan trực tiếp đến chuyện bếp núc, ăn uống: Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Khoai, Hàng Đường, Hàng Đậu, Chợ Gạo, Hàng Bún, Hàng Rươi, Chả Cá, Hàng Cá, Hàng Gà, Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng), Hàng Cháo...

Cùng với đó, để phục vụ cho kinh thành, từ xưa ngoại thành Thăng Long cũng có khá nhiều làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm hoặc trồng những cây đặc sản: làng Tứ Kỳ, làng Phú Đô làm bún, làng Mai Động làm đậu phụ, làng Tương Mai làm xôi lúa, làng Quỳnh Lôi có giống mướp ngon, làng Vòng (Dịch Vọng) làm cốm, làng Thanh Trì làm bánh cuốn, làng Lủ (Kim Lũ) làm kẹo, hoặc “Ớt cay là ớt Định Công, nhãn ngon là loại nhãn lồng làng Quang (Thanh Liệt)”, rồi cam Canh, bưởi Diễn, hồng xiêm Xuân Đỉnh... Đó là những món ngon dân dã, những thức quà bình dị gắn với cuộc sống nhưng vẫn mang những nét riêng của một vùng văn hoá.

“Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua”

Không chỉ riêng có về những chợ hàng, từ xa xưa, Hà Nội đã có phố và tất nhiên không hẳn các phố đã có vỉa hè. Theo cuốn “Thượng Kinh ký sự” của cụ Hải Thượng Lãn Ông thì Thăng Long thời chúa Trịnh vỉa hè cũng đã có, nhưng ngắn ngủi cập kênh và rải rác. Lòng đường phố lớn ở thời ấy thường lát đá hộc, để cho voi ngựa đi được. Còn vỉa hè chỉ là những doi đất cứng được san phẳng chắc, sát vào cửa nhà. Vỉa hè Hà Nội như hiện nay là do người Pháp, đặc biệt là công của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, một ông Tây thực dân khá tham lam nhưng yêu sự ngăn nắp.

Thế nhưng, “Khi tôi đến Hà Nội vào tháng 3-1897 thì khu phố của người An Nam vốn là những cửa hàng lấn ra tới tận đường. Phố xá không có vỉa hè và chen chúc những người và người. Đó là những thứ đích thực của Hà Nội”. Paul Doumer bắt phải lát vỉa hè ở những phố Tây trước tiên như Gambetta (Trần Hưng Đạo), Carreau (Lý Thường Kiệt), Bobillot (Lê Thánh Tông)… bằng loại gạch vuông rạch khía viền bờ bằng đá đẽo.

Và điều khó lý giải, vỉa hè lại mang những màu sắc quyến rũ lạ lùng, nơi để lại biết bao nỗi niềm thương nhớ, là miền ký ức của mỗi người. Nơi ấy, không chỉ là “cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua”, những gánh hàng rong, quán cóc, mà thương lắm những góc phố cho ta thấy sự bình dị, an yên dẫu khi “lòng xác xơ” hay bình lặng, hay tràn nỗi niềm trìu mến những gương mặt phố. Đó là những chị, những bà cụ gánh cốm đang ngồi bình dị trên vỉa hè, khéo léo gói những hạt cốm làng Vòng dẻo thơm vào phố, gánh theo cả mùa thu trong chiếc lá sen.

Vỉa hè, đó là nỗi nhớ chiếc bánh giò nóng hổi trước cổng chợ Hôm, bát cháo sườn thơm nức trên vỉa hè trước chợ Đồng Xuân, gánh xôi sáng trên vỉa hè phố Hàng Bài, Hàng Than, rồi đĩa nộm bò khô cay cay trên vỉa hè phố Hồ Hoàn Kiếm, đĩa ốc luộc trên phố Đinh Liệt, hay bát bún riêu sóng sánh trên vỉa hè phố cổ, bát cháo trai ấm lòng chiều đông, bát bún ôc nước trong vị ngọt của xương gà, vị chua tao nhã của thứ dấm cực thơm ngon vừa vặn, và những chú ốc giòn sật, béo ngập “ ốc tháng 10, người Hà Nội” là thế… Là vỉa hè rợp lá sấu vàng rơi trên vỉa hè hai hàng cây Phan Đình Phùng. Nơi ấy, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã vang lên ca từ “hàng cây thắp nến lên hai hàng” trong Nắng thủy tinh. Đó còn là những quán cà phê trong những sớm mai mùa hạ hay những “ chiều tím loang vỉa hè”…

Cùng với đó, người Hà thành coi chuyện ăn uống như một cách thể hiện những thú vui, mang nét cá tính, là một cách thể hiện sự lịch lãm và hiểu biết của mình. Với người Hà Nội, lời mời ăn cơm bao giờ cũng lịch sự và thân tình. Dù những yếu tố vật chất có thể có một vài đổi thay nhưng cái gu thưởng thức nhạy cảm và tinh tế dường như riêng có trong văn hoá ẩm thực.

Người Hà Nội sành miệng vốn chỉ ăn ở những hàng quen. Có người đi cả 10km để ăn một đĩa bánh cuốn Thanh Trì nơi góc phố tuổi ấu thơ. Thế nên, mỗi người sẽ có vài quán ruột, và một đời người họ chỉ đến đúng địa chỉ đó, để được đúng vị dẫu hàng quán đó đã sang nhiều thế hệ. Bởi thế, không thiếu những quán ăn vỉa hè ở Hà Nội mà người bán cầu kì lựa từng cọng hành hoa, từng sợi bún. Cũng không thiếu cảnh người ta phải ngồi lom khom trên một bộ bàn ghế nhựa thấp lè tè, hay đứng đợi, thậm chí ăn bát phở đứng vào những chiều muộn góc phố Hàng Trống, đến mỏi cả chân mà vẫn chẳng nề hà. Bởi đó là vị của ký ức, vị phở xưa, từ nhiều chục năm trước…

Bà Hằng, người làm bánh cuốn tay còn lại ở Thanh Trì khoe chiếc muôi và con dao từ thời mẹ bà còn đội thúng bánh cuốn đi rao trên phố cổ.

Như thế, Hà Nội, quán xá phố phường là sự kết hợp khéo léo giữa văn hóa, lịch sử, địa chí và những trải nghiệm cá nhân. Nhiều nơi làm bánh cuốn nhưng không đâu làm bánh cuốn ngon bằng người làng Thanh Trì. Gạo ngon được chọn kỹ, được ngâm rồi xay nhỏ mịn. Lá bánh cuốn được các bà, các cô dẻo tay tráng như múa trên khuôn vải căng trên miệng nồi nước đang sôi. Lá bánh mỏng tang mà dẻo dai không rách như một lớp lụa mịn màng. Mỗi lá bánh thoa thêm chút mỡ, rắc chút hành khô phi thơm với bát nước chấm đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt, thơm dịu dàng cùng vị cà cuống đặc trưng đã làm nên phong vị đặc sắc của bánh cuốn Thanh Trì để một lần ăn là nhớ mãi. Một đĩa bánh cuốn Thanh Trì chỉ chừng mươi lá, mỏng tang tới mức gần như trong suốt. Người Hà Nội không chỉ ăn cho no, họ nhất định ăn ngon đúng khẩu vị, ăn vui, ăn đẹp. Sự tinh tế không chỉ nằm ở khẩu vị, nó còn nằm ở việc chọn lựa khung cảnh ăn uống, cách thức ăn uống - món nào đi với món ấy, món này thì ăn thế ấy, mùa nào thức ấy, và cả giờ nào thức ấy… Tất cả những “niềm sung sướng” ấy, phần lớn người Hà Nội tìm đến những vỉa hè, góc phố thân thương của riêng mình…

Dẫu biết rằng, vỉa hè, nếu đúng chức năng thì đó là phần đường đi được tạo nên để dành riêng cho người đi bộ. Nhưng khi lượng dân số tăng cao cùng sự thay đổi không ngừng của xã hội, vỉa hè dường như phải gánh quá nhiều “trọng trách”, từ chức năng làm đường đi cho người bộ hành, vỉa hè còn trở thành nơi đặt các biển báo, cột đèn, cột điện, rồi các sạp hàng chen chúc ăn theo “nhà mặt phố” do một phần thông lệ “vỉa hè trước cửa nhà ai là thuộc về nhà ấy”… Và dẫu có vỉa hè được lập lại trật tự để trả vỉa hè về đúng chức năng của nó, thì người Hà Nội dẫu chẳng phải mưu sinh nhưng vẫn luyến nhớ những vỉa hè nơi nhuộm màu thời gian và thương nhớ. Nơi chứng kiến một Hà Nội hiện đại mà xưa cũ, nơi khiến người ta phải khắc khoải nhung nhớ, bởi một phần tâm hồn những ngày mưa, ngày nắng, ngày đau buồn, ngày vui … Khi sự hào hoa riêng có, không chỉ từ khí chất, thần thái, mà chính từ những bé mọn và sự giản dị trong lòng phố… Do đó, người Hà Nội đi trong lòng phố, vẫn nhớ Hà Nội đến nao lòng là vì thế...

Hà Nội là như thế, diễm lệ, hào hoa mà cũng thật lạ lùng. Là những vẻ đẹp vô cùng bé nhỏ, những niềm vui nho nhỏ bởi tình yêu lớn lao từ những điều bé nhất, như Hà Nội trà đá vỉa hè cũng gợi bao nỗi niềm. Và nơi ấy “lắng hồn núi sông ngàn năm”… Như niềm xúc động trào dâng, khi bạn trong những chuyến đi xa trở về Hà Nội bằng tàu hỏa vào một sớm mai, khi giọng đọc của nghệ sỹ Kim Tuyến vang lên sâu lắng: “ Các bạn đã về tới ga Hàng Cỏ… Hà Nội trái tim của cả nước”…

Miên Thảo- Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội chốt phương án thi vào lớp 10

Lịch thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2021-2022 đã được công bố. Các thí sinh gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra vào ngày 12-13/6/2021.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/nhung-pho-hang-nhung-via-he-thuong-nho-d168300.html