Ninh Bình cấm cán bộ, công chức ăn thịt động vật rừng và chim hoang dã

24/09/2020 10:11

Kinhte&Xahoi Sở NN&PTNT Ninh Bình vừa có văn bản nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh sử dụng thực phẩm, sản phẩm có nguồn gốc từ động vật rừng và các loài chim hoang dã.

Ngày 24/9, UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, Sở NN&PTNT tỉnh vừa có văn bản đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm nhiều nội dung liên quan đến công tác tăng cường quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã, chim hoang dã.

Các loài chim hoang dã bị người dân ở Ninh Bình bẫy bắt để giết thịt.

Theo Sở NN&PTNT Ninh Bình, trong những năm qua, công tác bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư đã được các cấp, tổ chức, ngành, đơn vị và UBND các địa phương quan tâm chỉ đạo tích cực trong việc bảo vệ các loài chim hoang dã, các đàn chim di cư, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.

Hiện đã đến mùa chim di cư, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện nhiều khu vực bãi bồi, đầm nuôi trồng thủy sản, các cánh đồng lúa ven các khu rừng rừng (khu vực huyện Kim Sơn, Nho Quan, Hoa Lư…) xuất hiện nhiều hình thức bẫy, bắt chim hoang dã, chim di cư các loại, trong đó chủ yếu là giăng lưới, bẫy mồi bắt chim.

Để chủ động bảo vệ các loài chim di cư, bảo vệ môi trường sinh thái và tính đa dạng sinh học, Sở NN&PTNT yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, đơn vị chức năng phối hợp Hạt Kiểm lâm huyện, thành phố thực hiện ngay các biện pháp kiểm tra, tịch thu, phá dỡ, tiêu hủy và xử lý các bẫy lưới giăng và các dụng cụ để săn, bẫy, bắt chim tự nhiên di cư đang tồn tại;

Chim hoang dã được bày bán tại một quán ven đường ở TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.

Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, bảo tồn các loài động vật hoang dã, các loài chim hoang dã nhằm chủ động phòng ngừa dịch bệnh, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã, các loài chim hoang dã; triển khai cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn ký cam kết về việc không mua bán, tàng trữ, sử dụng, nuôi nhốt, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo các loài động vật hoang dã, các loài chim hoang dã;

Kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời và nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của nhà nước về săn, bắn, bắt, bẫy, mua, bán, vận chuyển, nuôi nhốt, giết mổ, kinh doanh, tàng trữ các loài động vật hoang dã, các loài chim hoang dã; Chỉ đạo các đoàn thể, các xã, thôn tuyên truyền nâng cao ý thức trong việc bảo vệ các loài loài chim hoang dã.

“Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn các huyện, thành phố sử dụng thực phẩm cũng như các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật rừng, các loài chim hoang dã”, văn bản của Sở NN&PTNT Ninh Bình nêu rõ.

Tỉnh Ninh Bình nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức ăn thịt động vật rừng và chim hoang dã để bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.

Sở NN&PTNT Ninh Bình yêu cầu, Chi cục Kiểm lâm Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với các phòng chức năng của huyện, thành phố và UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, các loài chim hoang dã; thường xuyên bám sát địa bàn xử lý, thu gom dụng cụ, lưới bắt chim và kiên quyết không để xảy ra tình trạng giăng lưới bẫy bắt chim trên các cánh đồng, bãi bồi ven biển, khu vực rừng ngập mặn hoặc mua bán, vận chuyển chim hoang dã trên các tuyến đường, tuyến phố;

Kiểm tra, kiểm soát hoạt động săn bắn, bẫy, bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép các loài chim hoang dã trong mùa di cư và xử lý nghiêm hành vi vận chuyển, buôn bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại.

Đối với các chủ rừng: Thực hiện nghiêm các quy định về bảo tồn đa dạng sinh học, thực vật rừng, động vật rừng trong đó có các loài chim hoang dã; Chủ động đấu tranh, tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cá nhân, du khách tích cực tham gia hoạt động bảo vệ các loài chim hoang dã.

Các cấp, các ngành, các địa phương ở Ninh Bình vào cuộc quyết liệt bảo vệ chim hoang dã nhưng nạn săn bắt vẫn diễn ra, các nhà hàng, quán bán thịt chim vẫn ngang nhiên hoạt động.

Được biết, Ninh Bình là tỉnh hiện nay các loài động vật rừng và chim hoang dã được bảo vệ nghiêm ngặt nhất trong khu vực. Vì thế, tại tỉnh này có các khu rừng, vườn chim nổi tiếng cả nước như: rừng quốc gia Cúc Phương, vườn chim ở Thung Nham (Hoa Lư), khu đầm chim ở Vân Long (Gia Viễn)... Các loài chim quý tại đây có nhiều loài có tên trong Sách Đỏ được bảo vệ nghiêm ngặt, phát triển du lịch...

 Thái Bá - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tháo gỡ khó khăn, hút nhà đầu tư phát triển nguồn điện theo IPP

Sáng ngày 18/09, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển Điện lực, Tạp chí Năng lượng Việt nam đã tổ chức Hội thảo khoa học ”Cơ chế, chính sách cho các nhà đầu tư phát triển nguồn điện tại Việt Nam – những vấn đề đối với nhà Đầu tư”. Mục tiêu của Hội thảo là để các nhà đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, điện khí, nhiệt điện than, thủy điện…trình bày những vấn đề còn bị mắc kẹt trong phát triển các dự án theo hình thức ‘nguồn phát triển độc lập” và bàn giải pháp thúc đẩy các dự án nguồn điện của Việt Nam trong thời gian tới.

Link bài gốc https://dantri.com.vn/xa-hoi/ninh-binh-cam-can-bo-cong-chuc-an-thit-dong-vat-rung-va-chim-hoang-da-20200923224234361.htm