Nói "không" với dâng sao giải hạn, đốt vàng mã

22/02/2024 07:39

Kinhte&Xahoi Ngày 30-1-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 11/CĐ-TTg về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024. Thực hiện công điện, nhiều đền, chùa đã nói “không” với dâng sao giải hạn, đốt vàng mã tràn lan, qua đó góp phần xây dựng nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm, bảo vệ môi trường..

Người dân đi lễ đầu năm tại chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ). Ảnh: Đỗ Tâm

Thực hiện nghiêm quy định

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thay vì cúng dâng sao giải hạn đầu năm, đốt hình nhân thế mạng, năm nay nhiều đền, chùa ở thành phố Hà Nội thay đổi bằng hình thức cầu an.

Tại chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm), nhà chùa thông báo chỉ làm lễ cầu an, cầu tài lộc đầu năm. Nhiều người dân hỏi về hình thức cúng dâng sao giải hạn bằng hình nhân thế mạng thì đều nhận được câu trả lời là nhà chùa không thực hiện nghi thức này. Bà Nguyễn Thanh Hương (phố Hàng Quạt, quận Hoàn Kiếm), người dân đến lễ tại đây cho biết, bà rất đồng tình với việc bỏ dâng sao giải hạn, cúng hình nhân thế mạng, vừa lãng phí tiền của, vừa là hủ tục lạc hậu.

Tương tự, chùa Lưu Bái (quận Bắc Từ Liêm) thực hiện nghiêm việc không cúng dâng sao giải hạn đầu năm. Thay vào đó, nhà chùa sử dụng hình thức cúng cầu bình an cho các gia đình với nghi lễ trang nghiêm. Trưởng tiểu ban Quản lý di tích đình, chùa Kiều Mai (quận Bắc Từ Liêm) Trần Quang Định cho hay, thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ và yêu cầu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chùa Lưu Bái chỉ tổ chức cầu bình an cho các tăng, ni, Phật tử, nghiêm cấm đốt vàng mã, dâng sao giải hạn để bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ. Người dân đến lễ cũng thực hiện nghiêm việc không hóa vàng mã, giữ gìn sự tôn nghiêm chốn linh thiêng.

Là chùa tổ chức lễ cầu bình an cho Phật tử và nói "không" với việc đốt vàng mã, ngựa giấy..., chùa Ngòi (phường Quang Trung, quận Hà Đông) đón khách thập phương trong niềm hoan hỉ, an lạc với niềm tin trong tâm mỗi người. Sư thầy Thích Đàm Bảo, chùa Ngòi giải thích: Nhà chùa tổ chức cầu an bằng cách hướng dẫn người dân tụng kinh, phóng sinh để hướng đến điều lành. Khi cái đẹp tốt lên, cái xấu bị dẹp đi, đó cũng là cầu an. Nếu vàng mã, hình nhân thế mạng có thể xua đi vận hạn, thì trên thế gian sẽ không ai chết. Đó là niềm tin không chân chính, không chân chính thì thành mê tín dị đoan. Cần hiểu rằng, con người làm việc tốt - nghĩa là cái “nhân” tốt thì mới nhận được “quả” tốt, chứ không phải hình nhân, vàng mã mà có thể thay thế được.

Sư thầy Thích Đàm Bảo khẳng định: "Trong giáo lý nhà Phật không có tập tục đốt vàng mã. Đạo Phật chỉ dạy, làm điều tốt sẽ có phúc, đức; phải tu tập thì mới an. Nhà chùa tổ chức lễ cầu an lập đàn lễ chỉ gồm hoa quả thanh tịnh, trang trọng, lành mạnh và tiết kiệm".

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 11/CĐ-TTg về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có công văn đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt vàng mã tràn lan, gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, bảo vệ môi trường. Các địa phương thuộc thành phố Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu các cơ sở thờ tự thực hiện nghiêm nội dung này.

Phó Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) Trịnh Thế Lộc cho biết, ngay từ trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, UBND phường Ngã Tư Sở đã yêu cầu các tổ dân phố tuyên truyền, vận động người dân không đốt vàng mã, đồng thời tiến hành rà soát các cơ sở thờ tự. Trong đó, Tổ đình Phúc Khánh - nơi được người dân đến xin lộc đầu năm đông - được phường đặc biệt quan tâm chú trọng tuyên truyền, vận động. Đến nay, Tổ đình Phúc Khánh chỉ làm lễ cầu an cho các tăng, ni, Phật tử, chứ không dâng sớ giải hạn, đốt hình nhân thế mạng.

Bên cạnh những đền, chùa nói không với dâng sao giải hạn, đốt vàng mã tràn lan, vẫn xảy ra hiện tượng trên tại một số cơ sở. Đơn cử, chiều 18-2, tại cụm di tích Bia Bà (phường La Khê, quận Hà Đông), người đến lễ vẫn mang theo nhiều vàng mã và khu vực hóa vàng luôn đỏ lửa... Với những cơ sở này, cơ quan quản lý văn hóa, chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và không đốt vàng mã tràn lan gây lãng phí tiền của và ô nhiễm môi trường.

Có thể nói, với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý văn hóa, chính quyền địa phương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, rõ ràng người dân đã nâng cao ý thức, hạn chế dâng sao giải hạn, đốt vàng mã tràn lan. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp đầu xuân lành mạnh, an toàn và tiết kiệm hơn. Vì thế, trong thời gian tới, cần tiếp tục duy trì các giải pháp trên để bảo đảm nếp sống văn minh trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp rằm tháng Giêng và lễ hội sau Tết...

Nhóm PV - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

11 mũi thi công đường, 3 mũi thi công cầu Dự án Vành đai 4

Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội vừa báo cáo về tình hình triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Trên toàn tuyến đường đã tổ chức 14 mũi thi công, bao gồm 11 mũi thi công đường và 3 mũi thi công cầu.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/noi-khong-voi-dang-sao-giai-han-dot-vang-ma-658923.html