Phanh phui việc biến 'đất công' thành 'đất ông'

22/06/2020 15:26

Kinhte&Xahoi Dư luận kháo nhau chuyện ông Nguyễn Thanh Sơn (nguyên Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch- đầu tư, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Đắk Nông) được cấp sổ đỏ trên hàng chục ha đất rừng tại huyện Đắk G’long và Đắk Song, tỉnh Đắk Nông.

Ông Nguyễn Thanh Sơn được huyện Đắk Song đề xuất cấp sổ đỏ trên đất rừng ở xã Trường Xuân

Hỏi sao anh em không viết bài thì mọi người đều bảo chỉ nghe vậy chứ không có tài liệu. Thấy bất thường, tôi liền vào cuộc điều tra ngọn ngành việc cấp sổ đỏ trên đất rừng cho vị lãnh đạo này.

“Không làm thì chết ngay...”

Một ngày đầu tháng 9/2016, tôi cùng mấy đồng nghiệp xuống xã Trường Xuân (huyện Đắk Song) để tìm khu đất rừng được cấp sổ đỏ cho gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn. Đến khu đất này, chúng tôi gặp một người nhà từ dưới quê lên đang trông nom khu đất. Hỏi gì, ông ấy cũng bảo không biết. May mắn, ông ấy đưa cho chúng tôi xem 5 sổ đỏ được huyện Đắk Song cấp cho khu đất này. Mấy đồng nghiệp đi cùng bảo: Về thôi, họ “hợp thức hóa” khu đất này rồi, có điều tra cũng mất công!

Đêm đó, tôi mở máy ảnh ra xem lại những sổ đỏ được cấp cho ông Sơn, nhận thấy có điều gì đó bất thường! Tại sao ông Sơn lại được cấp nhiều sổ đỏ như thế, tại sao huyện dám “hợp thức hóa” việc này, tại sao đất rừng lại được cấp sổ đỏ...? Ngày hôm sau tôi in những sổ đỏ này, chạy xe một mình trở lại xã Trường Xuân xác minh. Khi cán bộ địa chính xã Trường Xuân kiểm tra sổ địa chính của xã thì không có tên những sổ đỏ đã được cấp cho gia đình ông Sơn. Thấy lạ quá, tôi liền chạy lên phòng Tài nguyên môi trường (TN-MT) huyện Đắk Song để kiểm tra lại hồ sơ cấp sổ đỏ cho gia đình ông Sơn.

Sau nhiều cuộc điện thoại cho lãnh đạo UBND huyện Đắk Song, cuối cùng Phòng TN-MT huyện này cũng chịu cung cấp hồ sơ liên quan đến việc cấp sổ đỏ cho gia đình ông Sơn. Trong khi đọc hồ sơ, tôi phát hiện ra công văn UBND huyện Đắk Song đề xuất UBND tỉnh Đắk Nông giao hơn 13,5ha đất rừng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Trường Xuân về cho địa phương quản lý để cấp sổ đỏ cho gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn. Hỏi một lãnh đạo Phòng TN-MT huyện này sao lại đề xuất cấp sổ đỏ trên đất rừng cho gia đình ông Sơn, vị này nói: “Ông ấy là Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy. Không làm thì chết ngay, còn làm thì sau này mới chết em ạ!”.

Nằm sát bên đường Hồ Chí Minh (đoạn đi qua thôn 10, xã Trường Xuân), khu đất rừng này có địa thế rất đẹp và cách TP Gia Nghĩa khoảng 15km. Trên khu đất, gia chủ đang nuôi heo rừng và trồng nhiều loại cây như: mít, tiêu, bơ… Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Đức Luyện (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông) cho biết: “Lúc đó tôi có nhận được hồ sơ đề nghị thu hồi đất của Công ty lâm nghiệp Trường Xuân giao huyện Đắk Song cấp sổ đỏ cho ông Sơn, nhưng tôi không ký, vì nguồn gốc là đất rừng, cái này tôi nắm rất rõ... Biết chuyện, ông ấy có vẻ không ưng tôi lắm, cứ gây sức ép...”. Về tờ trình của UBND huyện Đắk Song, ông Luyện nói rằng: “Tôi nghĩ họ làm chưa hết trách nhiệm, chưa đúng quy định, chứ nếu đúng thì tôi đã ký rồi”.

Cấp sổ đỏ cả vào ngày Chủ Nhật!

Thu thập đủ hồ sơ, giữa tháng 9/2016, tôi đã gửi đăng báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) bài viết đầu tiên về vụ việc này với tiêu đề: Đắk Nông đề xuất cấp sổ đỏ trên đất rừng cho cán bộ tỉnh. Bài viết vừa đăng tải, nhiều lãnh đạo các cơ quan tỉnh Đắk Nông đề xuất tôi cung cấp hồ sơ để vào cuộc xác minh. Tuy nhiên, tôi trả lời họ rằng hồ sơ này không có gì khó để tìm vì nó đều nằm tại cơ quan chức năng của huyện và tỉnh. Sau khi báo SGGP đăng tiếp những tin bài về vụ việc này, nhiều đồng nghiệp các báo Trung ương cũng vào cuộc.

 Ông Nguyễn Thanh Sơn được huyện Đắk Song cấp sổ đỏ trên đất rừng để canh tác

Quá trình điều tra, chúng tôi còn phát hiện UBND huyện Đắk G’long cũng cấp sổ đỏ trên đất rừng khai hoang cho ông Sơn và em ông Sơn với diện tích hơn 54ha tại xã Quảng Khê. Trên diện tích này, chủ nhân đã trồng cà phê, keo, nuôi bò và dựng 5 ngôi nhà cấp 4 để sinh hoạt.

Nhận được văn bản trả lời về vụ việc này tại cuộc họp báo ở Sở TT-TT Đắk Nông của UBND huyện Đắk Song, chúng tôi tiếp tục phát hiện trong quy trình cấp sổ đỏ cho gia đình ông Sơn có rất nhiều điểm lạ kỳ khi tờ trình số 28/TTr-UBND của UBND xã Trường Xuân lại được lập vào ngày Chủ Nhật 25/5/2008.

Trong ngày 2/7/2008, khi Phòng TN-MT huyện Đắk Song làm tờ trình đề xuất UBND huyện Đắk Song cấp sổ đỏ cho vợ chồng ông Nguyễn Thanh Sơn, huyện Đắk Song đã ra quyết định cấp ngay trong ngày hôm đó! Trả lời những thắc mắc của báo chí về việc này, ông Lê Viết Sinh (Phó chủ tịch UBND huyện Đắk Song) nói rằng việc cấp sổ đỏ ngay trong ngày “không có gì bất thường” vì “luật chỉ quy định thời gian giải quyết hồ sơ cấp sổ đỏ không quá 45 ngày, chứ không nói gì đến việc hạn chế cấp sớm trong ngày”? Còn việc UBND xã Trường Xuân làm tờ trình trong ngày Chủ nhật bây giờ báo chí nói ông mới biết?

Trung ương vào cuộc xử lý

Trước những bất thường được đăng tải liên tục trên báo chí, ngày 18/11/2016, UBND tỉnh Đắk Nông ra quyết định thành lập tổ công tác 2006 đi kiểm tra, xác minh việc cấp sổ đỏ trên đất rừng cho gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn.

Báo cáo của tổ công tác này cho biết: Từ năm 2003 - 2008, UBND huyện Đắk Song đã cấp 13 sổ đỏ với diện tích 13,2ha cho vợ chồng ông Sơn ở xã Trường Xuân. Cả 13 quyết định cấp sổ đỏ của UBND huyện Đắk Song đều do Phó chủ tịch Phạm Đình Bộ ký. Trong đó, có hơn 2,8ha được huyện Đắk Song cấp sổ đỏ cho vợ chồng ông Sơn năm 2005 trái quy định vì diện tích này thuộc quyền quản lý của Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân. Còn hồ sơ cấp đất năm 2003 và 2005 cho vợ chồng ông Sơn thiếu nhiều thủ tục theo quy định...

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông đã vào cuộc kiểm tra đề xuất kỷ luật hàng chục cán bộ hai huyện Đắk Song và Đắk G’long. Cả chục sổ đỏ được cấp sai cho gia đình ông Sơn sau đó bị thu hồi. Tuy nhiên, lúc đó ông Nguyễn Thanh Sơn đã nghỉ hưu và chuyển sinh hoạt đảng về Đắk Lắk nên Tỉnh ủy Đắk Nông không xử lý kỷ luật được. Vì thế, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc điều tra, xử lý và ra quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Thanh Sơn vào tháng 12/2017. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sức sống, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi trường tồn!

Tư tưởng Hồ Chí Minh không những có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển của cách mạng Việt Nam mà còn góp phần tích cực trong các bước tiến của nhân loại vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Đây là nhân tố không thể thiếu trong tư duy và hành động của toàn Đảng, toàn dân Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, công nghiệp hó a, hiện đại hóa đất nước giai đoạn tới.

Nguồn: Tiền Phong/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/phanh-phui-viec-bien-dat-cong-thanh-dat-ong-d127676.html