Phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm của đại biểu Quốc hội

26/10/2021 07:04

Kinhte&Xahoi Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội bắt tay ngay vào việc xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo Luật, các dự thảo Nghị quyết, nhất là dự thảo Nghị quyết về kinh tế - xã hội, dự thảo Nghị quyết chung của Kỳ họp (với những nội dung đã được Quốc hội thảo luận toàn thể trực tuyến)

Chiều 25/10, tại Nhà Quốc hội, ngay sau khi kết thúc phiên họp toàn thể của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các cơ quan hữu quan để tổng kết sơ bộ tuần họp đầu tiên theo hình thức trực tuyến của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc, qua đó đánh giá, 6 ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp, Quốc hội đã cơ bản hoàn thành chương trình đề ra.

Sau khi nghe các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan báo cáo cụ thể về công tác chuẩn bị, tổ chức các phiên họp và các vấn đề đặt ra Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc, qua đó đánh giá, 6 ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp, Quốc hội đã cơ bản hoàn thành chương trình đề ra.

Chương trình Kỳ họp được bố trí hợp lý, khoa học, tận dụng tối đa thời gian kể cả tại phiên thảo luận tổ và thảo luận trực tuyến. Hồ sơ các nội dung trình Quốc hội bảo đảm chất lượng, nhất là chất lượng chuẩn bị các dự án luật được đại biểu Quốc hội đánh giá cao. Công tác thư ký, tổng hợp nội dung thảo luận tại tổ có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong điều kiện Quốc hội họp trực tuyến với 72 Tổ đại biểu, trong đó có đến 62 Tổ tại các địa phương. 

Các cơ quan trình cũng đã tập trung, nghiêm túc tiếp thu, giải trình chi tiết các vấn đề được các cơ quan của Quốc hội đặt ra. Chủ tọa điều hành các phiên họp đã điều hành khoa học, linh hoạt, tôn trọng đại biểu Quốc hội, bảo đảm đúng nguyên tắc dân chủ trong hoạt động của Quốc hội. Công tác thông tin truyền thông có nhiều cố gắng, trong đó, các đại biểu đánh giá cao vai trò của hai cơ quan báo chí của Quốc hội là Báo Đại biểu Nhân dân và Truyền hình Quốc hội trong việc thông tin tuyên truyền về Kỳ họp.

Trong thời gian còn lại của đợt họp trực tuyến, Quốc hội sẽ thảo luận về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm; tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương... Đây đều là các vấn đề có ý nghĩa hệ trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước, bảo đảm an sinh xã hội của người dân trong thời gian tới.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần phát huy hơn nữa những việc đã làm tốt và rút kinh nghiệm những việc chưa làm tốt trong 6 ngày đầu tiên để tổ chức Kỳ họp đạt chất lượng cao hơn nữa.

Trong đó, về công tác truyền thông, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân cả nước, các vấn đề quốc kế dân sinh được Quốc hội bàn thảo, xem xét, quyết định phải được thông tin đầy đủ, kịp thời, toàn diện, sâu sắc để cử tri và Nhân dân theo dõi. Các cơ quan báo chí truyền thông cần bám sát dự kiến, kế hoạch tuyên truyền Kỳ họp; tăng cường hơn nữa thời lượng và nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin về hoạt động của Kỳ họp, đặc biệt phải thông tin sâu rộng, đầy đủ, không phiến diện về các vấn đề trọng tâm của từng nội dung trình Quốc hội và các vấn đề được dư luận cử tri quan tâm; cân đối hơn nữa thời lượng thông tin tại các điểm cầu tại địa phương.

Nhấn mạnh yêu cầu cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tổng hợp ý kiến tại các phiên thảo luận tổ, thảo luận trực tuyến của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan của Quốc hội bắt tay ngay vào việc xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo Luật, các dự thảo Nghị quyết, nhất là dự thảo Nghị quyết về kinh tế - xã hội, dự thảo Nghị quyết chung của Kỳ họp (với những nội dung đã được Quốc hội thảo luận toàn thể trực tuyến); chuẩn bị kỹ lưỡng cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn; đồng thời cũng phải bắt tay vào chuẩn bị các nội dung sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường dự kiến sẽ được tổ chức cuối năm nay.

Phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm của đại biểu Quốc hội

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý, các đại biểu Quốc hội cần tiếp tục phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung trình Quốc hội để đóng góp hiệu quả cho Kỳ họp đúng theo tinh thần mà Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh tại phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ Hai.

20210707194037giao-ban--bao-chi
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Trong tuần làm việc trực tuyến đầu tiên, Quốc hội đã nghe các Báo cáo, Tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội và thảo luận tổ về tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, công tác phòng, chống dịch Covid -19, 6 dự án Luật và 5 dự thảo Nghị quyết…; thảo luận toàn thể trực tuyến về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật,  thi hành án, phòng, chống tham nhũng năm 2021 và 2 dự án Luật…

Theo ghi nhận của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các phiên họp diễn ra thông suốt, hiệu quả, trong đó, các điều kiện bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ, bảo đảm tốt an ninh, an toàn, diễn ra thông suốt. Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, dân chủ, nêu rõ quan điểm về các nội dung trình Quốc hội. Không khí thảo luận sôi nổi, ý kiến toàn diện, sâu sắc nhiều chiều. Tại các Tổ ở địa phương, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã mời cơ quan chuyên môn tham dự, đóng góp thêm ý kiến, góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch, mở rộng dân chủ trong hoạt động của Quốc hội.

 Tường Vân - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cảm xúc tháng Mười - Khúc khải hoàn của niềm vui chiến thắng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và đến ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong niềm vui hân hoan sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân ta, đây là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/phat-huy-toi-da-tinh-than-trach-nhiem-cua-dai-bieu-quoc-hoi-d169391.html