Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, có bản sắc

12/02/2023 14:30

Kinhte&Xahoi Hà Nội quyết tâm cùng các địa phương trong vùng tổ chức thực hiện thành công nghị quyết của Bộ Chính trị, chương trình hành động của Chính phủ với mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, có bản sắc; động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tham luận tại hội nghị

Động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước

 Sáng 12/2, đại diện thành phố Hà Nội tham luận tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, Hà Nội quyết tâm cùng các địa phương trong vùng tổ chức thực hiện thành công nghị quyết của Bộ Chính trị, chương trình hành động của Chính phủ với mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, có bản sắc; động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước.

Theo Chủ tịch UBND thành phố, Thủ đô Hà Nội là trung tâm của Vùng đồng bằng sông Hồng, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Hà Nội có dân số khoảng 10 triệu người; Nơi tập trung các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện hàng đầu, là trung tâm văn hóa lớn nhất cả nước; Giữ vai trò chủ đạo về phát triển kinh tế của vùng, có quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm 43% quy mô GRDP Vùng đồng bằng sông Hồng và 16,2% GDP bình quân cả nước. Hà Nội có vai trò là đầu tàu, là hạt nhân có tính chất lan tỏa của vùng nói riêng và khu vực Bắc Bộ nói chung trên hầu hết các lĩnh vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 3/2/2023, trong đó xác định trọng trách của Thủ đô trong quá trình phát triển Vùng Thủ đô và cả nước; Quyết tâm cùng các địa phương trong vùng tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ với mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc; Động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước.

Hà Nội đã xác định một số chỉ tiêu và định hướng phát triển cụ thể nhằm triển khai thực hiện các chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ.

Trong đó, về mục tiêu phát triển kinh tế, Hà Nội phấn đấu phát triển kinh tế có sức cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 từ 7,5-8%, cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; Giai đoạn 2026-2030 tăng 8-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000-13.000USD. Tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt khoảng 36.000 USD; Kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; Tiêu biểu cho cả nước; Có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội sẽ khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển các ngành kinh tế, tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung phát triển hạ tầng dịch vụ thông minh, những ngành có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistic; Phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; Hình thành một số trung tâm mua sắm, trao đổi hàng hóa, dịch vụ hàng đầu của cả nước và khu vực; áp dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) trong giao dịch và thanh toán.

Xác định công nghiệp văn hóa trở thành động lực cho quá trình phát triển Thủ đô

 Tại hội nghị, thành phố Hà Nội dự kiến trao chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án thuộc các lĩnh vực thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí với tổng mức đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng.

Hà Nội sẽ phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao, hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng phát thải các-bon thấp, sử dụng tiết kiệm tài nguyên. Thành phố sẽ phát triển ngành nông nghiệp theo định hướng nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh...

Đồng thời, thành phố sẽ phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế - xã hội, xứng tầm với truyền thống nghìn năm văn hiến, để Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh và lan tỏa văn hóa của cả nước. Hà Nội xác định công nghiệp văn hóa trở thành động lực, nguồn lực mới cho quá trình phát triển Thủ đô và Vùng đồng bằng sông Hồng. TP phấn đấu tỷ trọng ngành công nghiệp văn hóa trong GRDP đến năm 2025 đạt 5%, năm 2030 đạt khoảng 8%.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng lãnh đạo thành phố, các sở, ngành tại gian trưng bày của thành phố Hà Nội bên lề hội nghị

Thành phố sẽ phát triển đô thị, hạ tầng đồng bộ theo hướng đẩy mạnh liên kết vùng, đưa Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; Nông thôn phát triển hiện đại, hài hòa, có bản sắc tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước. Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng của vùng động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh). Cùng với hệ thống giao thông quốc gia hình thành hệ thống giao thông của Thủ đô đồng bộ, hiện đại, bảo đảm sự kết nối và phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải. Trong đó, hiện nay, thành phố Hà Nội đang khẩn trương triển khai và phấn đấu cơ bản hoàn thành vào năm 2027 đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Phấn đấu chuẩn bị đầu tư dự án đường Vành đai 5 trước năm 2030.

Hà Nội sẽ tập trung xây dựng thể chế phát triển để phát huy vai trò của Thủ đô là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô và cả nước. Hà Nội xác định xây dựng thể chế phát triển Thủ đô là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Hiện nay, thành phố Hà Nội đang xây dựng đồng thời Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tạo không gian phát triển, tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực phát triển.

Thành phố cũng đang phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để tạo đột phá về thể chế, chính sách phát triển Thủ đô, tạo động lực phát triển của vùng, đồng thời là 1 trong 2 cực tăng trưởng của cả nước theo định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia mới được Quốc hội thông qua.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành trung ương, các địa phương tiếp tục quan tâm, ủng hộ thành phố trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trên.

Lam Dương. Ảnh Nhật Nam - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sinh viên thuê trọ thời “bão giá”

Càng gần thời điểm bắt đầu năm học mới của các trường đại học cũng là lúc nhu cầu thuê trọ của sinh viên tăng cao. Cùng với những tác động của vật giá leo thang, giá thuê phòng trọ cũng tăng chóng mặt trong thời điểm này. Dù vậy, nhiều bạn vẫn tìm được những cách riêng để đối mặt với câu chuyện tìm nhà thời “bão giá”.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/phat-trien-thu-do-ha-noi-tro-thanh-do-thi-thong-minh-hien-dai-co-ban-sac-217233.html