Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong: Chuẩn bị kịch bản mới ứng phó với dự báo 5.000-7.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày

29/12/2021 21:20

Kinhte&Xahoi Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, diễn biến dịch bệnh rất phức tạp. Số ca mắc COVID-19 có thể lên tới 5.000-7.000 ca/ngày. Có thể chủng Omicron sẽ lan ra cộng đồng với tốc độ rất nhanh. Các quận, huyện, thị xã cũng cần có kịch bản mới phù hợp với tình hình hiện tại.

Chiều 29/12, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã chủ trì phiên họp trực tuyến Ban Chỉ đạo với các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã về các giải pháp phòng, chống dịch.

Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban chỉ đạo đồng chủ trì hội nghị.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Sau khi nghe các Sở, ngành, quận, huyện báo cáo về công tác phòng chống dịch ở địa phương, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, trong tuần qua tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố diễn biến rất phức tạp khi Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước về số ca nhiễm F0; Số bệnh nhân phải chuyển tầng điều trị và bệnh nhân tử vong cũng tăng.

Dự báo trong dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khi Việt Nam đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong lưu ý từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, đặc biệt có khoảng 140 nghìn người Việt Nam ở nước ngoài đăng ký về nước ăn Tết, lượng người dân từ các tỉnh, thành trở về Hà Nội cũng tăng, mang theo những nguy cơ không nhỏ.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong lưu ý các địa phương cần đặc biệt quan tâm hơn đến việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ cao là hơn 23.500 người trên 50 tuổi có bệnh nền nhưng đến nay chưa được tiêm vì nhiều lý do khác nhau. Sở Y tế khẩn trương có hướng dẫn thực hiện việc tiêm vắc xin tại nhà.

“Trừ các trường hợp theo chỉ định y tế không thể tiêm vắc xin được, với các trường hợp khác Bí thư, Chủ tịch phải đến tận nhà vận động, tuyên truyền, để tiêm bằng được. Tiêm thêm được 1 người là giảm đi 1 người phải chuyển tầng 3 điều trị, giảm đi một nguy cơ tử vong. Đây là chuyển biến về nhận thức phải xác định rõ là hạn chế chuyển tầng, tử vong, quản trị rủi ro”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Đồng chí cũng lưu ý việc triển khai ứng dụng phần mềm quản lý F0 rất tiện lợi nhưng vẫn có địa phương lãnh đạo chưa cập nhật đầy đủ và đề nghị các quận huyện phải nắm rõ, cập nhật liên tục việc sử dụng phần mềm này.

Trong thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy nêu rõ các công việc cần tập trung. Đầu tiên, việc dự báo tình hình phải thống nhất là diễn biến dịch bệnh hết sức phức tạp. Số ca mắc COVID-19 có thể lên tới 5.000-7.000 ca/ngày. Có thể chủng Omicron sẽ lan ra cộng đồng với tốc độ rất nhanh.

Sở Y tế phải xây dựng kịch bản mới, dựa trên tỷ lệ chuyển tầng điều trị, tử vong, không để quá tải ở tầng điều trị 2, 3. Các quận, huyện, thị xã cũng cần có kịch bản mới phù hợp với tình hình hiện tại.

Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu chuyển hướng điều trị F0 xuống xã, phường và điều trị tại nhà. Các quận huyện hạn chế việc tiếp tục mở các khu thu dung điều trị tập trung; Tận dụng các trường mầm non ở các xã, phường để thực hiện việc này.

Các đơn vị cũng cần rà soát địa bàn nguy cơ cao như khu cụm công nghiệp, làng nghệ, công trình xây dựng lớn, chợ, trường học… phải được quan tâm, thường xuyên kiểm tra xử phạt nghiêm với việc thực hiện 5K.

Các quận, huyện, thị xã có đông lao động ngoại tỉnh, công trường lớn, cần quản lý chặt di biến động dân cư để rà soát tiêm vắc xin cho người chưa được tiêm trên nguyên tắc “Không phân biệt người ở đâu, có trên địa bàn phải được tiêm vắc xin ngay”

Phó Bí thư Thành ủy nhắc lại chỉ đạo mới của đồng chí Bí thư Thành ủy về yêu cầu tất cả cơ quan đơn vị thuộc thành phố không tổ chức liên hoan, gặp mặt cuối năm. Cán bộ đảng viên, công chức phải gương mẫu thực hiện. UBND TP sẽ có văn bản hạn chế một số hoạt động phù hợp với tình hình thực tế dịch bệnh từ nay đến Tết Nguyên đán.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong đặc biệt nhấn mạnh, công tác tuyên truyền để mỗi người dân hiểu rõ về nguy cơ và dự báo tình hình dịch bệnh chưa thực sự đạt kỳ vọng.

“Thành phố vẫn kiểm soát được dịch bệnh nhưng nếu không kìm chế được sự gia tăng; Người dân và cơ quan quản lý lơ là thì chắc chắn dịch bệnh sẽ tiếp tục tăng, tỷ lệ tử vong cũng sẽ tăng”, Phó Bí thư Thành ủy nói và yêu cầu công tác tuyên truyền phải thực chất, hiệu quả hơn để mỗi người dân có ý thức bảo vệ mình và xã hội.

Phó Bí thư Thành ủy cũng lưu ý ngay mấy ngày tới cần có hoạt động động viên khích lệ tuyến đầu ở các bệnh viện, khu thu dung bệnh nhân COVID-19; Chăm lo đảm bảo các gia đình có F0 dù ở bệnh viện hay ở nhà đều có Tết... “Nếu mỗi người trách nhiệm hơn nữa, cùng chung tay thì mới có một dịp Tết bình an”, Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

 Tú Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng quán tràn ra vỉa hè

Từ 6h ngày 14/10, Hà Nội cho phép hàng ăn, uống được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn.

Cảm xúc tháng Mười - Khúc khải hoàn của niềm vui chiến thắng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và đến ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong niềm vui hân hoan sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân ta, đây là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/chuan-bi-kich-ban-moi-ung-pho-voi-du-bao-5000-7000-ca-mac-covid-19-moi-ngay-186837.html