Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong: Phát huy ý thức tự giác, tự quản của Nhân dân trong tình hình mới

14/10/2021 07:06

Kinhte&Xahoi Chiều tối 13/10, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống Covid-19 thành phố chủ trì giao ban trực tuyến với Sở Chỉ huy các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn để triển khai thực hiện Công điện số 21/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND TP.

Tham dự có Phó Chủ tịch UBND TP, Phó Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống Covid-19 TP Chử Xuân Dũng; Lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn.

Khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Công điện 21

 Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, tính đến 16 giờ ngày 13/10, TP ghi nhận 11 ca mắc tại khu cách ly (trong đó có 10 ca liên quan đến chùm ca bệnh tại Bệnh viện Việt Đức và 1 ca về từ Thành phố Hồ Chí Minh). Toàn thành phố còn 188 F0 đang điều trị, 10 điểm phong tỏa. Ổ dịch tại Bệnh viện Việt Đức ghi nhận tổng cộng 95 ca mắc (trong đó 76 ca tại Hà Nội, 19 ca tại các tỉnh) hiện cũng đã được kiểm soát.

Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng phát biểu tại buổi giao ban

Về công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, toàn thành phố đã tiêm được 7.599.145 mũi, trong đó có 5.111.666 mũi 1 và 2.487.479 mũi 2. Cùng với đó, các bệnh viện Trung ương cũng đã tiêm 1.159.840 mũi, trong đó 792.438 mũi 1 và 367.702 mũi 2. Như vậy, tính tổng trên địa bàn toàn thành phố đã tiêm được 8.758.985 mũi, trong đó có 5.903.804 mũi 1, đạt 97,95% dân số trên 18 tuổi và 71,13% tổng dân số; 2.855.181 mũi 2, đạt 47,4% dân số trên 18 tuổi và 34,4% tổng dân số.

Sở Y tế đề nghị các tuyến y tế quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát tất cả các trường hợp ho sốt để lấy mẫu xét nghiệm. UBND các quận, huyện, thị xã quản lý chặt chẽ người về từ các khu vực trong cả nước, tiến hành theo dõi, quản lý và xét nghiệm kịp thời; Ngoài ra, lưu ý công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho rằng, khi thành phố mở lại vận tải liên tỉnh, từ hàng không, đường sắt, đường bộ, thì nguy cơ đối với Hà Nội tăng lên rất cao. Chính vì thế, đòi hỏi sự vào cuộc rất tập trung và quyết liệt của các địa phương

Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đề nghị tiếp tục thực hiện 6 nhóm nội dung trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trước hết, TP cần triển khai một cách thường xuyên, liên tục, hiệu quả công tác truyền thông về phòng, chống dịch Covid-19 để người dân tiếp tục ủng hộ, chung sức, hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch; Đồng thời nâng cao ý thức tự giác thực hiện nghiêm thông điệp 5K.

Phó Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị cần tiếp tục duy trì sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở một cách thực chất, quyết liệt hơn. Các địa phương tổ chức giao ban thường xuyên để đôn đốc, chấn chỉnh, kiểm điểm nhắc nhở, làm tốt hơn công tác phòng, chống dịch, tránh chủ quan, lơ là; Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của tổ Covid-19 cộng đồng trong việc giám sát người dân trở về địa phương; Phát huy kinh nghiệm của thị xã Sơn Tây trong việc thành lập các tổ liên gia, tự quản trong phòng chống dịch.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đề nghị các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Công điện 21 của UBND TP một cách cụ thể. Sở Y tế phối hợp với Sở Giao thông vận tải có hướng dẫn cụ thể cho việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi hoạt động vận tải hành khách công cộng được hoạt động trở lại, trên nguyên tắc và yêu cầu chung của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải.

Các quận, huyện có kế hoạch cụ thể cho việc triển khai các nhóm hoạt động từ 6 giờ sáng 14/10, từ việc mở cửa lại công viên, bảo tàng, nhà hàng...; Đồng thời, chủ động kiểm tra tại những nơi có nguy cơ cao, như siêu thị, trung tâm thương mại, đặc biệt là tại các bệnh viện.

Tuyệt đối không lơ là, chủ quan

 Kết luận buổi giao ban, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, trong hai ngày ngày 12 và 13/10, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp bàn nhằm triển khai thực hiện ngay nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Hội nghị lần thứ tư vừa qua; Cụ thể hóa việc thực hiện chiến lược chuyển trạng thái từ “không Covid-19” sang “sống chung với Covid-19” trên địa bàn Thủ đô.

Xem xét đánh giá tình hình, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy khẳng định, Hà Nội vẫn đang ở trong giai đoạn nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao, vì vẫn còn F0 trong cộng đồng, mới nhất là ổ dịch xuất hiện ở quận Hà Đông, chưa rõ nguồn lây. Trong khi số người dân trở về từ vùng dịch ngày càng đông; Ngoài các phương tiện máy bay, tàu hỏa, xe khách, người dân còn di chuyển tự phát bằng phương tiện cá nhân. Các tỉnh xung quanh như Bắc Ninh, Hà Nam cũng vừa phát sinh thêm các ổ dịch mới rất phức tạp.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo

Đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng chỉ rõ, Hà Nội có 97,7% số người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1. Tuy chỉ có hơn 2% số người từ 18 tuổi trở lên chưa đủ điều kiện được tiêm mũi 1 nhưng con số lên tới trên 120.000 người, là những người có bệnh nền, tuổi cao, phụ nữ mang thai chưa đến 13 tuần mà chỉ định không thể tiêm được... Tiếp đó là gần 3 triệu trẻ em dưới 18 tuổi chưa được tiêm. Nếu những người cao tuổi, bệnh nền không thể tiêm bị mắc SARS-CoV-2 thì nguy cơ chuyển nặng, thậm chí tử vong sẽ tăng cao.

“Trên thực tế tại Hà Nội một số quận, huyện nhiều ngày chưa có ca F0 trong cộng đồng, đã xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan”, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở Chỉ huy thành phố nhấn mạnh.

Khẳng định quan điểm chỉ đạo chung của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội là phải nỗ lực, quyết tâm thực hiện nghiêm và có hiệu quả tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chuyển trạng thái phòng, chống Covid-19, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu, cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quán triệt tinh thần tuyệt đối không được chủ quan, lơ là công tác phòng, chống dịch Covid-19 vào lúc này; Phải nêu cao trách nhiệm hơn nữa, phải quyết liệt ngay từ những ngày đầu thiết lập trạng thái bình thường mới.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, để bảo vệ thành quả chống dịch đạt được thời gian vừa qua, các quận, huyện, thị xã phải chủ động dự báo và đánh giá đúng tình hình, nhất là các nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh, xây dựng kế hoạch, phương án rà soát điều kiện cơ sở vật chất, con người để ứng phó khi cần thiết, tiếp tục dự phòng ở mức độ cao hơn; Không được chủ quan, lơ là, đảm bảo chuyển trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong tình hình mới.

“Từ kinh nghiệm phòng, chống dịch của thành phố thời gian qua cho thấy, phải chủ động chuẩn bị trước một bước và quan trọng là phải dựa vào Nhân dân, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đến tận thôn, tổ dân phố, các tổ Covid-19 cộng đồng, tổ tự quản liên gia...”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nêu rõ.

Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở Chỉ huy thành phố Nguyễn Văn Phong cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp; Trước mắt, giữ nguyên hiện trạng các cơ sở cách ly tập trung từ nay đến hết tháng 10/2021 để đề phòng các tình huống phát sinh; Chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện; Nghiên cứu, đẩy mạnh các mô hình tự quản; Rà soát ngay cơ sở vật chất của 579 trạm y tế cấp xã, nhất là hệ thống ô xy, cơ chế vận hành phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19.

Các quận, huyện, thị xã phải xây dựng ngay kế hoạch cụ thể từng phần việc, từng loại hình tổ chức, cơ sở nhằm quản lý việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch khi mở lại các hoạt động, dịch vụ. Công an thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát di biến động dân cư, kiểm tra việc chấp hành phòng chống dịch từ cửa ngõ đến nội đô thành phố.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ sớm ban hành chỉ thị mới và nghị quyết tổng thể nhằm lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị thực hiện chỉ đạo của Trung ương, vừa bảo đảm phòng, chống dịch an toàn, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. 15 đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tiếp tục đi kiểm tra tình hình công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch tại các địa phương, tập trung kiểm tra đột xuất từ cơ sở. 

 Tú Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cảm xúc tháng Mười - Khúc khải hoàn của niềm vui chiến thắng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và đến ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong niềm vui hân hoan sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân ta, đây là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/phat-huy-y-thuc-tu-giac-tu-quan-cua-nhan-dan-trong-tinh-hinh-moi-180245.html